Thế nào là rối loạn giấc ngủ không thực tổn?

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn có biểu hiện mất ngủ, đến ngủ nhiều, mộng du hay kèm theo lo lắng, căng thẳng nhiều. Tình trạng rối loạn giấc ngủ này thường gặp ở những người phải làm việc ca đêm.

1. Rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Rối loạn giấc ngủ xảy ra gây trở ngại trong hoạt động chuyên môn và xã hội (mệt mỏi, khó tập trung trong học tập, lao động, chất lượng công việc kém,...).

Người bệnh thường cảm thấy khó vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ hoặc cảm thấy không thoải mái sau khi ngủ dậy.

2. Nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Rối loạn giấc ngủ là sự thay đổi bất thường về thời gian, chất lượng giấc ngủ. Nguyên nhân chủ yếu bao gồm:

  • Các bệnh lý về tim mạch: suy tim
  • Các bệnh lý về hô hấp gây giảm thể tích sống và lưu lượng thông khí
  • Mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ
  • Có tổn thương hệ thần kinh trung ương
  • Mắc các bệnh lý nội tiết chuyển hóa: cường giáp, cushing, hạ đường huyết.
  • Lão hóa do tuổi già.
  • Rối loạn tâm thần
  • Rối loạn khí sắc
  • Stress
  • Thay đổi môi trường sống

Rối loạn giấc ngủ là sự thay đổi bất thường về thời gian
Rối loạn giấc ngủ là sự thay đổi bất thường về thời gian

3. Các dạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Mất ngủ không thực tổn

  • Thời gian ngủ ít hơn 5 giờ/ ngày, xảy ra ít nhất 3 lần/ tuần, kéo dài trên 1 tháng.
  • Người bệnh thường khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu.
  • Mất ngủ không phải do các bệnh lý thực thể (tim mạch, hô hấp, nội tiết, thần kinh), do hóa chất, thuốc và cũng không phải là triệu chứng của một bệnh tâm thần (trầm cảm, rối loạn lưỡng cực)

Ngủ nhiều

  • Thời gian ngủ trên 10 giờ/ ngày nhưng vẫn có cảm giác buồn ngủ, kéo dài trên 1 tháng.
  • Không có các bệnh lý thực thể đi kèm, cũng không phải do bệnh lý tâm thần hoặc do thuốc gây ra.

Rối loạn nhịp thức - ngủ

  • Chu kỳ ngủ không phù hợp với nhịp ngày đêm (thức về đêm, ngủ ban ngày) do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do tính chất công việc.
  • Trong thời gian ngủ có thể kèm theo cảm giác ngủ không sâu, không thỏa mãn về giấc ngủ.
  • Không có các bệnh lý thực thể đi kèm, cũng không phải do bệnh lý tâm thần hoặc do thuốc gây ra.

Tình trạng rối loạn giấc ngủ này thường gặp ở những người phải làm việc ca đêm, thay đổi múi giờ quốc tế như tiếp viên hàng không, phi công.

Chứng miên hành

Còn gọi là mộng du, là tình trạng người bệnh đi khỏi giường trong lúc ngủ, thường xảy ra vào khoảng 1/3 thời gian đầu của giấc ngủ. Trong khoảng thời gian mộng du, người bệnh không hề biết chuyện gì đang xảy ra và cũng không nhớ lại được. Người bệnh thường có biểu hiện:

  • Có nét mặt trống rỗng, mắt có thể mở hoặc nhắm, không đáp ứng hoặc không trả lời với các câu hỏi của người khác.
  • Họ thường quên những việc xảy ra khi mộng du khi thức dậy vào ngày hôm sau.
  • Không có các bệnh lý thực thể đi kèm, cũng không phải do bệnh lý tâm thần hoặc do thuốc gây ra.

Mộng du thường không gây ra biến chứng gì nghiêm trọng, tuy nhiên, những chấn thương khi mộng du có thể làm ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể.

Hoảng sợ khi ngủ

Là những cơn hoảng sợ và sợ hãi tột độ về ban đêm kết hợp với phát âm to, vận động nhanh, có hoạt động thần kinh tự trị tăng cao. Bệnh thường xảy ra trong 1/3 đầu của giấc ngủ đêm.. Lúc thức giấc bệnh nhân thường không thể nhớ lại những gì xảy ra.

  • Một hoặc nhiều lần thức giấc, bắt đầu bằng kêu thét, hoảng sợ, và đặc trưng bằng lo âu nhiều, tăng cử động cơ thể, tăng hoạt động thần kinh tự trị (mạch nhanh, thở gấp, đồng tử giãn, vã mồ hôi).
  • Các cơn tiếp theo điển hình kéo dài 1 - 10 phút và thường xảy ra trong 1/3 đầu của giấc ngủ đêm.

Ác mộng

  • Bệnh nhân có gặp ác mộng khi ngủ đêm hoặc ngủ trưa, thường có khóc, và nói nhảm, người bệnh có thể nhớ các chi tiết của giấc mơ.
  • Bệnh nhân có thể có các rối loạn cảm xúc do giấc mơ gây ra, đau buồn, ám ảnh sợ hãi.

Chứng ngủ rũ

  • Người bệnh thường có cảm giác buồn ngủ, thiếu ngủ cả ngày, họ không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ. Việc buồn ngủ này thường diễn ra khi hoạt động ví dụ người bệnh đang ăn, đang nói chuyện, đang làm việc.

Người bệnh thường có cảm giác buồn ngủ, thiếu ngủ cả ngày
Người bệnh thường có cảm giác buồn ngủ, thiếu ngủ cả ngày
  • Mất trương lực cơ 2 bên một cách đột ngột
  • Tái diễn các biểu hiện của ngủ REM khi chuyển trạng thái từ ngủ sang thức.
  • Không có các bệnh lý thực thể đi kèm, không phải do bệnh lý tâm thần hoặc do thuốc gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe