Trẻ ho dữ dội, cần phải làm gì?

Ho là phản xạ có lợi để bảo vệ đường thở được thông thoáng, giúp trẻ hít thở dễ dàng. Tuy nhiên, không phải trẻ ho dữ dội, nặng tiếng là đang mắc bệnh nặng và ngược lại. Vì vậy cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

1. Nguyên nhân gây ho ở trẻ em

Ho là một phản xạ của cơ thể để đường thở được thông thoáng, bảo vệ hệ hô hấp. Khi đường hô hấp có vấn đề và bị tấn công bởi virus, vi khuẩn, khói thuốc, khói xe, bụi... thì phản xạ cơ thể sẽ ho để tống những virus, vi khuẩn đó ra ngoài.

Trẻ có thể bị ho do nhiều nguyên nhân từ nhẹ đến nặng như: Nhiễm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp, dị ứng, hen suyễn, ô nhiễm không khí...

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho rằng thói quen sinh hoạt của gia đình cũng ảnh hưởng đến mức độ của ho của trẻ. Thói quen ăn uống đồ lạnh, tắm nước lạnh, chạy nhảy lâu dưới mưa, nghịch nước... là những yếu tố kích thích, khởi phát dễ cho virus vào cơ thể gây bệnh. Nhưng đa phần các cơn ho do virus ở trẻ là lành tính, chỉ cần chăm sóc ở nhà.

Nhiều phụ huynh thắc mắc tại sao trẻ lại hay bị ho vào mùa lạnh nhiều? Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi trẻ tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, các mạch máu nhỏ ở niêm mạc mũi, họng và đường hô hấp trên sẽ co lại, làm giảm lượng máu lưu thông cung cấp cho các khu vực này.

Khi giảm cung cấp máu, sẽ giảm luôn cung cấp dưỡng chất và các tế bào để chống lại tác nhân gây bệnh trong máu. Ngoài ra, khi trời lạnh, nhiệt độ thấp tạo môi trường thuận lợi kích thích một số virus phát triển tốt. Thời tiết thay đổi cũng là điều kiện thuận lợi cho một số virus tồn tại lâu hơn, vì thế họng, mũi, dễ bị bệnh hơn.

Nếu trẻ có hệ miễn dịch, sức đề kháng tốt, rửa tay xà phòng, sát khuẩn thường xuyên, che miệng khi ho và hắt hơi thì sẽ hạn chế được virus xâm nhập hơn. Phụ huynh chú ý nhắc nhở trẻ tạo những thói quen tốt để giữ gìn sức khỏe tốt hơn.

2. Những lưu ý khi trẻ bị ho

2.1. Chỉ cho trẻ dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ

Khi trẻ bị ho, nhiều bậc phụ huynh thường tự ý mua thuốc uống hoặc thuốc nhỏ cho trẻ. Tuy nhiên nếu con dưới 4 tuổi, bố mẹ không nên tùy tiện cho uống thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Điều quan trọng là phải tìm hiểu nguyên nhân khiến bé ho dữ dội để tìm các biện pháp khắc phục phù hợp.

Với trẻ từ 6 tuổi trở lên, cha mẹ có thể mua thuốc tại nhà thuốc nhưng cần có sự hướng dẫn của dược sĩ tại quầy. Không được tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm hay người thân mách vì trẻ em và người lớn có thể sẽ không sử dụng cùng loại thuốc hay liều lượng.

2.2. Nên làm gì khi trẻ bị ho?

Khi trẻ bị ho, nên để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, theo dõi thường xuyên để đề phòng trường hợp trẻ ho dữ dội kèm khó thở, thở gấp thì cần đưa đi bệnh viện ngay lập tức.

Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức đối với những trẻ dưới 2 tuổi. Ngoài ra cần bổ sung nhiều nước, vitamin C và điện giải cho bé.

Việc tắm nước ấm cũng có thể làm giảm cơn ho của trẻ. Hơi nước ấm, nóng sẽ giúp đường hô hấp của trẻ được thư giãn. Cha mẹ cần ngồi cùng bé khi tắm hơi và tránh để trẻ bị bỏng.

Với trẻ trên 1 tuổi, cha mẹ có thể dùng nước chanh ấm hấp mật ong để giảm cơn ho của trẻ. Tuyệt đối không dùng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi vì có thể khiến trẻ bị ngộ độc, thậm chí là tử vong.

Về chế độ dinh dưỡng, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm không tốt trong việc giảm triệu chứng như bạc hà; chocolate; đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ hoặc các chất kích thích; đồ uống có ga,... Nên chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn trước khi ngủ ít nhất là 1 giờ. Nếu trẻ bị ho nhiều, kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay để có hướng điều trị kịp thời.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm chủng. Đây là cách thức đơn giản, an toàn và tiết kiệm nhất để giúp trẻ tránh được những cơn ho và các bệnh lý khác liên quan đến hệ hô hấp.

ho dữ dội
Không phải trẻ ho dữ dội, nặng tiếng là đang mắc bệnh nặng và ngược lại

3. Tại sao trẻ ho dữ dội về đêm?

Trẻ em có hệ miễn dịch yếu kém hơn so với người lớn, lại chưa biết cách tự bảo vệ cơ thể nên rất dễ bị nhiễm lạnh, mắc các bệnh lý về hô hấp. Trong đó, ho - đặc biệt là ho dữ dội về đêm là phổ biến nhất. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ ho dữ dội về đêm, bao gồm:

  • Nhiệt độ thấp, không khí khô: Nhiệt độ ban đêm luôn thấp hơn nhiệt độ ban ngày. Vào thời điểm giao mùa, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm có thể chênh nhau 10 độ C. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, cộng với không khí khô vào ban đêm và nhiệt độ máy lạnh thấp sẽ khiến trẻ bị cảm lạnh và ho về đêm nhiều.
  • Ngủ không gối (kê) đầu: Ho thường đi kèm với nghẹt mũi, khó thở. Và tình trạng ho sẽ càng bị nghiêm trọng hơn nếu trẻ ngủ với tư thế đầu thấp. Bởi lúc này, chất nhầy và dịch từ trên mũi sẽ chảy xuống họng, gây kích ứng các cơn ho.
  • Phòng ngủ không sạch sẽ: Phòng ngủ không được vệ sinh thường xuyên sẽ tích tụ nhiều bụi bẩn, tóc, lông thú nuôi,... Chăn, ga, gối, nệm, thú bông của bé bị ám bụi bẩn sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ hô hấp của trẻ. Bởi các bé sẽ vô tình hít phải khi ngủ, không chỉ gây ra các cơn ho mà còn khiến bé bị hắt hơi, ngứa mũi, khó chịu.
  • Viêm họng: Viêm họng là bệnh lý phổ biến ở trẻ em. Nếu bé bị viêm họng thì ban đêm, dưới tác động của các yếu tố ngoại cảnh, bé sẽ dễ bị ho và ho nhiều hơn so với ban ngày. Đi cùng với tình trạng này có thể là các triệu chứng sốt, đau đầu, sưng hạch bạch huyết,...
  • Viêm xoang: Trẻ ho về đêm cũng có thể là do bị viêm xoang. Lúc này, lớp niêm mạc hô hấp lót trong xoang bị viêm nhiễm, phù nề, làm tăng tiết dịch nhầy. Ban đêm khi nằm ngủ, lượng dịch nhầy này sẽ chảy xuống họng, kích ứng niêm mạc họng. Tình trạng này sẽ khiến bé ho nhiều, thậm chí là ho dữ dội từng cơn.
  • Bệnh hen suyễn: Hen suyễn là bệnh hô hấp mãn tính. Người mắc bệnh này thường rất nhạy cảm và dễ bị kích ứng với sự thay đổi của thời tiết hoặc các chất gây dị ứng. Nếu chẳng may tiếp xúc với một trong số những chất này, phế quản sẽ phù nề, co thắt, tăng tiết dịch nhầy. Người bệnh sẽ cảm thấy khò khè, khó thở, đau tức ngực, ho. Vì thế, nếu trẻ bị ho, đặc biệt ho nhiều ban đêm thì không loại trừ khả năng do bệnh hen suyễn.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Mặc dù được đánh giá là nguyên nhân phổ biến, thế nhưng ít ai biết bệnh trào ngược dạ dày thực quản liên quan như thế nào đến tình trạng trẻ ho về đêm. Theo đó, nếu bé mắc bệnh này thì khi ngủ, luồng khí trào ngược từ dạ dày lên thực quản sẽ mang theo axit dịch vị. Lượng axit này tác động đến hệ thần kinh đường khí quản, làm khí quản căng lên và kích thích phản xạ ho.

4. Làm gì khi trẻ ho nhiều về đêm?

Trẻ ho về đêm sẽ khiến các bậc phụ huynh lo lắng vì không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Dưới đây là những việc bố mẹ cần làm khi thấy bé ho nhiều vào ban đêm:

  • Hàng ngày, cho trẻ uống nhiều nước ấm và vệ sinh mũi thường xuyên. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý ấm và nhỏ nhẹ nhàng vào mũi đều đặn mỗi sáng và mỗi tối trước khi đi ngủ. Với trẻ trên 3 tháng tuổi, mẹ có thể dùng nước muối dạng xịt và xịt trực tiếp vào mũi trẻ.
  • Nếu dịch mũi của trẻ nhiều, cha mẹ có thể thực hiện rửa và hút mũi. Tuy nhiên, phải đảm bảo thực hiện thành thạo, đúng kỹ thuật. Thực tế cho thấy, việc làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý sẽ giúp đường thở của trẻ thông thoáng. Mũi và họng sẽ không bị tắc nghẽn bởi dịch nhầy. Nhờ đó, trẻ dễ thở và dễ ngủ hơn vào ban đêm.
  • Xoa dầu tràm và massage vào gan bàn chân, ngực, cổ, lưng để giữ ấm cơ thể trẻ, tránh bị nhiễm lạnh. Ngoài ra có thể đi tất mỏng giúp giữ ấm bàn chân cho trẻ khi ngủ.
  • Để nhiệt độ máy lạnh phù hợp (không dưới 25 độ C), có thể kết hợp với máy phun sương tạo độ ẩm không khí, giúp trẻ không bị khô mũi, họng.
  • Vệ sinh phòng ngủ, định kỳ thay chăn, ga, gối, nệm cho giường của trẻ. Việc này rất quan trọng với những trẻ bị viêm xoang, hen suyễn, dễ dị ứng.
  • Cho trẻ gối đầu bằng gối êm, mềm, đảm bảo phần đầu luôn cao hơn phần ngực ở mức phù hợp, tránh quá cao hoặc quá thấp. Tư thế này sẽ giúp trẻ dễ thở, đồng thời, hạn chế dịch nhầy chảy từ mũi xuống họng.
  • Với những trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, không nên cho trẻ ăn hoặc uống sữa quá gần giờ đi ngủ. Nếu không, lượng thức ăn chưa kịp tiêu hóa sẽ khiến trẻ dễ bị ợ hơi, trào ngược axit, gây kích ứng họng và ho.
ho dữ dội
Nên cho trẻ ho dữ dội uống nhiều nước ấm và vệ sinh mũi thường xuyên

5. Hãy đưa trẻ đi khám nếu triệu chứng ho không giảm

Nếu đã áp dụng những cách trên mà tình trạng trẻ ho về đêm vẫn không thuyên giảm, đặc biệt là khi xuất hiện các triệu chứng dưới đây, cha mẹ cần đưa bé đi khám:

  • Ho nhiều, ho có đờm đặc, màu vàng lục và mùi hôi;
  • Ho nhiều kèm sốt cao và đổ mồ hôi về chiều;
  • Ho ra máu kèm co giật;
  • Ho kèm theo nôn trớ;
  • Ho kèm theo khó thở, tức ngực, tím tái;
  • Cơn ho tăng dần, không kiểm soát được;
  • Cơn ho kéo dài hơn 1 tuần, 10 ngày;
  • Ho dữ dội xuất hiện một cách đột ngột;
  • Ho kèm sốt cao;
  • Ho khạc đàm đặc, màu xanh – vàng, có mùi hôi;
  • Ho kèm sụt cân, người gầy gộc, xanh xao;
  • Trẻ bỏ ăn, bỏ bú, khó nuốt, khó thở;
  • Trẻ bị co giật;
  • Trẻ thở nhanh hơn bình thường, thở co lõm lồng ngực (phần dưới lồng ngực lõm vào khi trẻ hít vào thay vì nở ra như bình thường);
  • Trẻ thở có tiếng rít;
  • Trẻ thở rất yếu;
  • Trẻ còn ho nhiều, không giảm sau 7 ngày chăm sóc;
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt cao.

Nhìn chung, trẻ ho về đêm có nhiều nguyên nhân, để đảm bảo an toàn, bố mẹ nên đưa bé đi khám. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

78.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan