Chỉ định truyền albumin trong hội chứng thận hư là một phương pháp điều trị khá phổ biến. Do đó, truyền albumin có tác dụng gì đối với hội chứng thận hư là câu hỏi được nhiều người bệnh quan tâm.
1. Vai trò của albumin trong cơ thể
Albumin là một trong số những loại protein (đạm) quan trọng nhất của cơ thể. Albumin nằm trong huyết thanh, có chức năng chính là duy trì áp lực keo, giúp nước được giữ lại trong lòng mạch máu. Ngoài ra, albumin cũng tham gia liên kết và vận chuyển một vài hoạt chất khác có trong máu, hỗ trợ các loại thuốc điều trị bệnh phát huy tác dụng và toàn bộ cơ quan được hoạt động bình thường, khỏe mạnh.
2. Albumin có liên quan thế nào đến hội chứng thận hư?
Thông thường, albumin có kích thước lớn hơn các lỗ màng ngăn ở cầu thận và cả hai đều cùng mang điện tích âm. Do đó, chẳng những albumin không thể thoát ra ngoài theo con đường này được, mà hơn nữa còn bị đẩy ra xa. Tuy nhiên, khi mắc phải hội chứng thận hư đồng nghĩa với việc thận bị suy yếu và hủy hoại dần, không còn chức năng hoạt động một cách bình thường. Lúc này, các lỗ trên màng lọc thận bị to ra, điện tích âm cũng mất dần, và đây chính là nguyên nhân khiến albumin có thể dễ dàng thoát ra ngoài qua đường nước tiểu.
Bệnh nhân mắc hội chứng thận hư sẽ tiểu ra đạm, hay nói cách khác là trong nước tiểu có albumin. Lượng protein hao hụt quá nhanh khiến cơ thể không kịp sản sinh thêm đạm mới để đáp ứng, dẫn đến tình trạng giảm đạm trong máu. Khi thất thoát albumin, áp lực thẩm thấu keo cũng không còn khiến nước bị tràn ra khỏi lòng mạch máu. Tràn dịch xảy ra ở nhiều vùng trên cơ thể, như là xung quanh mắt, mặt, chi dưới hay bìu. Biểu hiện rõ ràng nhất của quá trình tiêu cực này là phù toàn thân.
3. Truyền albumin có tác dụng gì?
Mặc dù một số loại đạm khác cũng thoát ra ngoài theo đường tiểu của bệnh nhân mắc hội chứng thận hư, song hầu hết protein bị mất là albumin. Trong trường hợp triệu chứng phù của người bệnh quá nghiêm trọng, họ cần phải nhập viện và tiến hành truyền albumin theo chỉ định của bác sĩ.
Các nhân viên y tế sẽ sử dụng một ống nhựa nhỏ để luồn vào vein tĩnh mạch của bệnh nhân. Sau đó, albumin sẽ được truyền chậm rãi vào máu thông qua đường truyền vừa tạo. Tác dụng rõ rệt nhất của biện pháp truyền dịch này cung cấp lại lượng albumin bị hao hụt qua đường tiểu, khắc phục được các triệu chứng do tiểu đạm ở người mắc hội chứng thận hư, mà cụ thể ở đây là giảm phù.
Tuy nhiên, trước khi chỉ định truyền albumin trong hội chứng thận hư, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu để chẩn đoán chính xác tình trạng hiện tại. Những trường hợp nên tiến hành truyền albumin điều trị phù bao gồm:
- Kết quả xét nghiệm cho thấy có dưới 10g albumin trên 1 lít máu
- Có hiện tượng giảm thể tích máu do suy thận
- Bệnh nhân kháng với thuốc lợi tiểu chữa phù
- Trẻ em bị hội chứng thận hư bẩm sinh (cần truyền albumin thường xuyên)
Biến chứng có thể gặp sau khi truyền albumin điều trị phù là quá tải dịch, nguy cơ gây suy tim hoặc phù phổi cấp.
4. Một số lưu ý
Ngoài chỉ định truyền albumin trong hội chứng thận hư, tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng một số phương pháp khác như:
- Yêu cầu người bệnh bổ sung đạm trong khẩu phần ăn, khoảng 300gr thịt nạc một ngày
- Kê toa các loại thuốc nhóm steroid (prednisone, prednisolone)
- Dùng thuốc lợi tiểu để điều trị tình trạng phù
Bệnh nhân có thể yên tâm vì phần lớn các ca sẽ đáp ứng tốt với các liệu pháp chữa trị, không tìm ra protein trong nước tiểu và hết triệu chứng phù trong vòng 2 tuần. Cần lưu ý tránh ăn nội tạng động vật, nêm quá mặn hay quá nhiều dầu mỡ, và không uống bia rượu trong quá trình điều trị, nếu như không muốn làm bệnh tình càng thêm trầm trọng. Khi xét đạm trong nước tiểu cho kết quả âm tính 3 ngày liên tiếp, có thể khẳng định hội chứng thận hư của người bệnh đã thuyên giảm và không còn quá nguy hiểm.
Hội chứng thận hư là một căn bệnh khá phức tạp. Bên cạnh đó, chỉ định truyền albumin trong hội chứng thận hư cũng đòi hỏi quá trình thăm khám và kiểm tra cẩn thận của các bác sĩ. Khi tiến hành truyền albumin điều trị phù, bệnh nhân cần có sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế để tránh xảy ra biến chứng nghiêm trọng và có hướng xử lý rủi ro kịp thời nếu có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.