Độ pH là thang đo dùng để xác định độ acid hoặc bazơ của một chất. Cơ thể chúng ta hoạt động vô cùng chặt chẽ để kiểm soát độ pH của máu và các loại dịch cơ thể. Duy trì độ pH cân bằng là vô cùng quan trọng để cơ thể luôn khỏe mạnh.
1. Độ pH bình thường của máu là bao nhiêu?
Độ pH sẽ nằm trong khoảng từ 0 - 14. Các dung dịch trung tính, ví dụ như nước lọc sẽ có pH = 7
- Nếu pH < 7: Là có tính acid
- Nếu pH > 7: Là có tính bazơ.
pH bình thường của máu nằm trong khoảng từ 7,35 đến 7,45. Điều này có nghĩa là máu sẽ hơi có tính bazơ.
Thường dịch ở dạ dày có độ pH khoảng 3 - 5,5. Độ pH thấp sẽ giúp việc tiêu hoá thức ăn và tiêu diệt các vi khuẩn trong dạ dày dễ dàng hơn.
2. Đánh giá tình trạng toan – kiềm
Để đánh giá tình trạng toan – kiềm chúng ta cần phải ghi nhận các giá trị bình của các thông số chính liên quan đến tình trạng toan – kiềm và một số thuật ngữ cơ bản sau:
- pH: Bình thường 7,35 – 7,45
- PaCO2: Bình thường 36 - 44 mmHg
- Bicarbonate: Bình thường 22 – 26 mmol/L
Chúng ta cần phải biết rằng các thông số đó sẽ khác nhau không đáng kể giữa các phòng xét nghiệm. Các thuật ngữ thường dùng cho diễn giải tình trạng toan -kiềm gồm:
- Toan máu: Chỉ ra khi pH máu thấp, < 7,35.
- Kiềm máu: Chỉ ra khi pH máu cao, > 7,45.
- Nhiễm toan: Chỉ ra bởi bất cứ tiến trình nào mà, nếu để mất sự kiểm soát sẽ dẫn đến toan máu. Vấn đề này có thể xảy ra qua một trong hai cơ chế sau: Toan hô hấp tồn tại khi PCO2 cao (> 44) và toan chuyển hóa tồn tại khi HCO3- thấp (< 22).
- Nhiễm kiềm: Chỉ ra bởi bất cứ tiến trình nào mà, nếu để mất sự kiểm soát sẽ dẫn đến kiềm máu. Vấn đề này có thể xảy ra qua một trong hai cơ chế sau: Kiềm hô hấp tồn tại khi PCO2 thấp (< 36 ) và kiềm chuyển hóa tồn tại khi HCO3- cao (> 26).
3. Các bước đọc khí máu động mạch
Các bước đọc khí máu động mạch để đánh giá tình trạng toan - kiềm:
- Xem pH và so sánh với phạm vi bình thường
- Nhận biết những tiến trình ban đầu dẫn đến sự thay đổi pH
- Tính toán khoảng trống anion máu
- Xác định tiến trình bù khi nó tồn tại
- Phát hiện tồn tại của các bệnh khác hoặc có một tiến trình kết hợp toan -kiềm
4. Các nguyên nhân khiến pH máu thay đổi
4.1 Tăng pH máu
Có rất nhiều nguyên nhân làm tăng độ pH của máu. Mắc phải một bệnh nào đó cũng có thể làm tăng tạm thời pH máu. Một số loại thực phẩm cũng có thể làm pH máu tăng lên.
4.1.1 Mất nước
Cơ thể bị mất nước có thể làm tăng độ pH của máu. Nguyên nhân là vì khi mất nước, bạn đồng thời cũng bị mất các chất điện giải (như muối và các khoáng chất như natri, kali). Các nguyên nhân gây mất nước bao gồm: Ra mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy
Sử dụng các thuốc lợi tiểu và các loại thuốc khác cũng có thể khiến bạn đi tiểu nhiều và dẫn đến tăng pH máu. Điều trị mất nước bao gồm việc uống nhiều nước và bù điện giải. Các loại đồ uống thể thao đôi khi cũng có thể giúp ích của bạn trong việc bù điện giải.
4.1.2 Các vấn đề về thận
Thận sẽ giúp cơ thể duy trì được trạng thái cân bằng acid và bazơ. Các vấn đề về thận có thể sẽ dẫn đến việc tăng pH máu. Nguyên nhân là do thận sẽ không còn khả năng loại bỏ các chất có tính kiềm ra khỏi nước tiểu và có thể sẽ đưa các chất này ngược trở lại máu, ví dụ như bicarbonate.
Sử dụng bằng thuốc và các phương pháp điều trị khác cũng có thể giúp làm giảm pH máu.
4.2 Hạ pH máu
Nhiễm toan máu có thể ảnh hưởng đến các chức năng của tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Một số vấn đề sức khoẻ có thể khiến nồng độ acid tăng lên trong máu. Các loại acid có thể làm hạ pH máu bao gồm: Acid lactic, Acid keto, Acid sulphuric, Acid phosphoric, Acid hydrochloric, Acid carbonic.
4.3 Chế độ ăn
Chế độ ăn không cân bằng có thể làm hạ pH máu tạm thời. Ăn quá ít hoặc đi xa mà không ăn trong thời gian dài có thể làm máu của bạn acid hơn. Tránh ăn các loại thực phẩm gây acid trong cơ thể bao gồm: sữa (sữa bò, phô mai, sữa chua), thịt gia cầm, trứng, thịt lợn, cá, các loại ngũ cốc (bột mì, bánh mỳ, cơm...).
Hãy duy trì độ pH của cơ thể bằng cách ăn nhiều các thực phẩm có tính kiềm, bao gồm rau tươi và đã nấu chín, trái cây. Tránh các chế độ ăn kiêng hoặc ăn theo phong trào.
4.4 Nhiễm toan do tiểu đường
Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, máu của bạn có thể sẽ có tính acid hơn nếu lượng đường huyết của bạn không được kiểm soát tốt. Nhiễm toan do tiểu đường sẽ xảy ra khi cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc không sử dụng hiệu quả lượng insulin.
Insulin sẽ giúp chuyển đường từ trong thức ăn vào các tế bào để đốt cháy thành năng lượng.
Nếu insulin không được sử dụng, cơ thể sẽ bắt đầu phá huỷ chất béo dự trữ để tạo năng lượng. Hiện tượng này sẽ tạo ra một chất thải gọi là xeton và gây hạ pH máu.
Gọi cấp cứu ngay nếu lượng đường huyết của bạn tăng trên 300mg/dl, tương đương 16mmol/L. Hoặc xuất hiện các triệu chứng sau: Khát nhiều, thường xuyên đi tiểu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn hoặc nôn mửa, khó thở, hơi thở có mùi, đau bụng, mất ý thức
4.5 Nhiễm toan chuyển hoá
Hạ pH máu do bệnh thận hoặc suy thận được gọi là tình trạng toan chuyển hoá. Tình trạng này xảy ra khi thận không hoạt động hiệu quả để loại bỏ acid ra khỏi cơ thể và sẽ làm tăng nồng độ acid trong máu và hạ pH máu.
Triệu chứng nhiễm toan chuyển hoá bao gồm: Mệt mỏi và suy nhược, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn và nôn mửa, đau đầu, tim đập nhanh, thở mạnh.
Điều trị tình trạng toan chuyển hoá bao gồm việc dùng thuốc để giúp thận hoạt động tốt hơn. Có thể lọc máu hoặc cấy ghép thận trong những trường hợp nặng.
4.6 Nhiễm toan hô hấp
Khi phổi không đủ khả năng loại bỏ carbon dioxide ra khỏi cơ thể đủ nhanh, độ pH máu sẽ bị giảm xuống, tình trạng này được gọi là nhiễm toan hô hấp. Nhiễm toan hô hấp có thể xảy ra khi bạn bị bệnh phổi mãn tính hoặc bệnh phổi nặng.
Những người đã từng trải qua phẫu thuật béo phì hoặc lạm dụng thuốc ngủ hoặc thuốc giảm đau opioid là những đối tượng có nguy cơ bị nhiễm toan hô hấp.
XEM THÊM