Học cách lắng nghe con

Bài viết được viết bởi Chuyên viên Thiền Yoga trị liệu Chu Thị Nhã - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục

Vấn đề sẽ trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng giải quyết hơn nếu như bố, mẹ hay những người lớn chúng ta dành thời gian thật sự cho chính bản thân và các con. Luôn chia sẻ để sợi dây kết nối giữa các thành viên trong gia đình ngày càng bền chặt. Điều đó sẽ giúp mỗi thành viên thêm tin yêu, muốn trở về nhà và cảm thấy bình yên, hạnh phúc hơn mỗi ngày.

Tôi đã nhận được nhiều câu hỏi, những suy nghĩ của các bạn nhỏ và cả thanh thiếu niên về những điều con không biết tâm sự, chia sẻ cùng ai, ngay cả chính người thân trong gia đình như bố, mẹ cũng không có thời gian cho các con. Hoặc các con đã mất kết nối với chính những người thân thiết trong gia đình từ rất lâu nên các con ngại hoặc không muốn chia sẻ những khó khăn, hay băn khoăn mà mình gặp phải trong cuộc sống.

Từ đó, các con không biết phải giải quyết các vấn đề hay khó khăn tâm lý mà mình gặp phải như thế nào, có bạn chủ động tìm các nguồn hỗ trợ khác như internet, các chuyên gia,... nhưng cũng có rất nhiều bạn chưa biết cách tìm đến các cách ứng phó lành mạnh mà thay vào đó sẽ âm thầm chịu đựng hoặc giải quyết vấn đề một cách tiêu cực, càng ngày vấn đề càng trầm trọng nếu không được gỡ ra.

Dưới đây là những cách thức giúp chúng ta thực tập cách lắng nghe bằng thiền hay còn gọi là chánh niệm. Đó là những bài học hết sức đơn giản nhưng lại hiệu quả lâu dài nếu thực hành mỗi ngày, mỗi giây phút chúng ta nhớ đến.

Và tôi cũng đã, đang thực tập cũng như nhận thấy hiệu quả thực sự của phương pháp này khi thực hành với những bạn nhỏ/ hay thanh thiếu niên và cả người lớn mà tôi đang trị liệu.

Trẻ thường bắt chước những hành động của người lớn và những trẻ được chú ý lắng nghe từ bố mẹ là những bé rất biết vâng lời
Cha mẹ nên học cách lắng nghe con tâm sự chia sẻ

“Học cách lắng nghe con là một bài tập thực sự của trái tim”

Trong lúc con trai bạn không muốn dọn dẹp bãi chiến trường trong phòng, con gái thì nằng nặc đòi sang ngủ nhà bạn gái, ai cũng lớn tiếng và đóng sầm cửa lại: “Bố (mẹ) lúc nào cũng vậy, không bao giờ chịu hiểu con cả!” Hãy ngồi lại nói chuyện riêng với nhau khi mọi chuyện đã lắng xuống...

Để lắng nghe con nói, trước hết bạn cần biết giữ im lặng, không phải chỉ để nghe xem con sắp nói gì, mà còn để nghe chính cảm xúc và trực cảm của bản thân để gạt đi các định kiến và suy diễn. Hãy dành vài giây chỉ để thở sâu. Tập trung vào nhịp thở giúp bạn xua đi các suy nghĩ phiền nhiễu và mở lòng cho sự bình tâm để thực sự những điều con chia sẻ: Lắng nghe con, không ngắt lời, kìm nén ý muốn hành động, thái độ cởi mở để thực sự hiểu điều con đang nói, bằng một tinh thần sáng suốt và với một cơ thể thả lỏng.

Nếu bạn thấy mình không thể dành thời gian và tập trung vào những điều con mong muốn chia sẻ bởi vì bạn đang vội, mệt mỏi hay cảm thấy bất an, hãy đề nghị con nói chuyện vào một lúc khác.

Chánh niệm chỉ cho ta biết cách giữ “im lặng” để thực sự thấu hiểu. Với lòng nhân từ. Đây là bài tập cần thời gian rèn luyện.” Trích trong sách: “Tâm bình khí hòa, cả nhà cùng học” của Marine Locatelli – Catherine Lannoy, NXB Thanh niên, 2008.

Tiếp đến, tôi sẽ chia sẻ với các bạn Cách Thiền nghe chính thống và không chính thống của một cuốn sách vô cùng thú vị mà ai cũng nên tìm đọc, đó là “Search Inside Yourself” - Cuốn sách này và khóa học mà nó dựa trên đại diện cho một trong những khía cạnh tuyệt vời nhất của văn hóa Google – một cá nhân với một ý tưởng vĩ đại có thể thật sự thay đổi cả thế giới”

  • Cách thiền nghe chính thống:

Trong bài tập này, chúng ta sẽ luyện nghe theo cách khác so với cách chúng ta thường nghe.

Chúng ta sẽ làm theo cặp, với một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn, mỗi người lần lượt đóng vai người nói và người nghe.

Hướng dẫn cho người nói: Đây sẽ là một cuộc độc thoại. Bạn phải nói mà không bị ngắt lời trong ba phút. Nếu bạn hết chuyện để nói, không sao cả; bạn có thể chỉ ngồi trong yên lặng và bất cứ khi nào bạn có gì đó để nói, bạn có thể tiếp tục nói lại. Toàn bộ ba phút thuộc về bạn, bạn có thể sử dụng thời gian đó theo bất cứ cách nào bạn muốn, và biết rằng bất cứ khi nào bạn sẵn sàng nói, có một người sẵn sàng lắng nghe bạn.

Hướng dẫn cho người nghe: việc của bạn là lắng nghe. Khi bạn lắng nghe, bạn chú ý hoàn toàn vào người nói. Bạn không được đưa ra câu hỏi trong suốt ba phút này. Bạn có thể thừa nhận bằng biểu cảm trên gương mặt, bằng cách gật đầu, hoặc bằng cách nói: “Tôi hiểu rồi”. Bạn không được nói ngoại trừ để thừa nhận. Hãy cố đừng thừa nhận thái quá, nếu không, bạn có thể sa vào việc dẫn dắt người nói. Và nếu người nói không còn chuyện gì để nói, hãy cho người đó một khoảng im lặng, rồi sau đó sẵn sàng lắng nghe khi người đó nói lại.

lắng nghe con gái nói chuyện
Lắng nghe giúp cha mẹ hiểu con cái của mình hơn

Chúng ta có một người nói và một người nghe trong ba phút. Tiếp đó hãy đổi cho nhau trong ba phút tiếp theo. Sau đó, dành ba phút trò chuyện với chính bản thân, trong đó cả hai hãy nói về những cảm nhận của mình về trải nghiệm này.Những chủ đề gợi ý cho cuộc hội thoại:

  • Ngay bây giờ bạn đang cảm thấy như thế nào?
  • Có điều gì xảy ra trong ngày hôm nay mà bạn muốn nói không?
  • Bất cứ thứ gì khác bạn muốn nói.

Cách thiền nghe không chính thống:

Khi một người bạn hoặc một người thân nói chuyện với bạn, hãy áp dụng thái độ hào phóng bằng cách trao cho người này món quà là sự chú ý trọn vẹn của bạn và quyền được nói. Hãy nhắc bản thân rằng vì người này quá quan trọng đối với bạn, người đó xứng đáng nhận được toàn bộ sự chú ý của bạn cũng như tất cả không gian và thời gian cần thiết để thể hiện bản thân.

Khi bạn lắng nghe, hãy chú ý trọn vẹn đến người nói. Nếu bạn thấy sự chú ý của mình đi lang thang, chỉ rất nhẹ nhàng mang sự chú ý trở lại người nói, như thể người đó là một đối tượng thiền thiêng liêng. Cố gắng kiềm chế tối đa việc nói, đặt câu hỏi hay dẫn dắt người nói. Hãy nhớ rằng, bạn đang cho người đó món quà quý giá là quyền được nói. Bạn có thể thừa nhận bằng biểu cảm trên khuôn mặt, hoặc gật đầu, hoặc nói: “Tôi hiểu rồi”, nhưng đừng cố thừa nhận quá mức để không dẫn dắt người nói. Nếu người nói hết chuyện để nói, hãy cho người đó một khoảng im lặng, rồi sau đó sẵn sàng lắng nghe kho người đó nói lại.

Thiền sư Norman Fischer nói: “Lắng nghe là một ma thuật: nó biến một người từ một vật thể bên ngoài, mờ đục hoặc có khả năng gây nguy hiểm, thành một trải nghiệm thân mật, và do đó thành một người bạn. Theo cách này, lắng nghe làm mềm và chuyển hóa người nghe”.

Sự chú ý của chúng ta là món quà quý giá nhất chúng ta có thể trao cho người khác. Khi chúng ta trao cho ai đó sự chú ý trọn vẹn, trong khoảnh khắc đó, thứ duy nhất trên thế giới chúng ta quan tâm là người đó, không có gì khác quan trọng bởi không còn gì khác mạnh mẽ trong ý thức của chúng ta. Cái gì có thể quý giá hơn điều đó chứ?

Như thường lệ, thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn tả điều này một cách vô cùng đẹp đẽ: “Món quà quý giá nhất chúng ta có thể trao cho người khác là sự hiện diện của chúng ta. Khi sự chú tâm bao bọc lấy những người chúng ta yêu thương, họ sẽ nở rộ như những đóa hoa”.

Nếu bạn quan tâm đến một ai đó trong cuộc đời này, hãy bảo đảm trao cho người đó một vài phút chú ý trọn vẹn mỗi ngày. Và họ sẽ nở rộ như những đóa hoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

254 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan