Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sự phát triển não bộ của trẻ ở giai đoạn 5-8 tuổi đang tăng tốc khi trẻ nhận được các cơ hội ở trường để học các kỹ năng và những khái niệm mới. Ở giai đoạn này, trẻ trở nên tò mò hơn về thế giới xung quanh, hứng thú hơn với việc khám phá nó và bắt đầu tự mình giải quyết các vấn đề.
Điều quan trọng cần lưu ý là đối với giai đoạn phát triển não bộ ở độ tuổi 5-8 tuổi này là việc học tập đạt được hiệu quả nhất thông qua các trải nghiệm cụ thể dành cho trẻ.
1. Kích thước não bộ của trẻ 5-8 tuổi
Hầu hết hệ thống tế bào thần kinh của não (hay còn gọi là các nơ ron thần kinh) trẻ được hình thành trong khoảng vài năm đầu sau khi sinh. Khi mới ra đời, não trẻ chỉ bằng khoảng một phần tư kích thước của chính nó khi trẻ trưởng thành. Đến 2 tuổi, kích thước não bộ của bé sẽ bằng khoảng ba phần tư kích thước não người trưởng thành. Và bộ não của trẻ 5 tuổi đã có thể tiệm cận não người lớn về cả kích thước cũng như khối lượng của chúng. Tất nhiên là điều này không đồng nghĩa với việc trẻ 5 tuổi có thể biết hết mọi thứ cũng như hiểu hết mọi điều mà người lớn có thể biết và hiểu. Yếu tố được đề cập ở đây để chỉ ra sự khác nhau này chính là kinh nghiệm sống.
Ý nghĩa của sự phát triển này là các cấu trúc của não liên quan đến học tập, trí nhớ, kiểm soát vận động và mọi chức năng khác của não đã được thiết lập ở trẻ khi bé vừa bước qua 5 tuổi. Những kết nối này được gọi là khớp thần kinh và chúng chính là cơ sở của tất cả các chuyển động, suy nghĩ, ý thức, ký ức và cảm xúc mà một người bình thường có thể có.
2. Khuyến khích trẻ 5-8 tuổi phát triển não bộ
Không có 2 bộ não nào hoàn toàn giống hệt nhau, ngay cả với những cặp song sinh khác trứng, thậm chí là song sinh cùng trứng. Thực tế là những kết nối được tạo ra giữa các tế bào thần kinh trong não phụ thuộc vào cách bộ não được sử dụng như thế nào hay sự đa dạng và phong phú của hoàn cảnh mà não bộ trẻ được tiếp xúc hoặc một phần nào đó đến từ di truyền.
Trong năm đầu tiên của cuộc đời mỗi đứa trẻ, khi các thành phần cảm xúc quan trọng của não bộ đang được hình thành, một môi trường an toàn, ổn định và có thể đoán trước được là điều quan trọng nhất, bao gồm nhiều tác động và nhu cầu được đáp ứng kịp thời. Ngoài ra, chìa khóa cho sự phát triển của não bộ trong 3 năm đầu chính là được trò chuyện thường xuyên, được chơi cùng mọi người xung quanh và có một môi trường sống, sinh hoạt, học tập đa dạng, kích thích não bộ phát triển đi kèm với đó là những khoảng thời gian nghỉ ngơi được cân bằng một cách hợp lý để não có thể tự định hình và tổ chức lại. Những điều tưởng chừng như đơn giản này lại rất quan trọng trong việc tạo tiền đề cho việc học tập cũng như sự phát triển về mặt tư duy của bé sau này.
3. Hình thành khả năng kết nối mạnh mẽ
Một điều đáng ngạc nhiên là não của một đứa trẻ 2 tuổi có đến hàng nghìn tỷ kết nối, gấp đôi những gì mà một người trưởng thành có thể có. Bộ não phát triển các kết nối để đáp ứng với tất cả các loại thông tin mà chúng nhận được nhằm xử lý và có thể thích nghi cũng như tồn tại. Theo thời gian, một số kết nối nhất định được sử dụng lặp đi lặp lại trong khi những kết nối khác dẫn bị quên lãng và không bao giờ được não bộ chú ý tới thêm một lần nào nữa. Quá trình này diễn ra theo cách hoàn toàn bình thường và được các nhà khoa học gọi là sự “cắt tỉa dây thần kinh”. Điều này giải thích lý do tại sao một đứa trẻ có thể dễ dàng học chính xác giọng điệu và cách phát âm của một loại ngôn ngữ xác định từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu não bộ không được tiếp xúc với loại ngôn ngữ đó thường xuyên, các khớp thần kinh nhất định sẽ không hoạt động và não không còn có thể nghe, hiểu hoặc hình thành phản xạ nhất định với loại ngôn ngữ này một cách dễ dàng nữa.
Cắt tỉa dây thần kinh cũng giải thích lý do tại sao việc hình thành và lặp đi lặp lại một hành động đến mức trở thành thói quen lại quan trọng với trẻ nhỏ. Chúng tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và giúp não hiểu được điều gì là quan trọng.
Mặc dù hầu hết sự phát triển của não bộ diễn ra trong khoảng 3 năm đầu sau khi sinh nhưng những năm tiếp theo đó, não bộ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng khả năng hoạt động của các tế bào thần kinh một cách mạnh mẽ. Điều đó kích thích và khiến trẻ, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi học rất nhanh, không chỉ là học những kiến thức cơ bản trong độ tuổi đó mà trẻ còn có thể hiểu về những quy tắc xã hội, tên gọi phức tạp của một số loại động vật hoặc thậm chí là những loại khủng long, cách chơi các môn thể thao và trò chơi, hướng dẫn thực hiện một số công việc, sự sáng tạo....
Tuy nhiên, các vùng kiểm soát xung động và khả năng phán đoán của não lại không phát triển đồng bộ với những năng lực khác. Chúng thường phát triển muộn hơn trong những năm trẻ đi học và không hoàn toàn được hoàn thiện cho đến sau tuổi vị thành niên.
Học tập là một quá trình kéo dài suốt cuộc đời. Trong những năm học, não bộ cùng với cơ thể hoạt động một cách nhịp nhàng để tập trung vào sự phát triển của một số loại hình học tập. Chẳng hạn như trong khi các khớp thần kinh liên quan đến ngôn ngữ trong não bộ phát triển chủ yếu trong 3 năm đầu tiên thì việc học nói và hiểu được các ngôn ngữ mới diễn ra liên tục trong suốt những năm trẻ đi học sau đó, đặc biệt là khi chúng lên 10 tuổi. Bên cạnh đó, các kỹ năng vận động cơ bản vẫn sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi trẻ được 12 tuổi thì hoàn thiện.
4. Hỗ trợ sự phát triển não bộ của trẻ 5-8 tuổi
Trong xã hội phương Tây, các bậc cha mẹ đặt trong tâm nhiều vào thời điểm mà một đứa trẻ đạt đến cột mốc quan trọng nào đó trong mối quan hệ với những người bạn đồng trang lứa. Nhiều bậc cha mẹ sẽ cảm thấy tự hào với những mốc thành tựu nhỏ mà trẻ đang dần đạt được, chẳng hạn như tự ngồi bô, biết đọc khi được 4 tuổi,.... Thông thường, một đứa trẻ thông minh sẽ biết đọc sớm hơn một đứa trẻ bình thường và chúng cũng thích đọc hơn những đứa khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa một đứa trẻ biết đọc chậm hơn là không tốt. Đôi khi chúng lại hình thành những kỹ năng về ngôn ngữ đặc biệt tốt mà chúng ta hay gọi là “thiên bẩm”. Hãy coi đó như một sự phát triển vượt bậc về trí tuệ.
Mặc dù đạt được thành tựu ở một số giai đoạn sớm hơn so với những đứa trẻ khác có thể khiến nhiều bậc cha mẹ cảm thấy tự hào, tuy nhiên chúng ta không nên tập trung vào việc cố gắng giúp con mình “đi trước” các bạn đồng trang lứa trong một số lĩnh vực nhất định. Thay vào đó, cha mẹ trẻ nên tập trung vào việc khuyến khích trẻ hình thành và tích lũy các kỹ năng theo chiều ngang ở những độ tuổi nhất định. Cơ thể, bao gồm cả não là một phần của hệ thống phức tạp. Đầu vào bên trong (như nhịp tim chẳng hạn) và đầu vào bên ngoài (như nụ cười của một người lạ) được xử lý bởi hai bán cầu não khác nhau là bán cầu não trái và bán cầu não phải. và qua 3 cấp độ khác nhau là não sau, não giữa và não trước.
Bộ não của trẻ có khả năng định hướng và lập trình cho mọi sự phát triển diễn ra cả trong lẫn ngoài cơ thể. Nhờ một số tiến bộ trong khoa học về thần kinh cũng như áp dụng những trang thiết bị hiện đại mà các nhà khoa học hay các chuyên gia thực sự có thể nhìn thấy hình ảnh hoặc thậm chí là cơ chế hoạt động của một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể - não bộ. Trẻ từ 5-8 tuổi là giai đoạn mới bước vào quá trình học tập. Não bộ giai đoạn này đã chuẩn bị đủ nguyên liệu để giúp trẻ có khả năng tiếp thu và học tập một cách tốt nhất.
Trong giai đoạn phát triển của trẻ 5 - 8 tuổi, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở nhận thức, thể chất,.. cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec, trẻ sẽ được gặp các bác sỹ tâm thần Nhi và các cán bộ tâm lý, thông qua test Denver II, Raven để đánh giá 4 lĩnh vực phát triển của trẻ gồm: Vận động tinh, vận động thô, ngôn ngữ, cá nhân-xã hội (tư duy logic); cùng các trắc nghiệm tâm lý như CBCL, DBC-P, CARS...để phát hiện các rối loạn tâm lý có teher có. Từ đó đưa ra lời khuyên và hướng dẫn tập luyện, các liệu pháp tâm lý hành vi phù hợp với từng trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, medium.com/@galynburke, psychcentral.com