Khi nào cần mổ polyp túi mật là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Trong đó, polyp được hình thành do sự phát triển quá mức của niêm mạc trong thành túi mật. Polyp túi mật thường có 95% trường hợp là lành tính, nhưng khoảng 5% còn lại vẫn có thể tiến triển thành ung thư túi mật. Vậy khi nào cần mổ polyp túi mật?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
1. Polyp túi mật là gì?
Polyp túi mật là tổn thương dạng u hoặc giả u, phát triển trên bề mặt niêm mạc của túi mật. Loại tổ chức này xuất phát từ thành túi mật và phát triển lồi vào trong lòng túi mật.
Mọi độ tuổi đều có thể mắc phải polyp túi mật nhưng tình trạng này chủ yếu xảy ra ở người trưởng thành. Khoảng 7% dân số trưởng thành bị ảnh hưởng bởi polyp túi mật. Mặc dù nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được xác định nhưng bệnh có mối liên hệ với độ tuổi và sự tồn tại của sỏi mật.
Khoảng 95% polyp túi mật là lành tính và không gây triệu chứng nên thường được phát hiện một cách ngẫu nhiên. Chỉ một tỉ lệ nhỏ trong số đó gây ra các triệu chứng giống như sỏi mật, bao gồm đau ở vùng hạ sườn bên phải hoặc trên vùng rốn, buồn nôn, nôn mửa, đầy bụng và tiêu hóa kém… Một số polyp còn có thể dẫn đến các biến chứng cấp tính như viêm túi mật hoặc ứ trệ dịch mật…Vậy, khi nào cần mổ polyp túi mật?
2. Khi nào cần mổ Polyp túi mật?
Dù rằng phần lớn các polyp túi mật đều là lành tính nhưng vẫn tồn tại khoảng 5% nguy cơ phát triển thành ung thư. Do đó, việc phát hiện sớm và thực hiện các biện pháp dự phòng, can thiệp kịp thời là cực kỳ quan trọng để kiểm soát bệnh một cách hiệu quả hơn.
Các polyp túi mật ác tính thường có những đặc điểm rất rõ ràng để phân biệt với polyp lành tính. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tuổi tác có mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển polyp thành u ác tính. Cùng với đó, các trường hợp polyp bất thường có khả năng cao biến chuyển thành u ác tính, cụ thể như sau:
- Polyp không có cuống với chân rộng.
- Kích thước polyp lớn vượt quá 10 mm.
- Polyp nhỏ nhưng mọc thành cụm lớn trong túi mật, được gọi là đa polyp.
- Polyp phát triển bất thường, dễ lan rộng, tăng nhanh về số lượng hoặc kích thước trong thời gian ngắn.
- Polyp ở người trên 50 tuổi.
- Polyp gây triệu chứng và thường xuyên gây viêm túi mật.
- Polyp ở người mắc viêm xơ đường mật tiên phát hoặc có sỏi túi mật.

Hiện tại, người bệnh cần theo dõi sự tiến triển của polyp cùng với các triệu chứng mà polyp gây ra. Để ngăn chặn polyp có khả năng phát triển thành ung thư, người bệnh có thể được xem xét cắt bỏ túi mật.
Tuy nhiên, việc cắt bỏ túi mật có thực sự cần thiết hay không vẫn phải dựa vào chỉ định của bác sĩ. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật chỉ nên được thực hiện khi có nguy cơ cao biến chứng thành u ác tính.
Polyp túi mật thường không yêu cầu phẫu thuật nếu kích thước nhỏ hơn 10mm, nhưng người bệnh nên được theo dõi định kỳ 3-6 tháng. Nếu trong lần khám tiếp theo, polyp phát triển nhanh gấp đôi, chân polyp lan rộng, hình dạng không đều hoặc có triệu chứng lâm sàng như đau và sốt tái diễn, có dấu hiệu nghi ngờ về ác tính thì phẫu thuật cắt bỏ túi mật sẽ được xem xét.

Hiện này, phương pháp mổ nội soi giúp cắt túi mật mà ít tác động đến sức khỏe người bệnh khi phẫu thuật. Tuy nhiên, dù sử dụng phương pháp nào, người bệnh vẫn có khả năng gặp phải một số biến chứng liên quan đến tiêu hóa.
Như đã biết, túi mật là nơi dự trữ mật và sẽ đổ mật vào ruột mỗi khi chúng ta ăn. Khi túi mật bị cắt bỏ, mật do gan sản xuất liên tục cả ngày đêm sẽ chảy trực tiếp vào ruột gây ra một số khó chịu như tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu... Trong số này, tiêu chảy là biến chứng tiêu hóa thường gặp nhất. Do đó, sau khi phẫu thuật cắt bỏ túi mật, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống bằng cách giảm chất béo, ăn nhiều rau quả để bổ sung chất xơ và chia nhỏ bữa ăn trong ngày…
3. Không mổ polyp túi mật có sao không?
Hầu hết các trường hợp polyp túi mật đều lành tính không đe dọa đến sức khỏe. Do đó, việc phẫu thuật loại bỏ túi mật hoặc polyp là không cần thiết. Người bệnh có thể sống chung với polyp mà không gặp vấn đề gì nhưng cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những thay đổi bất thường.
Để bảo vệ sức khỏe, người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn uống bằng cách hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo như mỡ động vật, thịt đỏ, hải sản... Tuy nhiên, nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường liên quan đến túi mật hoặc hệ tiêu hóa, người bệnh cần đến bệnh viện để được khám và tư vấn.
Trong lĩnh vực thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện dẫn đầu tại Việt Nam.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.