Nguy hiểm mùa hè: Mất nước ở trẻ

Mất nước ở trẻ xảy ra khi cơ thể cạn kiệt đáng kể lượng nước và chất điện giải ở các mức độ khác nhau. Các triệu chứng và dấu hiệu khi trẻ bị mất nước bao gồm khát nước, hôn mê, khô niêm mạc, giảm lượng nước tiểu, và khi trẻ bị mất nước nặng, các triệu chứng báo động sẽ xuất hiện như nhịp tim nhanh, hạ huyết áp và sốc. Chẩn đoán mất nước ở trẻ dựa trên tiền sử và khám lâm sàng. Điều trị bằng cách uống hoặc truyền dịch để bù lượng chất lỏng và chất điện giải bị mất đi.

1. Nguyên nhân gây mất nước ở trẻ

Mất nước vẫn là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên toàn thế giới. Mất nước là một triệu chứng hoặc dấu hiệu của một số các bệnh lý khác, thường gặp nhất là tiêu chảy.

Trẻ sơ sinh đặc biệt dễ bị ảnh hưởng khi bị mất nước vì nhu cầu chất lỏng cơ bản của chúng lớn hơn (do tỷ lệ trao đổi chất cao hơn), thất thoát do bay hơi cao hơn (do tỷ lệ diện tích bề mặt trên thể tích cao hơn) và không có khả năng tự giải khát hoặc tìm kiếm chất lỏng.

Có nhiều nguyên nhân gây mất nước ở trẻ, do hai cơ chế chính: tăng mất chất lỏng ra ngoài cơ thể và giảm lượng chất lỏng được cung cấp, hoặc cả hai.

Ở trẻ em, mất nước thường xảy ra phổ biến qua đường tiêu hóa - do nôn mửa, tiêu chảy hoặc cả hai, thường gặp trong bối cảnh viêm dạ dày ruột. Các nguồn khác gây mất nước là thận (ví dụ, nhiễm toan ceton do tiểu đường), da do ra mồ hôi nhiều, bỏng và mất nước vào không gian thứ 3 ví dụ, vào lòng ruột trong tắc ruột.

Lượng chất lỏng được cung cấp cho trẻ bị giảm xuống thường gặp trong các bệnh nhẹ như viêm họng hoặc trong bất kỳ bệnh lý nặng nề nào. Giảm lượng chất lỏng hấp thụ có thể gặp phải khi trẻ bị nôn hoặc khi sốt, thở nhanh, hoặc cả hai.

2. Sinh lý bệnh của tình trạng mất nước ở trẻ

Nước bị mất sẽ chứa các chất điện giải với các nồng độ khác nhau, do đó, mất nước luôn đi kèm với mất chất điện giải ở một mức độ nào đó. Lượng và loại chất điện giải bị mất chính xác khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân (ví dụ, một lượng đáng kể bicarbonate có thể bị mất khi tiêu chảy nhưng không kèm theo nôn mửa).

Tuy nhiên, nồng độ natri trong nước bị mất thấp hơn so với trong huyết tương. Do đó, trong trường hợp không có sự bù dịch kịp thời, natri huyết thanh sẽ tăng lên hay còn gọi là tăng natri máu.

Điện giải
Natri và một số vi chất khác có vai trò quan trọng trong cơ thể con người

Tăng natri máu làm cho nước chuyển từ không gian nội bào và khoảng kẽ vào lòng mạch, giúp duy trì thể tích mạch máu một cách tạm thời. Khi bù dịch nhược trương như nước lã, natri huyết thanh có thể bình thường hóa nhưng cũng có thể giảm hay còn gọi là hạ natri máu.

Hạ natri máu dẫn đến việc một số chất lỏng dịch chuyển ra khỏi không gian nội mạch vào khoảng kẽ làm giảm thể tích lưu thông trong lòng mạch máu.

3. Các triệu chứng và dấu hiệu ở trẻ bị mất nước

Các triệu chứng và dấu hiệu mất nước ở trẻ thay đổi tùy theo mức độ nặng và theo nồng độ natri huyết thanh. Do dịch chuyển từ khoảng kẽ vào khoang mạch máu, trẻ bị tăng natri máu xuất hiện nhiều triệu chứng hơn như niêm mạc rất khô, da nhão, với mức độ mất nước nhất định so với trẻ bị hạ natri máu. Tuy nhiên, trẻ bị tăng natri máu có huyết động tốt hơn bao gồm nhịp tim nhanh hơn và lượng nước tiểu nhiều hơn so với trẻ bị hạ natri máu. Trẻ bị mất nước khi hạ natri máu có thể chỉ biểu hiện mất nước nhẹ nhưng dễ bị hạ huyết áp và trụy tim mạch hơn so với trẻ mất nước có nồng độ natri cao hoặc bình thường.

Mất nước ở trẻ được phân loại như sau:

  • Nhẹ: Không thay đổi huyết động (lượng nước mất chiếm khoảng 5% thể trọng ở trẻ sơ sinh và 3% ở thanh thiếu niên)
  • Trung bình: Nhịp tim nhanh (lượng nước mất chiếm khoảng 10% trọng lượng cơ thể ở trẻ sơ sinh và 5 đến 6% ở thanh thiếu niên)
  • Nặng: Tụt huyết áp kèm theo giảm tưới máu đến các cơ quan trong cơ thể (lượng nước mất chiếm khoảng 15% trọng lượng cơ thể ở trẻ sơ sinh và 7 đến 9% ở thanh thiếu niên)

Tuy nhiên, cần sử dụng kết hợp các triệu chứng và dấu hiệu để đánh giá tình trạng mất nước để có một kết quả chính xác, thay vì chỉ sử dụng một dấu hiệu.

Các xét nghiệm cận lâm sàng thường được chỉ định cho những trẻ bị mất nước vừa hoặc nặng, trong đó thường xuất hiện tình trạng rối loạn điện giải bao gồm tăng natri máu, hạ kali máu, nhiễm toan chuyển hóa hoặc nhiễm kiềm chuyển hóa, và những trẻ này thường cần điều trị bằng dịch truyền tĩnh mạch. Các bất thường khác ghi nhận trong các kết quả cận lâm sàng bao gồm chứng đa hồng cầu tương đối do cô đặc máu, tăng nitơ urê trong máu (BUN) và tăng trọng lượng riêng của nước tiểu.

Tiêu chảy ở trẻ nên truyền dịch gì
Một số trẻ mất nước cần được điều trị bằng dịch truyền tĩnh mạch

4. Điều trị mất nước ở trẻ

Đầu tiên, bố mẹ cần đánh giá tổng quan để tìm kiếm các dấu hiệu nguy hiểm. Khi trẻ bị mất nước biểu hiện một trong các triệu chứng dưới đây, bố mẹ cần gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất:

  • Rất khô miệng hoặc không có nước mắt
  • Hôn mê, lừ đừ, gọi hỏi trẻ không đáp ứng
  • Trẻ không đi tiểu trong 12 giờ trở lên
  • Không tỉnh táo hoặc không thể suy nghĩ rõ ràng
  • Quá yếu hoặc chóng mặt không thể đứng vững

Ở trẻ nhỏ, tình trạng mất nước từ nhẹ đến trung bình có thể rất dễ xảy ra, đặc biệt nếu trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn mửa. Bố mẹ nên liên hệ với bác sĩ nhi khoa của trẻ nếu có các dấu hiệu sau:

  • Uống không đủ hoặc ăn không đủ, bỏ bữa ăn
  • Mệt mỏi
  • Có nước tiểu màu vàng sẫm hoặc giảm lượng nước tiểu so với thường ngày
  • Bị khô miệng và khô mắt
  • Cáu kỉnh hoặc dễ quấy khóc
  • Trẻ nôn nhiều lần, khoảng trên 3 lần trong 1 giờ
  • Mất nước xảy ra ở những trẻ nhỏ hơn 1 tuổi

Khi trẻ có biểu hiện bị mất nước, cần tiến hành bù dịch cho trẻ. Các biện pháp bù dịch thay đổi tùy từng lứa tuổi và mức độ nặng của mất nước:

  • Đối với tình trạng mất nước ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi: Nếu trẻ đang bú mẹ hoặc bú bình, hãy cho chúng bú thường xuyên hơn. Nếu em bé của bạn bị nôn, hãy cho trẻ uống nhiều lần, mỗi lần một ngụm nước nhỏ. Ví dụ, thay vì 100ml sau mỗi 4 giờ, hãy cho 50ml sau mỗi 2 giờ. Nếu trẻ vẫn bị nôn nhiều hơn, hãy gọi cho bác sĩ của trẻ.
  • Với những trẻ bị mất nước đang được ăn dặm, bổ sung nước cũng cần được thực hiện. Cho trẻ uống dung dịch bù nước như oresol, nếu có thể. Loại dịch này có thể bổ sung thêm cả muối, đường, kali. Hãy hỏi bác sĩ của trẻ về loại và số lượng cụ thể để sử dụng cho trẻ một cách an toàn.
  • Đối với tình trạng mất nước nhẹ ở trẻ từ 1 đến 11 tuổi: cho trẻ uống thêm nước một cách thường xuyên, từng ngụm nhỏ, đặc biệt nếu trẻ bị nôn. Lựa chọn các loại súp, soda hoặc oresol, nếu có thể. Có thể cho trẻ ăn thêm kem que, đá bào và ngũ cốc trộn với sữa để bổ sung thêm nước hoặc chất lỏng. Cần tiếp tục duy trì một chế độ ăn uống bình thường.
Trẻ bị tiêu chảy cấp có thể được điều trị tại nhà bằng orestol
Phụ huynh có thể bù nước cho trẻ bằng cách bổ sung oresol theo hướng dẫn của bác sĩ

Đối với các trường hợp mất nước nhẹ, hãy để trẻ nghỉ ngơi trong 24 giờ và tiếp tục uống nước, ngay cả khi các triệu chứng thuyên giảm. Việc bổ sung chất lỏng có thể kéo dài đến một ngày rưỡi. Tiếp tục chế độ ăn uống bình thường của trẻ. Đối với tình trạng mất nước nghiêm trọng, trẻ có thể cần được truyền dịch trong bệnh viện. Nếu cảm thấy các triệu chứng của trẻ không được cải thiện hoặc ngày càng nặng hơn, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Bài viết tham khảo nguồn: nhs.uk, NCBI, msdmanuals.com, mayoclinic.org, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

279 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan