Trẻ 1 tuổi bị táo bón nên ăn gì ?

Táo bón là triệu chứng rất phổ biến ở trẻ nhỏ, khiến trẻ cảm thấy khó chịu và sợ không dám đi tiêu. Trẻ bị táo bón cho ăn gì là câu hỏi thường gặp của các bậc phụ huynh. Chế độ ăn nhiều chất xơ, trái cây và uống đủ nước là nguyên tắc chính để cải thiện tình trạng táo bón của trẻ.

1. Biểu hiện táo bón ở trẻ em

Táo bón là tình trạng phân di chuyển chậm trong lòng đại tràng, phân bị hấp thụ nhiều nước nên khô, cứng hoặc tròn như phân dê. Trẻ có triệu chứng táo bón nếu đi tiêu dưới 2 lần/ ngày đối với trẻ sơ sinh, đi tiêu dưới 3 lần/ tuần đối với trẻ đang bú mẹ và đi tiêu dưới 2 lần/ tuần đối với trẻ lớn.

Trẻ bị táo bón thường phải rặn nhiều dẫn đến đau rát, thậm chí nứt hậu môn, chảy máu hậu môn hoặc sa trực tràng. Điều này khiến trẻ bị ám ảnh, sợ đại tiện, càng làm cho việc đi tiêu của trẻ trở nên khó khăn hơn. Táo bón ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều hậu quả như biếng ăn, đầy hơi, chướng bụng, ăn khó tiêu, nôn trớ, trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng và chậm lớn.

Biểu hiện của trẻ 1 tuổi bị táo bón
Táo bón khiến trẻ nhỏ cảm thấy khó chịu và sợ không dám đi đại tiện

2. Nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ em

Táo bón ở trẻ em được chia làm 2 nhóm nguyên nhân.

Táo bón cơ năng

Táo bón nguyên nhân cơ năng chủ yếu gây ra do chế độ ăn uống sinh hoạt không đúng cách

  • Bé mải chơi nên lười đi tiêu
  • Bé có cảm giác không riêng tư, không vệ sinh khi đi tiêu ở nhà vệ sinh trường học hoặc nơi công cộng.
  • Thay đổi môi trường sống, chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt.
  • Tinh thần căng thẳng
  • Một số thuốc có thể làm cho trẻ bị táo bón như thuốc ho có chứa codein, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống động kinh, thuốc chống co giật, ...
  • Giai đoạn chuyển từ sữa mẹ sang uống các loại sữa công thức hay ăn dặm.
  • Trẻ bị dị ứng sữa: thường xảy ra ở trẻ có cơ địa nhạy cảm, mắc bệnh chàm, hen suyễn, ....
  • Trẻ bị mất nước, ăn uống kém do sốt hoặc sau một đợt bệnh
  • Trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ ăn ngọt...

Táo bón thực thể

Táo bón nguyên nhân thực thể chủ yếu là do một số bệnh như phình đại tràng bẩm sinh, đại tràng dài, nứt kẽ hậu môn, nhược giáp, rối loạn điện giải, Hirschsprung, hội chứng Down, bại liệt, bệnh lý cột sống.

3. Chế độ dinh dưỡng đối với tình trạng táo bón của trẻ

Đối với tình trạng táo bón của trẻ, những câu hỏi thường gặp như: trẻ 1 tuổi bị táo bón nên ăn gì ? Hoặc trẻ 3 tuổi bị táo bón nên ăn gì ? Nhiều bậc phụ huynh mặc dù đã cho trẻ ăn nhiều trái cây nhưng vẫn không cải thiện. Có những nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị táo bón mà bố mẹ nên lưu ý như sau:

  • Cho trẻ uống nhiều nước: bé nhỏ dưới 6 tháng tuổi cần phải bú mẹ hoàn toàn nên gần như không cần uống nước. Nhưng nếu bé bị táo bón do ảnh hưởng bởi chế độ ăn của mẹ (mẹ ăn ít chất xơ) thì nên cho bé uống 100 – 200 ml nước mỗi ngày. Đối với các trẻ lớn hơn, lượng nước cần bổ sung vào cơ thể trẻ tùy theo lứa tuổi. Trẻ trong độ tuổi ăn dặm từ 6 – 12 tháng nên uống khoảng 200 – 300 ml nước hằng ngày. Trẻ từ 1 – 3 tuổi cần uống từ 500 – 600 ml nước mỗi ngày. Trẻ em trong độ tuổi 3 – 5 tuổi cần 1000ml nước/ ngày. Trẻ em trên 10 tuổi thì cần uống lượng nước như người lớn, từ 1,5 đến 2,2 lít mỗi ngày.
  • Khẩu phần ăn của trẻ cần bổ sung nhiều chất xơ: những loại rau củ trái cây có tính nhuận tràng như rau mồng tơi, rau lang, khoai lang, chuối tiêu chín, cam, bưởi, đu đủ. Hạn chế cho trẻ ăn các loại trái cây có vị chát như ổi, hồng xiêm,...
  • Lựa chọn cho trẻ các loại sữa mà thành phần có bổ sung thêm chất xơ.
  • Đối với trẻ dưới 1 tuổi, có thể kích thích nhu động ruột bằng cách xoa bụng theo khung đại tràng từ phải sang trái từ 3 – 4 lần một ngày, vào giữa 2 bữa ăn. Đối với các trẻ lớn hơn để hỗ trợ nhu động ruột, giúp tiêu hoá tốt, nên cho trẻ vận động và tập thể dục thường xuyên.
  • Hình thành cho trẻ thói quen tốt bằng cách tập đại tiện đúng giờ. Nên chọn thời điểm tập đại tiện ngay sau bữa ăn vì nhu động ruột lúc này đang tăng hoạt động. Không nên cho trẻ ngồi bệ xí hoặc ngồi bô quá lâu.
  • Trước khi đến tuổi đi học, trẻ nên được tập cho đi tiêu sau bữa ăn sáng trước để thuận tiện cho việc đi học về sau.
dinh dưỡng cho trẻ táo bón
"Trẻ 1 tuổi bị táo bón nên ăn gì?" là vấn đề được nhiều bố mẹ quan tâm

4. Gợi ý một số món ăn cho trẻ đang bị táo bón

Khi trẻ bị táo bón nên ăn gì là câu hỏi mà nhiều bố mẹ thắc mắc. Sau đây là một số gợi ý món ăn nên cho vào khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ cải thiện và phòng ngừa tình trạng táo bón.

Vừng đen

Vừng đen là sự lựa chọn hàng đầu để trả lời cho câu hỏi “trẻ bị táo bón cho ăn gì”. Trong danh sách các loại thực phẩm dành cho trẻ bị táo bón thì vừng đen là đề cử rất tốt để kích thích hệ tiêu hóa. Bố mẹ có thể rang vừng đen, xay nhuyễn rồi trộn vào bột hoặc cháo cho trẻ ăn.

Dưa hấu

Không chỉ chứa nhiều nước, có hàm lượng chất xơ và vitamin C cao, dưa hấu còn là loại trái cây có vị ngọt rất dễ ăn, màu sắc đẹp mắt nên được nhiều bé ưa thích. Dưa hấu bổ sung nước cho cơ thể và giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn. Mẹ có thể cắt dưa hấu thành từng miếng nhỏ cho bé cầm hoặc xay nhuyễn thành sinh tố uống mỗi ngày.

Bơ là loại trái cây giàu chất dinh dưỡng, có hàm lượng chất xơ cao nên rất tốt đối với trẻ bị táo bón. Hơn nữa, bơ cũng dễ chế biến thành nhiều món, dễ ăn nhiểu trẻ thích. Mẹ có thể cho bé ăn các món chế biến từ bơ vào các bữa ăn phụ.

Tuy mơ có vị chua nhưng lại giàu chất xơ, có hàm lượng vitamin và khoáng chất phong phú như vitamin A, vitamin C, Kali...Chất axit có trong quả mơ có thể giúp cho việc tiêu hóa thức ăn được nhanh hơn. Ngoài ra, đào, lê, táo hay mận rất tốt cho tình trạng táo bón của trẻ.

Rau mồng tơi

Rau mồng tơi là loại được lựa chọn để chữa táo bón. Mẹ có thể nấu canh rau mồng tơi cho bé uống vào các bữa ăn.

Bột sắn

Bột sắn có tính thanh nhiệt, được biết đến như một vị thuốc để ngăn ngừa táo bón. Mẹ nên cho bé ăn bột sắn vào khoảng giữa các bữa ăn.

Để phòng tránh táo bón ở trẻ 1 tuổi, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng, đảm bảo trẻ ăn đầy đủ chất xơ giúp hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, nâng cao sức đề kháng. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

482 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan