Làm thế nào để phát hiện bệnh mạch vành?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bệnh mạch vành là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong trên thế giới. Vì vậy, việc nhận biết sớm bệnh mạch vành để phòng ngừa và kịp thời điều trị khi mắc bệnh là hết sức cần thiết để hạn chế các biến chứng xấu có thể xảy ra. Bài viết này sẽ giúp các bạn thực hiện đầy đủ những bước cần thiết để phát hiện bệnh mạch vành.

1. Bệnh mạch vành là gì?

Tim là cơ quan có nhiệm vụ bơm máu đi khắp cơ thể và nuôi dưỡng các cơ quan. Tuy nhiên, tim cũng cần một hệ thống mạch máu để nuôi chính nó, còn gọi là mạch vành.

Bệnh mạch vành là tình trạng lớp nội mạc bên trong của động mạch vành bị tổn thương. Nguyên nhân chủ yếu là do những mảng xơ vữa tích tụ lên thành mạch máu (xơ vữa động mạch), càng nhiều mảng xơ vữa sẽ gây hiện tượng hẹp lòng mạch, khiến tim không nhận đủ lượng máu cần thiết. Đây chính là tình trạng thiếu máu cơ tim.

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạch vành không biết tình trạng bệnh của mình, vì căn bệnh này phát triển khá chậm và âm thầm trong nhiều năm. Phần đông bệnh không được chú ý cho đến khi gây ra những cơn đau thắt ngực đầu tiên hoặc xuất hiện cả cơn nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng.

2. Dấu hiệu bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành có thể khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng như: cơn đau thắt ngực do lưu lượng máu đến tim giảm, khó thở... Nguy hiểm hơn, nếu một hoặc nhiều nhánh mạch vành bị tắc hoàn toàn (do bong mảng xơ vữa hoặc do cục máu đông hình thành bên trong lòng mạch) sẽ gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim, có thể đưa tới suy tim, choáng tim, rối loạn nhịp tim, thậm chí là tử vong.

Triệu chứng điển hình cảnh báo bệnh mạch vành là đau thắt ngực. Đau thắt ngực được miêu tả là cơn đau nhói theo kiểu bỏng rát, thắt chặt, kim châm, tim bị đè nén, bóp nghẹt, cảm thấy nặng ngực, khó thở, thường xảy ra khi người bệnh gắng sức, khi xúc động, tức giận... Vị trí đau ở sau xương ức, ở chính giữa vị trí của tim, đau ngực trái thường lan ra vai trái, cánh tay và bàn tay trái, đôi khi còn có thể kèm theo nôn ói, vã mồ hôi, hơi thở ngắn và yếu, mệt, chóng mặt,...

3. Những ai nên khám bệnh mạch vành?


Tầm soát bệnh mạch vành
Tầm soát bệnh mạch vành

Tuy bệnh mạch vành chủ yếu xảy ra ở nhóm tuổi trên 40, nhưng những người trẻ tuổi hơn vẫn có thể mắc bệnh. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy độ tuổi mắc bệnh mạch vành đang ngày càng giảm dần. Vì vậy, nếu bạn cho rằng mình còn quá trẻ để mắc bệnh là hoàn toàn sai lầm. Bệnh mạch vành hình thành là một quá trình diễn tiến rất lâu dài, bắt đầu từ các mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành, xơ vữa phát triển lớn dần theo từng ngày trong rất nhiều năm.

Theo Hội Tim mạch Mỹ (AHA), các xét nghiệm để tầm soát bệnh mạch vành nên bắt đầu thực hiện từ lúc 20 tuổi, mức độ thường xuyên phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ của người bệnh. Người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu...; người hút thuốc lá lâu năm; béo phì; trong gia đình có người trực hệ (bố mẹ, anh chị em ruột) mắc bệnh mạch vành cũng được xem là một yếu tố nguy cơ của bệnh. Đặc biệt, người cao tuổi nên thực hiện sàng lọc bệnh mạch vành dự phòng sớm do yếu tố tuổi tác.

4. Những việc cần làm để xác định bệnh mạch vành

  • Khám bệnh mạch vành tại chuyên khoa Nội tim mạch.
  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (bằng máy đếm laser) để xác định các thông số sau: xác định nhóm máu hệ ABO, Rh (D); định lượng Glucose, Cholesterol, Triglycerid, HDL-C, LDL – C, Creatinin, Ure, Calci toàn phần, Axit uric, CRP hs, proBNP, FT4, TSH; đo hoạt độ AST (GOT), ALT (GPT); điện giải đồ (Na, K, Cl): đánh giá sơ bộ tình trạng của các bệnh lý mạn tính hoặc cấp tính đang mắc (tăng mỡ máu, suy thận, nhiễm trùng, chức năng tuyến giáp, đái tháo đường, chức năng gan, gout...)
  • Tổng phân tích nước tiểu (bằng máy tự động)
  • Đo hoạt độ CK (Creatine kinase): xác định chức năng thận
  • Định lượng Troponin T: đánh giá nhanh tình trạng nhồi máu cơ tim.
  • Siêu âm tổng quát ổ bụng.
  • Đo điện tim
  • Siêu âm tim, màng tim qua thành ngực
  • Siêu âm Doppler động mạch cảnh, Doppler xuyên sọ (tại động mạch cảnh)
  • Thực hiện nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ
  • Chụp X-quang ngực thẳng
  • Chụp động mạch vành chọn lọc có cản quang (chụp X-quang động mạch vành): đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần chụp mạch vành. Thông thường, các bác sĩ sẽ bắt đầu tầm soát bệnh mạch vành bằng cách đánh giá các yếu tố nguy cơ (bệnh đi kèm, tuổi tác, tiền sử gia đình, lối sống...). Các xét nghiệm gắng sức hoặc chụp mạch vành thường cho những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành.

Lưu ý: khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh mạch vành, bạn cần phải nhịn ăn, có thể uống nước nhưng không được dùng cà phê, nước ngọt hoặc hút thuốc lá.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe