Không chỉ lây qua vết cắn, bệnh dại còn lây qua nước bọt của động vật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ khi bị chó dại cắn thì mới bị bệnh dại. Thực tế thì bệnh dại còn có thể lây truyền từ nước bọt của động vật bị bệnh qua vết cào hoặc vết liếm vào vùng da có vết thương hở hoặc trầy xước của con người.

1. Bệnh dại có lây không?

Bệnh dại do Lyssavirus, thuộc họ Lyssaviridae gây ra. Sau khi xâm nhập vào cơ thể người và động vật có vú, virus di chuyển theo hệ thần kinh vào tủy sống và não, phá hủy các trung khu thần kinh trong đại não, gây ra trạng thái điên dại ở động vật và người.

Bệnh dại là bệnh đe dọa tính mạng và có thể gây tử vong nếu người bị cắn không rửa vết thương và được điều trị y tế kịp thời. Không có thuốc điều trị khi lên cơn dại, phòng bệnh bằng cách tiêm vaccine phòng dại. Bệnh dại thường gia tăng vào mùa hè.

Bệnh dại gây ra bởi virus và là bệnh lây truyền. Do vậy, việc phòng bệnh dại là vô cùng cần thiết.

2. Bệnh dại lây truyền qua đường nào?

Vi-rút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể con người.

96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Đông Nam Á là do chó cắn. Nơi bị chó cắn càng gần thần kinh trung ương thì nạn nhân càng phát bệnh nhanh.


96% trường hợp bị bệnh dại tại Đông Nam Á là do chó cắn
96% trường hợp bị bệnh dại tại Đông Nam Á là do chó cắn

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây truyền từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh dại do cào hoặc liếm vào vết thương, những vùng da bị trầy xước của cơ thể.

Thế giới ghi nhận việc lây bệnh qua không khí có thể xảy ra khi ở trong hang dơi hay tiếp xúc với chất thải của dơi, việc lây bệnh qua không khí này đã được ghi nhận tại 4 báo cáo về ca mắc bệnh dại ở người và liên quan tới công việc thí nghiệm với động vật. Tuy nhiên các ca mắc dạng này chưa ghi nhận tại Việt Nam.

Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lây nhiễm bệnh dại bao gồm:

  • Loại hình tiếp xúc và loại động vật cắn
  • Mức độ nghiêm trọng của vết cắn
  • Số lượng virus dại xâm nhập vào cơ thể
  • Tình trạng miễn dịch của bệnh nhân
  • Vùng bị cắn - vết thương ở đầu và cổ, cũng như những vết thương ở các khu vực đầu mút thần kinh như ngón tay, thường có thời gian ủ bệnh ngắn hơn do khoảng cách virus xâm nhập vào mô thần kinh gần hơn.

3. Nếu bị động vật đã được tiêm phòng dại cắn có cần tiêm vắc xin phòng dại không?

Nhiều người cho rằng, nếu bị một con chó đã tiêm phòng bệnh dại cắn, thì không cần phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Nếu con chó đã được tiêm phòng dại đúng cách và hiệu quả của vaccine đã được phòng thí nghiệm xác nhận thì hiệu quả là cực cao, giúp con vật phòng được bệnh dại. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều yếu tố gây nhiễu có thể xảy ra.


Tiêm phòng cho thú nuôi để ngăn ngừa virus dại
Tiêm phòng cho thú nuôi để ngăn ngừa virus dại

Do đó, ngay cả khi con chó đó đã được tiêm phòng, bạn vẫn phải tới các trung tâm y tế để được khám và tư vấn tiêm phòng. Bác sĩ sẽ khám vết thương và tư vấn xem bạn có cần phải tiêm hay không.

4. Bệnh dại có lây từ người sang người hay không?

Người là hệ động vật có vú, vì vậy về mặt lý thuyết việc lây truyền giữa người với người là có thể. Tuy nhiên thực tế không ghi nhận có ca lây nhiễm từ người sang người nào bằng con đường thông thường.

Những người giết mổ chuyên nghiệp có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi giết động vật bị dại và xử lý phần não hoặc các bộ phận bị nhiễm virus khác, tuy nhiên không có trường hợp nào lây bệnh trên người do ăn thịt đã nấu chín.

Việc lây truyền bệnh dại từ người sang người thông qua việc cấy ghép giác mạc hoặc các nội tạng khác là tương đối hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Việc lây truyền này đã xảy ra ở những người nhận giác mạc cấy ghép và gần đây xảy ra đối với một số trường hợp người nhận cấy ghép các nội tạng đặc và mô mạch. Do vậy, giác mạc hoặc các bộ phận cơ thể con người không được lấy từ bệnh nhân chết do viêm não hoặc bất kỳ bệnh thần kinh nào khác mà chưa được chẩn đoán rõ ràng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe