Bộ não của trẻ định hướng và lập trình cho mọi sự phát triển trong cơ thể. Nhờ những tiến bộ của khoa học thần kinh và thiết bị kỹ thuật, các nhà nghiên cứu ngày nay đã có thể nhìn thấy bên trong não người và biết nhiều hơn về cách não của trẻ phát triển thế nào.
1. Kích thước não của trẻ phát triển thế nào?
Hầu hết hệ thống dây thần kinh của não được thiết lập trong vài năm đầu đời. Khi mới sinh, bộ não của trẻ có kích thước chỉ bằng 1/4 não của người trưởng thành. Nhưng đến năm 2 tuổi, cơ quan trung ương này đã đạt tới 3/4 kích thước của người lớn. Và đến 5 tuổi, kích thước bộ não của trẻ đã rất gần với kích thước và khối lượng của người lớn.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ mẫu giáo sẽ biết mọi thứ như một người lớn. Ngoài kích thước và khối lượng của não bộ, kinh nghiệm cũng đóng một vai trò chính. Các cấu trúc của não trẻ liên quan đến học tập, trí nhớ, kiểm soát vận động và mọi chức năng khác đã được thiết lập ở độ tuổi lên 5. Đây chính là nghĩa của sự phát triển này.
Những cấu trúc và các đường dẫn thần kinh giao tiếp thông tin, được sử dụng và tái sử dụng trong suốt cuộc đời. Trong khi đó, khớp thần kinh kết nối là cơ sở của tất cả chuyển động, suy nghĩ, ký ức và cảm xúc của một người.
2. Thúc đẩy phát triển trí não
Không có hai bộ não giống hệt nhau, thậm chí não của các cặp song sinh cũng không giống nhau. Từng loại khớp thần kinh được tạo ra giữa các tế bào trong não phụ thuộc vào cách bộ não của trẻ được sử dụng, sự đa dạng và phong phú của hoàn cảnh mà một người được tiếp xúc và di truyền.
Trong năm đầu tiên của cuộc đời, khi các thành phần cảm xúc quan trọng của não đang được hình thành, một môi trường an toàn và quen thuộc là quan trọng nhất, bao gồm nhiều hành động ôm ấp, vuốt ve và nhu cầu được đáp ứng kịp thời.
Ngoài ra, chìa khóa cho sự phát triển não bộ của trẻ trong 3 năm đầu là được nói chuyện, được chơi cùng và sống trong môi trường đa dạng, đầy kích thích sáng tạo. Đồng thời, bộ não của trẻ cũng cần có cơ hội để nghỉ ngơi, để cân bằng và tự tổ chức lại.
Những điều rất đơn giản như vậy lại chính là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bộ não của trẻ trong học tập sau này.
3. Tạo các khớp thần kinh kết nối mạnh mẽ
Điều đáng ngạc nhiên là não của một đứa trẻ 2 tuổi có hàng nghìn tỷ khớp thần kinh kết nối - gấp đôi số lượng của người lớn. Bộ não phát triển các liên kết này để đáp ứng với tất cả các loại thông tin vào, nhờ đó có thể thích nghi và tồn tại. Theo thời gian, một vài khớp thần kinh nhất định được sử dụng lặp đi lặp lại, trong khi số khác rơi vào quên lãng.
Quá trình tự nhiên này được gọi là cắt bỏ bớt liên kết thần kinh. Đây là lí do vì sao trẻ em dễ học nói ngôn ngữ thứ hai hơn khi còn rất nhỏ. Nếu não trẻ không được tiếp xúc với ngôn ngữ đó thường xuyên, các khớp thần kinh nhất định sẽ khô đi, sau đó não không còn nghe hoặc nói một cách dễ dàng. Quá trình này cho thấy việc tạo thói quen và sự lặp lại rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. Thói quen cố định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học và giúp bộ não của trẻ hiểu những thông tin nào là quan trọng.
Mặc dù hầu hết sự phát triển của não bộ diễn ra trong 3 năm đầu đời, song những năm học tập kế tiếp vẫn tiếp tục nuôi dưỡng một bộ não phức tạp và bận rộn. Trẻ em, đặc biệt là từ khoảng 3 - 6 tuổi, sẽ dễ dàng học hỏi từ kiến thức văn hóa, đến các quy tắc xã hội, tên phức tạp của những loài khủng long, cách chơi thể thao và trò chơi, hiểu hướng dẫn, cách sử dụng các thiết bị công nghệ.... Tuy nhiên, các bộ phận kiểm soát xung lực và phán đoán của não trẻ phát triển muộn hơn. Chúng không hoàn toàn được kích hoạt cho đến sau tuổi thanh thiếu niên.
Trẻ vẫn tiếp tục phát triển não bộ khi lớn lên, vì thế cha mẹ hãy dành khoảng “thời gian vàng” này để thúc đẩy não bộ phát triển bằng cách chơi cùng trẻ, cho con sống trong môi trường đa dạng, có khả năng tư duy, sáng tạo tốt và có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.
Ngoài ra, trẻ cần được bổ sung kẽm hàng ngày tuỳ theo độ tuổi để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Nguồn tham khảo: babycenter.com