Hướng dẫn bảo quản bàn chải đánh răng đúng cách

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bàn chải đánh răng là một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe răng miệng. Lựa chọn bàn chải đánh răng phù hợp và bảo quản bàn chải đánh răng đúng cách có vai trò vô cùng quan trọng.

1. Cách lựa chọn bàn chải đánh răng phù hợp

Bàn chải đánh răng đã có nguồn gốc từ hơn 5000 năm trước, dưới dạng thô sơ là một cành cây nhỏ được đập dập ở đầu tận cùng để làm sạch răng. Tiếp đó bàn chải đánh răng được cải tiến, phần tay cầm được làm từ gỗ, ngà voi, sừng hoặc xương động vật, phần đầu bàn chải được làm từ lông heo, lông lợn rừng hoặc các động vật có lông cứng khác. Đến năm 1938, bàn chải đánh răng bằng sợi nylong như chúng ta đang sử dụng hiện nay ra đời.


Năm 1938 chiếc bàn chải nylong đầu tiên ra đời và được cải tiến cho đến ngày nay
Năm 1938 chiếc bàn chải nylong đầu tiên ra đời và được cải tiến cho đến ngày nay

Bàn chải đánh răng là một vật dụng vô cùng thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe răng miệng. Việc lựa chọn bàn chải đánh răng phù hợp vô cùng quan trọng. Có hai loại bàn chải đánh răng đó là bàn chải đánh răng cầm tay và bàn chải đánh răng điện. Dù sử dụng loại bàn chải nào thì để lựa chọn bàn chải đánh răng phù hợp bạn cũng cần chú ý các yếu tố sau đây:

  • Lông bàn chải: lông bàn chải có 3 mức độ là cứng, trung bình và mềm. Tính chất của lông bàn chải cần phù hợp với tình trạng răng miệng. Nếu lực đánh răng mạnh, răng nhạy cảm hoặc tình trạng nướu không được tốt thì dùng bàn chải có lông cứng có thể gây hại đến men răng và nướu. Bàn chải có lông mềm sử dụng dễ chịu và an toàn hơn, tuy nhiên hiệu quả loại bỏ mảng bám lại kém hơn, do đó khi sử dụng bàn chải lông mềm nên đánh răng thật kỹ. Độ dài của lông bàn chải cũng có vai trò quan trọng, những người đang niềng răng, để làm sạch cả răng và niềng răng nên lựa chọn loại bàn chải có lông ở giữa ngắn hơn lông ở hai mép. Những người có răng khấp khểnh nên dùng loại bàn chải có lông phần cuối bàn chải dài hơn để làm sạch các vùng răng khó tiếp cận.
  • Kích thước đầu bàn chải: nên chọn loại đầu bàn chải có thể đi đến tất cả các vị trí của răng. Đối với người lớn, loại đầu bàn chải có chiều rộng 1,2 cm và chiều dài khoảng 2,5 cm là phù hợp. Những loại bàn chải có kích thước lớn hơn có thể gây khó khăn khi chải răng phía sau và hai bên phía trên hàm.
  • Tay cầm bàn chải: phải có độ dài phù hợp, đảm bảo độ bền khi sử dụng hàng ngày.

So với bàn chải cầm tay, bàn chải điện giúp đánh răng sạch và nhanh hơn. Khi lựa chọn bàn chải điện, cần chọn mua từ những nhà sản xuất uy tín, chứng minh được sản phẩm an toàn với mô cứng, mô mềm và cả với các miếng trám phục hình răng.

2. Cách bảo quản bàn chải đánh răng đúng cách

Nếu bảo quản bàn chải đánh răng không đúng cách có thể khiến bàn chải đánh răng phát triển thành một ổ chứa đầy vi khuẩn, vi rút, nấm gây nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Để bàn chải đánh răng luôn sạch sẽ và an toàn khi sử dụng, cần lưu ý thực hiện một số hướng dẫn bảo quản bàn chải đánh răng như sau:

  • Không nên sử dụng chung bàn chải đánh răng
  • Cần rửa sạch bàn chải đánh răng với nước ấm vài giây trước khi sử dụng.
  • Sau khi sử dụng xong, cần rửa bàn chải thật sạch, vẩy cho khô nước. Sau đó, để bàn chải ở nơi khô ráo với góc nghiêng 45 độ để nước đọng trong bàn chải dễ thoát ra ngoài, bàn chải được làm khô nhanh hơn. Tránh để bàn chải ở những nơi ẩm ướt như nhà tắm và tránh để đầu các bàn chải tiếp xúc với nhau.
  • Không nên để bàn chải còn ướt trong hộp kín thường xuyên, môi trường kín và ẩm sẽ giúp vi khuẩn phát triển nhanh hơn.
  • Thay bàn chải đánh răng theo định kỳ 3-4 tháng/lần hoặc nhanh hơn nếu lông bàn chải có dấu hiệu xơ, mòn, bị toe ra hai bên. Sử dụng một bàn chải trong thời gian quá lâu sẽ làm hiệu quả làm sạch của bàn chải kém đi. Lông bàn chải sẽ khó len qua các kẽ răng để làm sạch mảng bám. Mặc khác, khi một bàn chải được sử dụng lâu thì lượng vi khuẩn sẽ phát triển trong nó cũng nhiều hơn. Bàn chải đánh răng cũng nên được thay mới sau khi ốm vì những mầm bệnh còn lưu lại trong bàn chải có thể gây nhiễm bệnh trở lại.

Nên thay bàn chải định kỳ từ 3-4 tháng một lần
Nên thay bàn chải định kỳ từ 3-4 tháng một lần

Các phương pháp làm sạch bàn chải đánh răng cũng có thể được áp dụng để giúp loại bỏ các mầm bệnh ra khỏi bàn chải. Một trong số những phương pháp hiệu quả nhất là cho một thìa nước oxy già (hydrogen peroxid) vào một cốc nước và ngâm bàn chải trong ít nhất 30 giây, rửa lại thật sạch bằng nước nóng trước khi sử dụng. Nếu không có oxy già, có thể sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn để thay thế. Một phương pháp khác là ngâm bàn chải trong nước dấm pha loãng, giấm sẽ giúp tiêu diệt hầu hết các vi khuẩn và mầm bệnh khác trong bàn chải. Nước sôi cũng giúp làm sạch bàn chải đánh răng, cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần ngâm bàn chải trong cốc nước đun sôi từ 3 đến 5 phút. Tuy nhiên, dù bảo quản bàn chải đánh răng đúng cách và thường xuyên thực hiện các phương pháp làm sạch bàn chải đánh răng thì bàn chải đánh răng cũng phải được thay 3-4 tháng một lần. Đừng lựa chọn một bàn chải đánh răng quá đắt tiền, hãy lựa chọn một bàn chải phù hợp với một mức giá hợp lý để bạn có thể đổi bàn chải một cách thường xuyên.

Bàn chải đánh răng là một vật dụng vô cùng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Lựa chọn được một bàn chải phù hợp và bảo quản bàn chải đúng cách cũng chính là bạn đang bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt tốt nghiệp cao học chuyên ngành Răng Hàm Mặt tại Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ Đạt có thế mạnh về: làm thủ thuật nhổ răng khôn, chữa tuỷ, lấy cao răng, hàn răng nhẹ nhàng, ít sang chấn, giúp người bệnh giảm cảm giác đau tối đa; Thiết kế và làm răng sứ đẹp. Hiện nay, nha sĩ Đạt đang công tác tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe