Nhiễm toan axit lactic ở bệnh nhân đái tháo đường

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS. Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Bác sĩ Thận - Nội tiết, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nhiễm toan axit lactic trong quá điều trị đái tháo đường là một biến chứng hiếm gặp nhưng khi xảy ra thì sẽ rất nặng có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Vì vậy người bệnh cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc trong quá trình điều trị.

1. Nhiễm toan axit lactic là gì?

Nhiễm toan axit lactic là do sự tích tụ axit lactic thừa trong máu. Bình thường nguồn sản xuất axit lactic chủ yếu là hồng cầu, cơ vân, da và não. Gan và thận thực hiện chuyển ngược axit lactic thành glucose và oxy hóa nó. Tình trạng cơ thể sản xuất thừa axit lactic hoặc giảm thải trừ đều gây tích tụ axit lactic trong cơ thể dẫn đến nhiễm toan axit lactic.

Nhiễm toan axit lactic là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân suy tim mất bù, suy hô hấp, suy gan, nhiễm khuẩn huyết, nhồi máu ruột hay các chi,... Tình trạng này cũng gặp ở bệnh nhân đái tháo đường typ2 được điều trị bằng metformin.

2. Nguy cơ nhiễm toan axit lactic ở bệnh nhân đái tháo đường typ2

Khi điều trị đái tháo đường typ2 thì Metformin là loại thuốc được ưu tiên sử dụng ngay từ khi chẩn đoán khi không có chống chỉ định. Thuốc Metformin có thể phối hợp với tất cả các nhóm thuốc hạ đường huyết khác như sulfonylurea, insulin, thiazolidinedione, glinide cùng nhằm mục đích kiểm soát đường huyết.

Tuy nhiên thuốc metformin thì lại chống chỉ định dùng cho bệnh nhân suy thận nặng vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic và có thể dẫn đến tử vong. Nguy cơ tích luỹ metformin và nhiễm toan lactic liên quan đến metformin tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của suy thận vì metformin được thải trừ chủ yếu qua thận.

Metformin
Metformin được chống chỉ định dùng cho bệnh nhân suy thận nặng vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic

3. Chẩn đoán nhiễm toan axit

  • Triệu chứng lâm sàng: Thở nhanh, vã mồ hôi nhiều, da lạnh ẩm, đau bụng, hơi thở có mùi mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn, lú lẫn và hôn mê.
  • Tăng thông khí phổi.
  • PH máu < 7,3.
  • Bicarbonat huyết thanh < 15 meq/L.
  • Khoảng trống anion > 15 meq/L.
  • Không có các thể ceton trong huyết thanh.
  • Lactat huyết thanh > 5 mmol/L.

4. Bệnh nhân đái tháo đường typ2 nên tránh nhiễm toan lactic như thế nào?

Chăm sóc bệnh nhân viêm phổi thở máy
Để xử trí nhiễm toan lactic, bệnh nhân sẽ được cấp cứu, hồi sức tích cực và lọc máu để loại bỏ bớt axit lactic ra khỏi cơ thể

Nhiễm toan lactic là một cấp cứu nội khoa do đó bệnh nhân sẽ được điều trị tại đơn vị cấp cứu hoặc hồi sức tích cực và lọc máu để loại bỏ bớt axit lactic ra khỏi cơ thể. Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm toan axit lactic trong quá trình điều trị đái tháo đường typ2 bản thân bệnh nhân cũng như bác sĩ cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Cần biết chống chỉ định của thuốc metformin trên những đối tượng suy thận có nguy cơ cao nhiễm toan axit lactic: Độ lọc cầu thận < 60 ml/phút.
  • Không sử dụng metformin cho bệnh nhân mắc tất cả các thể nhiễm toan chuyển hóa cấp (nhiễm toan lactic, nhiễm toan ceton do đái tháo đường) tiền hôn mê do đái tháo đường, tình trạng cấp tính có thể ảnh hưởng tới chức năng thận (mất nước, nhiễm khuẩn nặng, sốc), suy tế bào gan, nghiện rượu, ngộ độc rượu cấp.
  • Trước khi khởi đầu điều trị với metformin cần phải ước tính mức độ lọc cầu thận (eGFR) và theo dõi mức lọc cầu thận ít nhất một năm một lần ở tất cả các bệnh nhân sử dụng metformin. Cần đánh giá chức năng thận ít nhất 1 lần/năm đối với bệnh nhân có chức năng thận bình thường và 3 - 6 tháng/lần đối với bệnh nhân có nguy cơ suy thận tiến triển và bệnh nhân cao tuổi.
  • Bệnh nhân đang điều trị bằng metformin cần được rà soát và thận trọng với những yếu tố nguy cơ liên quan như sốc tim, sốc giảm thể tích, suy tim nặng, hôn mê sâu và nhiễm khuẩn huyết.
  • Hiệu chỉnh liều lượng và giám sát chức năng thận chặt chẽ đối với bệnh nhân suy thận độ vừa (tốc độ lọc cầu thận 30-60 mL/phút).
  • Tạm ngừng điều trị bằng metformin khi bệnh nhân có chỉ định sử dụng thuốc cản quang chứa iod, phẫu thuật gây tê toàn thân, gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng.
  • Bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng thuốc được chỉ định.
  • Khi xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm toan lactic biểu hiện như là: Chuột rút, yếu cơ, nhược cơ nặng, nôn mửa, đau vùng bụng hoặc ngực,khó thở, hạ thân nhiệt, giảm nhịp tim,... cần tạm dừng điều trị ngay và thông báo cho bác sĩ để xác định nồng độ lactat trong máu.

Nhiễm toan axit lactic là một trong các biến chứng nội khoa nặng và nghiêm trọng có thể xảy ra khi điều trị đái tháo đường typ2 bằng metfomin. Để phòng biến chứng trên thì bệnh nhân đái tháo đường typ2 cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ tư vấn trong quá trình điều trị bệnh và khám chuyên khoa nội tiết định kỳ. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo nhiễm toan lactic, bệnh nhân cần đi khám ngay để được kiểm tra, điều trị kịp thời, hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan