Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh lý xảy ra do sự truyền nhiễm trung gian của virus Dengue. Bệnh thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em, gây ra ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và chăm sóc hợp lý. Cùng tìm hiểu kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết qua bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về sốt xuất huyết

1.1. Sinh lý bệnh

Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm xảy ra do virus Dengue, bệnh xảy ra quanh năm nhưng chủ yếu vào các mùa mưa. Sinh lý bệnh sốt xuất huyết như sau:

  • Thất thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, từ đó dẫn đến cô đặc máu. Trường hợp nặng dẫn đến sốc giảm thể tích và có thể gây tử vong;
  • Xuất huyết do rối loạn đông máu.

1.2. Triệu chứng lâm sàng

Bệnh lý được chia làm 3 mức độ với các triệu chứng lâm sàng khác nhau như sau:

  • Sốt xuất huyết Dengue: Người bệnh có triệu chứng sốt cao đột ngột, xảy ra liên tục từ ngày 2 đến ngày 7 và kết hợp với ít nhất 2 trong các triệu chứng sau đây:
    • Các triệu chứng xuất huyết như chấm xuất huyết dưới da, nghiệm pháp dây thắt dương tính, chảy máu cam, chảy máu chân răng;
    • Chán ăn, nhức đầu, buồn nôn;
    • Phát ban, xung huyết da.

Các triệu chứng cận lâm sàng của người bệnh như số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm, chỉ số Hematocrit bình thường hoặc tăng, số lượng bạch cầu giảm.

  • Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh cáo thường có các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue, cùng với đó là các dấu hiệu sau:
  • Lừ đừ, li bì, vật vã;
  • Ấn đau vùng gan hoặc đau bụng vùng gan;
  • Gan to hơn 2cm;
  • Nôn nhiều;
  • Xuất huyết niêm mạc;
  • Xét nghiệm máu cho thấy chỉ số Hematocrit tăng cao, tiểu cầu giảm nhanh chóng.

Người bệnh xuất hiện các triệu chứng cảnh báo trên cần được theo dõi sát mức huyết áp, mạch đập, số lượng nước tiểu, chỉ số Hct, số lượng tiểu cầu, chỉ định truyền dịch kịp thời và có kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết hợp lý.

  • Sốt xuất huyết Dengue nặng: Người bệnh xuất hiện một trong các triệu chứng sau:
    • Thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích, ứ dịch ở ổ bụng và khoang màng phổi nhiều;
    • Suy đa cơ quan;
    • Xuất huyết nặng.
Cần lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết khi có chảy máu cam
Cần lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết khi có chảy máu cam

2. Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết

Cần lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết như sau:

2.1. Nhận định bệnh

Thông qua quá trình hỏi bệnh, thăm khám và sự thay đổi cận lâm sàng, bác sĩ xác định tình trạng của người bệnh cụ thể như sau:

- Hỏi bệnh:

  • Tình trạng bệnh sử của người bệnh như số ngày xuất hiện triệu chứng sốt, tính chất cơn sốt (sốt cao liên tục 39oC – 40oC, thời gian sốt từ 3 – 4 ngày), người bệnh có bị co giật, nôn ói không? Đã điều trị bằng thuốc gì chưa?
  • Tiền sử người bệnh: Trước đây người bệnh đã từng bị sốt xuất huyết hay trong gia đình gần nhà có trẻ đang bị sốt xuất huyết không?

- Thăm khám bệnh: Người bệnh cần được thăm khám cụ thể như sau:

  • Tình trạng tổng quan: Cân nặng, chiều cao, da niêm mạc...;
  • Tri giác: Bức rức, lơ mơ, vật vã;
  • Dấu sinh hiệu: Huyết áp, nhiệt độ, mạch đập, nhịp thở;
  • Dấu hiệu xuất huyết: Chảy máu chân răng, chảy máu cam, tiêu phân đen, ói ra máu.

- Sự thay đổi cận lâm sàng: Chỉ số DHCT ≥ 20% so với bình thường, số lượng tiểu cầu < 100.000/mm3.

2.2. Kế hoạch chăm sóc cụ thể

Duy trì thân nhiệt người bệnh ở mức 37oC – 37,5oC bằng các bước sau:

  • Theo dõi nhiệt độ thân nhiệt 6 – 8 giờ/lần (lưu ý dấu hiệu hạ thân nhiệt có thể xảy ra từ ngày 3 – 5 của bệnh vì có thể xảy ra sốc, kể cả khi không xuất hiện rõ dấu xuất huyết;
  • Theo dõi tri giác của người bệnh gồm hôn mê, tỉnh táo, li bì, vật vã;
  • Người bệnh nên mang quần áo mỏng, nằm chỗ thoáng mát;
  • Lau người bằng nước ấm, đắp chăn ở vùng nách và bẹn khi sốt cao;
  • Dùng thuốc hạ sốt theo nguyên tắc 10 – 15mg/kg/lần (không dùng Aspirin, Ibuprofen để hạ sốt vì có thể gây toan máu, xuất huyết tiêu hóa);
  • Người bệnh nên uống nhiều nước: Nước sôi nguội, Oresol, nước trái cây...
  • Không ăn và uống các loại thức ăn, nước uống có màu nâu vì khó phân biệt với tình trạng nôn ra máu.
kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sốt
Theo dõi thân nhiệt là một trong các mục của kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sốt

Duy trì thể tích tuần hoàn máu ổn định bằng các bước sau:

  • Theo dõi huyết áp, nhiệt độ và mạch đập của người bệnh mỗi 4 – 6 giờ, tùy theo tình trạng người bệnh;
  • Theo dõi màu sắc niêm mạc, da và tri giác;
  • Theo dõi tình trạng ăn uống của người bệnh: Có nôn ói không, uống được nhiều nước không;
  • Hướng dẫn người bệnh nhận biết các dấu hiệu chuyển độ kịp thời để có biện pháp xử trí hợp lý;

Chế độ dinh dưỡng phù hợp là biện pháp quan trọng trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết. Bổ sung dinh dưỡng phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh như sau:

  • Bệnh nhi ở giai đoạn 1 và 2: Nên cho trẻ ăn những loại thức ăn lỏng, ưu tiên món trẻ thích để có thể ăn được với lượng tối đa; bổ sung nước trái cây cho trẻ; các bữa ăn nên được chia nhỏ làm nhiều lần;
  • Bệnh nhi xuất huyết tiêu hóa: Không bổ sung dinh dưỡng bằng đường uống, thay vào đó là bổ sung đường tĩnh mạch cho đến khi hết xuất huyết;
  • Bệnh nhi có biến chứng gan mật: Cần được theo dõi đường huyết và giảm đạm trong trường hợp có hôn mê gan;
  • Bệnh nhi có biến chứng não: Nuôi ăn qua Sonde và bằng đường tĩnh mạch;
  • Giai đoạn phục hồi của người bệnh: Tăng số bữa ăn lên và cho trẻ ăn bù...

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết thông qua giáo dục sức khỏe:

  • Cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt, lau mát người khi sốt;
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước và ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh ăn thức ăn và nước có màu nâu, đỏ và đen;
  • Nhận biết các dấu hiệu chuyển độ của bệnh như đau bụng, li bì, bức rức, tay chân lạnh, nôn ói nhiều, tiêu phân đen, ói ra máu, tiểu ít...;
  • Bảo vệ trẻ không bị muỗi đốt như ngủ mùng, đuổi muỗi, không để trẻ chơi ở những nơi tối, thoa kem chống muỗi, nhà cửa và sân vườn cần sạch sẽ, ngăn nắp.

Hiện nay, do không có vắc-xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên dựa vào các đường lây truyền để chúng ta chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt những đối tượng chưa mắc bệnh mà sống trong vùng dịch phải chủ động phòng tránh tích cực hơn tránh việc bệnh sốt xuất huyết lây lan thành ổ dịch lớn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan