Tính độ lọc cầu thận bình thường rất khó chính xác. Tuy nhiên với công thức tính độ lọc câu thận dựa vào chỉ số creatinin trong máu giúp đưa ra chỉ số độ lọc cần thận dễ dàng hơn. Ngoài ra, khi bệnh nhân càng cao tuổi thì độ lọc cầu thận sẽ giảm dần. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chỉ số này cũng như là các công thức tính thường dùng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Độ lọc cầu thận là gì?
Độ lọc thận là lưu lượng máu được lọc qua thận trong một đơn vị thời gian (thường tính bằng phút). Độ lọc cầu thận (GFR) là giá trị cho biết mức độ thận lọc các chất thải khỏi máu của thận. Đây cũng là chỉ số tốt nhất giúp đánh giá chức năng hoạt động của thận. Độ lọc cầu thận còn được sử dụng trong y học lâm sàng để xác định mức độ suy giảm chức năng thận và phân định các giai đoạn của bệnh thận mạn tính.
Độ lọc cầu thận cao cho thấy thận có khả năng làm việc hiệu quả, loại bỏ chất thải trong máu tốt hơn. Tuy nhiên, theo thời gian và khi tuổi tác tăng lên, độ lọc cầu thận thường có xu hướng giảm. Ngoài ra, độ lọc cầu thận cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào giới tính.

2. Công thức tính độ lọc cầu thận
Rất khó để tính chính xác độ lọc cầu thận bình thường, do không có phương tiện trực tiếp nào đo được độ lọc cầu thận. Vì thế, người ta sử dụng các công thức tính độ lọc cầu thận dựa trên nồng độ creatinin trong máu và nước tiểu để ước lượng giá trị này.
Creatinin là một chất thải được sinh ra trong quá trình co cơ, sở dĩ người ta dựa vào chỉ số creatinin để ước tính độ lọc cầu thận vì:
- Creatinin có trọng lượng phân tử nhỏ nên dễ dàng lọc qua cầu thận và không bị tái hấp thụ ở ống thận. Ống lượn xa bài tiết một lượng creatinin nhưng không đáng kể.
- Độ thanh thải creatinin gần như tương đương với độ lọc cầu thận.
- Là chất dễ dàng định lượng thông qua xét nghiệm sinh hóa.
Từ đó người ta đưa ra một số công thức tính độ lọc cầu thận như sau:
2.1. Công thức 1: Dựa vào tuổi, giới tính và nồng độ creatinin trong máu để tính được độ lọc cầu thận ước tính
eGFR (ml/phút/1,73m2)= 186.SCr-1,154.Tuổi-0,203.(0,742 nếu là nữ)
Trong đó:
- eGFR (estimated GFR) là tốc độ lọc cầu thận ước tính
- SCr: nồng độ creatinin trong máu
2.2. Công thức 2: Ước tính độ lọc cầu thận tương đương với độ thanh thải creatinin dựa vào chỉ số creatinin trong máu và nước tiểu.
Trong 24 giờ bệnh nhân tiến hành lấy nước tiểu để đo thể tích nước tiểu, lượng creatinin bài tiết và creatinin trong máu trong 24 giờ.
GFR = CrCl (mL/phút) = (UCr.Vnước tiểu)/(SCr.T).
Trong đó:
- CrCl: độ thanh thải creatinin
- Ucr: Nồng độ creatinin trong nước tiểu (mg/dL)
- V nước tiểu: Thể tích nước tiểu thu thập (mL)
- SCr: Nồng độ creatinin trong máu thu thập tại thời điểm chính giữa khoảng thời gian lấy nước tiểu (mg/dL)
- T: Thời gian thu thập nước tiểu (tính bằng phút)
2.3. Công thức 3: Ước lượng từ giá trị creatinin trong huyết thanh và các đặc điểm khác của bệnh nhân
Do việc tính toán độ thanh thải creatinin gặp phải nhiều khó khăn và nhiều bước, dẫn đến nguy cơ sai số cao. Vì thế, các nhà nghiên cứu đã phát triển các phương pháp ước lượng độ thanh thải creatinin dựa vào nồng độ creatinin trong huyết thanh cùng với các yếu tố khác của bệnh nhân như độ tuổi, giới tính và khu vực sinh sống.
Công thức tính độ lọc cầu thận được dùng phổ biến nhất cho đối tượng là người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên:
Nam: CrCl = [(140 – tuổi).cân nặng]/(72.SCr)
Nữ: CrCl = [(140 – tuổi).cân nặng]/(72.SCr).0.85
Trong đó:
- CrCl ước lượng: độ thanh thải creatinin ước lượng (mL/phút)
- Tuổi: Tính bằng năm
- Cân nặng: Tính bằng kg
- SCr: nồng độ creatinin trong huyết thanh (mg/dL)

3. Độ lọc cầu thận bao nhiêu là bình thường?
Độ lọc cầu thận bình thường ở người trưởng thành khỏe mạnh là trên 90 mL/ phút/ 1,73 m2. Độ lọc cầu thận giảm theo tuổi, ngay cả đối với người không bị bệnh thận mạn.
Độ lọc cầu thận bình thường dựa theo độ tuổi như sau:
- Từ 20-29 tuổi khoảng trên 116 mL/phút/1,73 m2.
- Từ 30-39 tuổi khoảng trên 107 mL/phút/1,73 m2.
- Từ 40-49 tuổi trên 99 mL/phút/1,73 m2.
- Từ 50-59 tuổi trên 93 mL/phút/1,73 m2.
- Từ 60-69 tuổi trên 85 mL/phút/1,73 m2.
- Từ trên 70 tuổi trên 75 mL/phút/1,73 m2.

4. Các mức độ suy thận
Dựa vào chỉ số eGFR, suy thận được chia thành các cấp độ như sau:
- Bình thường (lớn hơn hoặc bằng 100 mL/phút/1.73m2: Mức lọc cầu thận bình thường.
- Suy thận cấp độ I (90-99 mL/phút/1.73m2): Nếu kèm theo tiểu ra Albumine với mức lọc cầu thận bình thường.
- Suy thận cấp độ II (60/89 mL/phút/1.73m2): Nếu kèm theo tình trạng tiểu ra Albumine, mức lọc cầu thận giảm nhẹ.
- Suy thận cấp độ III (30-59 mL/phút/1.73m2): Mức lọc cầu thận giảm trung bình.
- Suy thận cấp độ IV (15-29 mL/phút/1.73m2): Mức lọc cầu thận giảm nặng.
- Suy thận cấp độ V (dưới 15 mL/phút/1,73m2): Suy thận giai đoạn cuối.
Công thức tính độ lọc cầu thận hỗ trợ hiệu quả đưa ra chỉ số độ lọc cầu thận, từ đó có thể đánh giá chức năng lọc của thận và xác định giai đoạn của bệnh thận mạn tính. Nhờ vậy, các phương pháp chăm sóc và điều trị thích hợp sẽ được áp dụng. Những người có nguy cơ cao như người mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp hay có triệu chứng nghi ngờ do bệnh thận nên thực hiện xét nghiệm độ lọc cầu thận để có thể chẩn đoán và theo dõi bệnh sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.