Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa Khám bệnh & nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh tương đối phổ biến, trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đến biến chứng thuyên tắc phổi, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Cùng tìm hiểu các phương pháp để ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu trong từng trường hợp khác nhau trong bài viết sau đây.
1. Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh gì?
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT - Deep Vein Thrombosis) là tình trạng hình thành cục máu đông (huyết khối) trong các tĩnh mạch sâu ở chân hoặc các khu vực khác của cơ thể.
Tĩnh mạch là các mạch máu có nhiệm vụ vận chuyển máu từ các mô và hệ quan về tim. Tĩnh mạch sâu là các tĩnh mạch nằm sâu trong cơ thể, cách xa bề mặt da.
2. Sự hình thành huyết khối tĩnh mạch
Sự đông máu là một quá trình bình thường của cơ thể, giúp cầm máu sau khi bị vết thương, chẳng hạn như vết cắt trên da. Cục máu đông trong tĩnh mạch có thể hình thành trong các điều kiện sau:
- Tốc độ máu chảy quá chậm
- Niêm mạc của tĩnh mạch bị tổn thương
- Rối loạn trong máu, khiến cho sự đông máu diễn ra dễ dàng hơn.
Khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu, lưu thông máu bị chậm lại, thể tích máu trong tĩnh mạch tăng lên, khiến cho tĩnh mạch bị sưng lên. Nếu một mảnh của cục máu đông vỡ ra và di chuyển qua các mạch máu đến phổi thì sẽ rất nguy hiểm. Tình trạng này được gọi là thuyên tắc phổi, có thể gây tử vong. Gần một phần ba số người bị huyết khối tĩnh mạch sâu có tiến triển thành thuyên tắc phổi. Vì vậy, nhất thiết phải sàng lọc, phát hiện và điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu kịp thời để ngăn ngừa xảy ra thuyên tắc phổi.
3. Đối tượng có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng một số yếu tố nguy cơ sau đây làm tăng khả năng mắc bệnh, bao gồm:
- Trước và sau phẫu thuật
- Bị chấn thương
- Thời gian dài không di chuyển (nghỉ ngơi trên giường, ngồi, đi xe đường dài hoặc đi máy bay)
- Ung thư và liệu pháp điều trị ung thư
- Tiền sử từng mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch
- Tuổi cao
- Trong thời kỳ mang thai và 4 - 6 tuần sau khi sinh
- Sử dụng các phương pháp ngừa thai có chứa estrogen hoặc liệu pháp hormone điều trị triệu chứng mãn kinh
- Một số bệnh lý, bao gồm suy tim, viêm ruột và một số bệnh ở thận
- Béo phì
- Thói quen hút thuốc lá
- Suy tĩnh mạch
- Đang đặt ống trong tĩnh mạch chính (một liệu pháp để phóng thích trực tiếp dược chất vào máu trong thời gian dài)
- Bị huyết khối do rối loạn đông máu.
4. Ngăn ngừa xảy ra DVT trước và sau phẫu thuật
Phẫu thuật có thể gây ra tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu. Để phòng tránh, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc để ức chế hình thành cục máu đông trước hoặc hoặc sau phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân cần ngưng sử dụng một số loại thuốc trước khi đến ngày phẫu thuật.
Tại bệnh viện, trước khi mổ, bệnh nhân có thể mang vớ y khoa hoặc giày bơm hơi để tránh hình thành cục đông máu ở chân. Những thiết bị này sẽ siết chặt các cơ để thúc đẩy sự lưu thông máu. Bệnh nhân thường phải mang chúng suốt ca mổ cho đến khi xuất viện. Ngoài ra, bệnh nhân thường được khuyến khích đứng dậy và đi bộ sau khi mổ. Bên cạnh đó, bàn chân của bệnh nhân hoặc chân giường có thể được nâng lên để giải tỏa áp lực máu tại chân.
5. Phòng ngừa DVT trong thời kỳ mang thai
Nếu bạn đang có thai, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc một phương pháp điều trị khác để ngăn ngừa khả năng xảy ra huyết khối tĩnh mạch sâu nếu bạn có các yếu tố nguy cơ sau đây:
- Tiền sử gia đình mắc DVT
- Rối loạn đông máu di truyền
- Phải nghỉ ngơi tại giường trong thời gian dài
- Có khả năng phải sinh mổ.
6. Phòng tránh DVT trong khi đi du lịch
Đối với những đối tượng có nguy cơ cao, khi đi du lịch hoặc công tác dài ngày, cần phải đề phòng xảy ra huyết khối tĩnh mạch sâu với các khuyến nghị sau đây:
- Uống nhiều nước
- Mặc quần áo rộng
- Ưu tiên đi bộ và kéo duỗi chân đều đặn nếu có thể (ví dụ, khi đi bằng ô tô, hãy thường xuyên dừng lại và đi ra ngoài để sải vài bước chân).
- Mang vớ y khoa ngăn giãn tĩnh mạch, giúp ngăn chặn sự hình thành cục máu đông ở chân. Tuy nhiên, hãy trao đổi với bác sĩ về phương pháp này vì một số đối tượng không nên mang vớ y khoa (ví dụ, những người mắc bệnh tiểu đường hoặc có vấn đề về lưu thông máu).
7. Nhận biết dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu
Chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu có biểu hiện triệu chứng. Các dấu hiệu thường xuất hiện ở mắt cá chân, bắp chân hoặc đùi, bao gồm:
- Sưng phù ở chân hoặc dọc theo các mạch máu
- Đau nhức chân khi đứng hoặc đi bộ
- Cảm thấy nóng ở vùng chân bị sưng, đau
- Da bị bầm đỏ.
8. Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu
Các xét nghiệm sau đây được sử dụng để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu:
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra các rối loạn về máu.
- Siêu âm Doppler: Một thiết bị cầm tay sử dụng sóng âm thanh để kiểm tra lưu lượng máu.
- Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI): Cho thấy các cục máu đông ở chân hoặc xương chậu.
- Chụp tĩnh mạch (Tĩnh mạch đồ): Chụp X-quang tĩnh mạch với thuốc nhuộm. Thuốc nhuộm có thể cho thấy sự tồn tại của cục máu đông trong tĩnh mạch.
Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện nếu nghi ngờ cục máu đông nằm trong phổi:
- Chụp cắt lớp vi tính (Chụp CT): Để xác định xem có cục máu đông di chuyển đến phổi không.
- Thử nghiệm thông khí - tưới máu (V/Q): Đo lường thể tích không khí và lưu lượng máu qua phổi để chẩn đoán thuyên tắc phổi.
9. Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu được điều trị bằng thuốc, phổ biến nhất là thuốc chống đông máu để ngăn ngừa cục máu đông, hoặc thuốc làm tan cục máu đông.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân và các biện pháp phòng tránh xảy ra huyết khối tĩnh mạch sâu đối với nhiều trường hợp khác nhau trong cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Acog.org.