Trẻ thiếu enzym tiêu hóa và biểu hiện kém hấp thu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Trẻ kém hấp thu thường rất gầy gò, ốm yếu, hay mệt mỏi do luôn bị đầy hơi, nhiều trẻ còn bị tiêu chảy, đi ngoài phân sống rất thường xuyên... Một trong những nguyên nhân khiến trẻ kém hấp thu là do thiếu enzym tiêu hóa. Vậy việc bổ sung enzyme tiêu hóa cho trẻ trong trường hợp này có cần thiết hay không?

1. Tầm quan trọng của enzym tiêu hóa

Enzym tiêu hóa là thành phần không thể thiếu đối với hệ tiêu hóa, đặc biệt là hệ tiêu hóa non nớt của trẻ nhỏ. Enzym tiêu hóa là những chất xúc tác sinh học có bản chất là protein, xúc tác cho hầu hết các phản ứng chuyển hóa thức ăn. Dưới tác dụng của enzym tiêu hóa, thức ăn sẽ được phân rã thành dạng nhũ tương, với dạng này lớp nhung mao ruột có thể dễ dàng hấp thu dưỡng chất vào máu, tạo cho trẻ cảm giác nhanh đói, thèm ăn, bớt đầy hơi, chướng bụng, ăn không tiêu.

Enzym tiêu hóa được tiết ra ở nhiều bộ phận của hệ tiêu hóa, mỗi enzym sẽ có vai trò và chức năng riêng. Enzym tiêu hóa bao gồm rất nhiều loại: protease, amylase, lactase, cellulase, lipase...

1.1. Tiêu hóa chất béo

Enzym tiêu hóa do tuyến tụy bài tiết (bao gồm lipase, colipase) có nhiệm vụ phân hủy các phân tử triglyceride chuỗi dài thành các axit béo và monoglycerides. Sau đó các sản phẩm này sẽ kết hợp với axit mật và các phospholipid để hình thành các micelles, được hấp thu qua các tế bào ruột ở hỗng tràng. Các phân tử chất béo sau khi được hấp thu sẽ được cơ thể kết hợp với các loại protein, cholesterol và phospholipid, hình thành các hạt chylomicron và vận chuyển thông qua hệ thống bạch huyết.

Ngoài các triglyceride chuỗi dài, các triglyceride chuỗi trung bình sẽ được hấp thu trực tiếp mà không cần thông qua các quá trình như trên.

Trẻ kém hấp thu các chất béo có thể bị thiếu hụt các nhóm vitamin tan trong dầu (bao gồm vitamin A, D, E, K) và một số khoáng chất khác. Ngoài thiếu enzym tiêu hóa thì sự phát triển quá mức của vi khuẩn dẫn đến phân giải và hydroxyl hóa muối mật cũng là một nguyên nhân gây hạn chế hấp thu chất béo. Các muối mật không được hấp thu có thể kích thích bài tiết nước trong đại tràng dẫn đến tình trạng tiêu chảy.

1.2. Tiêu hóa carbohydrate

Amylase là enzym tiêu hóa do tuyến tụy bài tiết, thường kết hợp với enzym ở diềm chải trên các vi nhung mao ruột, có nhiệm vụ phân giải carbohydrate và disaccharides thành các monosaccharides.

Những cacbonhydrat không được hấp thụ sẽ bị hệ vi khuẩn đường ruột lên men và hình thành cacbon dioxit, metan, hydro và axit béo chuỗi ngắn (như butyrate, propionate, acetate và lactate). Thiếu enzym tiêu hóa amylase dẫn đến dư thừa các loại axit béo nêu trên khiến trẻ dễ bị tiêu chảy, đầy hơi và chướng bụng do ứ khí trong lòng đại tràng.

1.3. Tiêu hóa protein

Pepsin có tác dụng tiêu hóa các protein ngay tại dạ dày, đồng thời kích thích phóng thích cholecystokinin góp phần vào việc bài tiết các enzym tuyến tụy.

Enterokinase là một enzym tiêu hóa khác được bài tiết ở vùng diềm bàn chải với nhiệm vụ biến đổi trypsinogen thành trypsin và chuyển hóa nhiều protease tụy thành dạng có hoạt tính. Các enzym tuyến tụy sau khi được kích hoạt sẽ thủy phân protein thành các phân tử oligopeptides, sau đó có thể hấp thụ trực tiếp hoặc thủy phân thành các axit amin.

thiếu enzym tiêu hóa
Trẻ thiếu enzym tiêu hóa có biểu hiện kém hấp thu

2. Trẻ thiếu enzym tiêu hóa có biểu hiện kém hấp thu

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ kém hấp thu, chậm tăng cân rất đa dạng, có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Trong đó, nguyên nhân hay gặp nhất là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Một trong những biểu hiện của tình trạng này chính là thiếu enzym tiêu hóa nội sinh do chính các tế bào thuộc hệ tiêu hóa tiết ra, từ đó ảnh hưởng đến khả năng phân giải và hấp thụ các chất dinh dưỡng.

Nếu trẻ phát triển bình thường, hệ tiêu hóa của bé sẽ chứa đầy đủ các loại enzyme tiêu hóa cần thiết. Tuy nhiên có nhiều trường hợp lượng enzym nội sinh được cơ thể bài tiết ra không đủ, dẫn đến thiếu hụt. Một số trường hợp hay gặp bao gồm:

  • Cơ thể trẻ nhỏ còn non nớt, lượng enzym tiêu hóa nội sinh chưa ổn định;
  • Trẻ vừa trải qua một bệnh lý nào đó;
  • Trẻ biếng ăn;
  • Trẻ suy dinh dưỡng;
  • Trẻ mắc chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài;
  • Trẻ ăn quá nhiều trong mỗi bữa hoặc ăn quá nhiều bữa trong ngày dẫn đến sự bài tiết các enzym tiêu hóa không đáp ứng đủ cho lượng cho thức ăn nạp vào...

Một số biểu hiện và hậu quả của tình trạng trẻ kém hấp thu bao gồm:

  • Đau bụng, buồn nôn, nôn ói;
  • Tiêu chảy, phân lỏng sệt, có mùi hôi thối;
  • Sức đề kháng yếu, trẻ rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng;
  • Sụt cân hoặc chậm tăng cân;
  • Da khô, dễ bầm tím khi va chạm nhẹ;
  • Trẻ dễ thay đổi tính khí, hay cáu gắt, quấy khóc.

3. Có nên bổ sung bổ sung enzyme tiêu hóa cho trẻ?

Có không ít phụ huynh cho rằng để khắc phục tình trạng trẻ kém hấp thu, biếng ăn và rối loạn tiêu hóa kéo dài thì chỉ cần bổ sung enzym tiêu hóa hoặc Probiotics (lợi khuẩn) là đủ. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả toàn diện, vượt trội cha mẹ nên bổ sung cả Enzym tiêu hóa và Probiotics cùng lúc để tăng cường khả năng tương hỗ lẫn nhau.

Enzym tiêu hóa giúp thức ăn được cắt nhỏ, phân rã thành dạng nhũ tương và giúp tế bào nhung mao ruột hấp thu vào máu. Lợi khuẩn probiotic mang lại sự khỏe mạnh cho đường ruột và đương nhiên việc hấp thu các chất dinh dưỡng sẽ diễn ra suôn sẻ hơn.

Nếu thiếu enzyme tiêu hóa, thức ăn sẽ không được hấp thu, dẫn đến ứ đọng trong đường ruột và lâu ngày sẽ sinh ra các chất độc tiêu diệt hệ lợi khuẩn đường ruột. Ngược lại, khi hệ vi khuẩn đường ruột mất cân bằng, thiếu hụt các chủng vi khuẩn có lợi lại có thể gây nên hiện tượng giảm tiết một số loại enzym tiêu hóa khiến trẻ kém hấp thu.

Vấn đề cần lưu ý khi bổ sung enzym tiêu hóa và Probiotics là cần sử dụng liều lượng thích hợp giữa 2 loại để tạo ra sự cân bằng trong quá trình tiêu hóa và hấp thu chất các chất dinh dưỡng.

thiếu enzym tiêu hóa
Biểu hiện và hậu quả của tình trạng trẻ kém hấp thu gồm đau bụng

4. Các biện pháp khác giúp cải thiện tình trạng trẻ kém hấp thu

  • Cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn cho trẻ khoa học, hợp lý và đảm bảo vệ sinh. Các yêu cầu cơ bản bao gồm ăn chín uống sôi, thức ăn cân bằng và đầy đủ cả 4 nhóm chất: chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, việc bổ sung chất xơ là vô cùng cần thiết để hỗ trợ tiêu hóa, hạn chế táo bón. Để tăng khả năng hấp thu thức ăn, cha mẹ nên chế biến món ăn theo sở thích với số lượng thích hợp dựa trên độ tuổi của bé;
  • Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao là một cách hữu ích vừa có tác dụng thúc đẩy tăng chiều cao, vừa thải độc và tăng tốc độ chuyển hóa, đốt cháy năng lượng. Do đó, trẻ nhỏ cần có chế độ tập luyện, vui chơi mỗi ngày để kích thích tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng tối đa;
  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ: Trẻ nhỏ cần được vệ sinh tay chân trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tắm rửa, đánh răng hằng ngày. Với trẻ bú mẹ, mẹ cần vệ sinh tay chân và bầu vú sạch sẽ trước khi cho con bú. Ngoài ra, môi trường sống xung quanh cần được đảm bảo sạch sẽ thoáng mát sẽ góp phần hạn chế tình trạng trẻ kém hấp thu.

Trẻ kém hấp thu thường rất gầy gò, ốm yếu, hay mệt mỏi do luôn bị đầy hơi, nhiều trẻ còn bị tiêu chảy, đi ngoài phân sống rất thường xuyên... Vì thế, cha mẹ cần chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, tăng cường các hoạt động thể chất và giữ gìn vệ sinh thật tốt cho trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan