Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng và Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thạc sĩ - Bác sĩ Cao Thanh Tâm đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch.
Rối loạn lipid máu hay rối loạn mỡ máu là bệnh lý phổ biến hiện nay. Rối loạn lipid máu gây ra những biến chứng nguy hiểm trên tim mạch như tai biến mạch máu não, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong hoặc tàn phế. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam để kiểm soát lipid máu.
1. Rối loạn lipid máu là gì?
Rối loạn lipid máu là tình trạng bệnh lý khi có sự rối loạn nồng độ các thành phần lipid như: tăng cholesterol hoặc tăng triglycerid, hoặc tăng LDL-C (Cholesterol xấu), hoặc giảm HDL-C (Cholesterol tốt),... Hậu quả là sự tạo thành các mảng xơ vữa gây tắc mạch, làm gia tăng nguy cơ biến chứng tim mạch và đột quỵ, tăng các biến chứng mạch máu khác. Hậu quả nặng nề nhất là gây tử vong hoặc tàn phế.
2. Tăng lipid máu gây ra những bệnh gì?
Những biến chứng gây ra bởi rối loạn lipid máu gồm có:
- Triệu chứng ngoại biên của tăng lipid máu: Ban vàng ở mi mắt, u vàng ở gân khuỷu tay, đầu gối, bàn tay, gót chân, màng xương.
- Một số dấu chứng nội tạng của tăng lipid máu: Nhiễm lipid võng mạc (lipemia retinalis), gan nhiễm mỡ, có thể gây viêm tụy cấp.
- Xơ vữa động mạch: Tổn thương động mạch có khẩu kính trung bình và lớn như tổn thương động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, tổn thương mạch máu não gây tai biến mạch não, tổn thương động mạch hai chi dưới gây viêm tắc thiếu máu hoại tử bàn chân.
3. Khuyến cáo để kiểm soát lipid máu
3.1. Nguyên tắc trong điều trị
Điều trị rối loạn lipid máu phải kết hợp giữa thay đổi lối sống và dùng thuốc. Trong đó, thay đổi lối sống là chỉ định đầu tiên; bao gồm tăng cường tập luyện, vận động thể lực và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý với từng thể trạng và tính chất công việc.
Để chọn lựa kế hoạch kiểm soát lipid máu thích hợp, người ta dựa trên Bảng đánh giá rối loạn lipid máu sau:
Thông số lipid | Nồng độ | Đánh giá nguy cơ |
CT (mg/dL) | < 200 | Bình thường |
200 - 239 | Cao giới hạn | |
≥ 240 | Cao | |
TG (mg/dL) | < 150 | Bình thường |
150-199 | Cao giới hạn | |
200-499 | Cao | |
≥ 500 | Rất cao | |
LDL-c (mg/dL) | < 100 | Tối ưu |
100-129 | Gần tối ưu | |
130-159 | Cao giới hạn | |
160-189 | Cao | |
≥ 190 | Rất cao | |
HDL-c (mg/dL) | < 40 | Thấp |
≥ 60 | Cao |
Tuy nhiên, trong một số bệnh lý tim mạch, chuyển hóa, các chỉ số này có thể thay đổi tùy theo mục tiêu điều trị.
3.2. Can thiệp vào lối sống lên nồng độ lipid máu
- Tập luyện: Tăng cường hoạt động thể lực giúp giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng, góp phần kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp. Thời gian tập luyện - vận động thể lực khoảng 30 đến 45 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, cường độ và thời gian tập tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe nhất là những người có bệnh lý huyết áp, mạch vành, suy tim...
- Chế độ dinh dưỡng:
- Giảm cân nếu thừa cân, giảm cân bắt đầu bằng giảm lượng calo ăn vào.
- Nên ăn nhiều loại thực phẩm. Cần điều chỉnh năng lượng tiêu thụ để phòng ngừa thừa cân và béo phì.
- Khuyến khích dùng nhiều trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, cá (đặc biệt là cá có dầu).
- Nên thay thế chất béo bão hoà bằng chất béo không bão hoà có nguồn gốc thực vật và từ các loại thực phẩm trên để giảm lượng năng lượng tiêu thụ từ chất béo xuống < 35% tổng năng lượng, chất béo bão hoà <7% tổng năng lượng, chất béo dạng trans < 1% tổng năng lượng và cholesterol < 300 mg/ngày.
- Nên giảm lượng muối xuống dưới 5g/ngày bằng cách tránh muối bột, hạn chế sử dụng muối trong nấu ăn bằng cách chọn những thực phẩm tươi, tránh thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, <10-20 g/ngày đối với nữ giới và < 20-30 g/ngày đối với nam giới và cần tránh ở bệnh nhân tăng triglyceride máu.
- Hạn chế sử dụng đồ uống, thực phẩm chứa đường, đặc biệt là nước ngọt.
- Tránh hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với thuốc lá.
3.3. Điều trị rối loạn lipid máu bằng thuốc
Thay đổi lối sống sau 2-3 tháng mà không đem lại hiệu quả như mong muốn thì chỉ định điều trị với các loại thuốc hạ lipid máu:
- Nhóm statin (HMG-CoA reductase inhibitors).
- Nhóm fibrate.
- Nhóm acid Nicotinic (Niacin, vitamin PP).
- Nhóm Resin (Bile acid sequestrants).
- Ezetimibe.
- Có thể bổ sung Omega 3 (Fish Oils).
Để kiểm soát tốt lipid máu, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ tiết thực hợp lý, tăng cường vận động, tập luyện thể lực, nên đi xét nghiệm lipid máu định kỳ, nhất là với những người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, thừa cân, béo phì,... Khi đã phát hiện có rối loạn lipid máu thì nên điều trị sớm để đạt hiệu quả tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.