Khô âm đạo là vấn đề thường gặp ở phụ nữ. Thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân phổ biến nhất gây khô âm đạo, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất. Âm đạo khô ít khi nghiêm trọng nhưng gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
1. Vai trò của dịch âm đạo
Dịch âm đạo là một lớp mỏng ẩm phủ lên thành âm đạo. Độ ẩm này cung cấp một môi trường kiềm để tinh trùng có thể tồn tại và di chuyển. Các dịch tiết âm đạo này cũng bôi trơn thành âm đạo, giảm ma sát trong quá trình quan hệ tình dục. Khi phụ nữ già đi, những thay đổi nồng độ hormone có thể khiến thành âm đạo mỏng đi. Điều này có nghĩa là ít tế bào tiết dịch ẩm hơn, dẫn đến khô âm đạo.
2. Tác hại của khô âm đạo là gì?
Âm đạo khô có thể gây ra cảm giác khó chịu ở vùng âm đạo và vùng chậu. Các triệu chứng khác của khô âm đạo như:
- Cảm giác nóng rực, đau âm đạo
- Mất hứng thú với tình dục
- Đau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu nhẹ sau khi giao hợp
- Nhiễm trùng đường tiết niệu không hết hoặc tái phát
- Ngứa hoặc châm chích âm đạo
Ngoài ra, âm đạo khô còn ảnh hưởng đến tâm lý, khiến người phụ nữ xấu hổ, mặc cảm, tự ti.
3. Nguyên nhân gây khô âm đạo là gì?
Nồng độ estrogen giảm là nguyên nhân chính làm cho âm đạo khô. Phụ nữ bắt đầu sản xuất ít estrogen hơn khi tuổi càng cao. Điều này dẫn đến việc kết thúc kinh nguyệt trong thời gian tiền mãn kinh. Tuy nhiên, mãn kinh không phải là tình trạng duy nhất làm giảm sản xuất estrogen. Các nguyên nhân khác bao gồm:
- Có thai hoặc cho con bú: Nồng độ estrogen giảm xuống làm giảm dịch nhờn âm đạo
- Hút thuốc lá: Ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến các mô của cơ thể, bao gồm cả âm đạo
- Căng thẳng quá mức: Khó đạt được hưng phấn và hạn chế tiết dịch âm đạo. Căng thẳng cũng có thể gây ra các quá trình viêm khác nhau trong cơ thể. Điều này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu hoặc hệ thống thần kinh dẫn truyền.
- Uống rượu: Rượu làm mất nước trong cơ thể và điều này ảnh hưởng đến âm đạo. Rượu cũng là một chất gây suy nhược hệ thần kinh trung ương. Điều này có nghĩa là các dây thần kinh không còn nhạy cảm so với người không uống rượu. Kết quả là sự kết nối giữa tâm trí và cơ thể có thể không hiệu quả trong việc kích thích bôi trơn âm đạo như bình thường.
- Dị ứng: Các sản phẩm có mùi thơm có thể gây kích ứng và gây khô âm đạo. Ví dụ như chất tẩy rửa có mùi thơm hoặc chất làm mềm vải được sử dụng để giặt đồ lót, kem dưỡng da hoặc các sản phẩm có mùi thơm, giấy vệ sinh thơm, xà phòng. Nếu bắt đầu bị khô âm đạo sau khi sử dụng sản phẩm mới, hãy ngừng sử dụng ngay.
- Dung dịch vệ sinh: Nước hoa và các thành phần khác trong dung dịch thụt rửa có thể làm khô các mô âm đạo. Do đó tránh thụt rửa vì không cần thiết và hầu như luôn gây hại nhiều hơn lợi.
- Dùng thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamine ngăn chặn tác động của các phản ứng dị ứng, ngăn chặn các phản ứng điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh chịu trách nhiệm bôi trơn âm đạo. Khi ngừng dùng thuốc kháng histamine, tình trạng khô âm đạo sẽ được cải thiện.
- Thuốc tránh thai: Làm giảm nồng độ estrogen có thể gây âm đạo khô.
- Thuốc chống trầm cảm: Một số thuốc chống trầm cảm phổ biến như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc chống trầm cảm ba vòng, có thể có tác dụng phụ gây khô âm đạo.
- Thuốc hen suyễn: Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn được gọi là thuốc kháng cholinergic như ipratropium bromide và tiotropium bromide. Những loại thuốc này ngăn chặn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, giúp giãn đường thở. Tuy nhiên, nó có thể gây khô niêm mạc, bao gồm cả miệng và âm đạo.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch: Chẳng hạn như hội chứng Sjögren
- Một số phương pháp điều trị ung thư: Chẳng hạn như chiếu tia xạ vào khung chậu, liệu pháp hormone hoặc hóa trị liệu
- Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng
4. Khi nào cần đi khám?
Khô âm đạo hiếm khi là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Nhưng hãy đi khám nếu cảm giác khó chịu kéo dài hơn vài ngày hoặc cảm thấy khó chịu khi quan hệ tình dục. Nếu âm đạo khô kèm theo chảy máu âm đạo nghiêm trọng, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức. Nếu không được điều trị, khô âm đạo có thể gây lở loét hoặc nứt các mô của âm đạo.
5. Điều trị khô âm đạo như thế nào?
Có nhiều chất bôi trơn không kê đơn có thể được bôi vào vùng âm đạo để giảm khô và khó chịu. Các chất bôi trơn và kem dưỡng ẩm này cũng có thể thay đổi độ pH của âm đạo, làm giảm khả năng bị nhiễm trùng tiểu.
Phụ nữ nên chọn chất bôi trơn dành riêng cho âm đạo, không được chứa nước hoa, chiết xuất thảo mộc hoặc màu nhân tạo vì có thể gây kích ứng.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc như liệu pháp estrogen dưới dạng viên uống, kem hoặc vòng, có tác dụng giải phóng estrogen. Kem và vòng giải phóng estrogen trực tiếp đến các mô. Thuốc tránh thai có nhiều khả năng được sử dụng hơn khi có các triệu chứng mãn kinh khó chịu khác, chẳng hạn như bốc hỏa.
6. Làm thế để ngăn ngừa khô âm đạo?
Hạn chế sử dụng các sản phẩm gây kích ứng, chẳng hạn như thụt rửa âm đạo bằng dung dịch vệ sinh. Tránh dùng bao cao su có chứa nonoyxnol-9 hoặc N-9 vì có chứa chất hóa học có thể gây khô âm đạo. Tuy nhiên, điều quan trọng là không thể ngăn chặn được những thay đổi liên quan đến tuổi tác hoặc sinh sản đối với âm đạo.
Tóm lại, khô âm đạo gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng thường gặp nhất là giảm estrogen do mãn kinh. Khô âm đạo hiếm khi nghiêm trọng và có nhiều phương pháp điều trị cũng như có nhiều cách giúp ngăn ngừa nó. Tuy nhiên, nếu tình trạng khô âm đạo không thuyên giảm, hãy đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com