Vi chất dinh dưỡng có từ đâu?

Vi chất dinh dưỡng là gì, nguồn gốc vi chất dinh dưỡng từ đâu và làm thế nào để bổ sung vi chất dinh dưỡng chắc hẳn là quan tâm của nhiều người, đặc biệt là bà mẹ đang mang thai và nuôi con.

1. Vi chất dinh dưỡng là gì?

Vi chất dinh dưỡng là các loại vitamin (vitamin A, B, C, D, E, K,...) và khoáng chất (sắt, kẽm, đồng, canxi, phốt pho, i ốt, ...) thiết yếu đối với cơ thể. Mặc dù cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng nếu không chú ý bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển về mặt thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.

Trong cơ thể, vai trò của vi chất dinh dưỡng rất quan trọng bởi chúng tham gia hầu hết các quá trình trao đổi chất diễn ra bên trong. Do đó, thiếu vi chất dinh dưỡng có thể gây ra một số bệnh như còi xương (thiếu vitamin D, canxi), thiếu máu (thiếu sắt), suy dinh dưỡng (thiếu kẽm), bệnh về mắt (thiếu vitamin A), bướu cổ (thiếu i ốt), ....

2. Nguồn gốc vi chất dinh dưỡng

Nguồn gốc vi chất dinh dưỡng được phân thành 2 loại là thực vật và động vật. Đối với nguồn gốc thực vật, chúng ta có thể tìm thấy từng loại vi chất dinh dưỡng cụ thể từ những thực phẩm sau:

  • Vitamin A (beta-caroten): Các loại rau, trái cây có màu đỏ hoặc vàng như cà chua, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài, cam ...) hoặc các loại rau có màu xanh đậm như cải bó xôi, rau ngót, rau muống, bông cải xanh, ...
  • Vitamin C: Các loại rau màu xanh đậm, các loại trái cây họ bưởi như cam, quýt, ngoài ra còn có quả lê, táo. Các loại đậu (đậu nành, đậu xanh, ...) và hạt (đậu phộng, hạnh nhân, hạt điều, ...)
  • Sắt: Các loại rau có màu xanh sẫm, đậu và nấm.
  • Kẽm: Các loại đậu (đậu xanh, đậu nành, ...).
  • Canxi: Rau mồng tơi, rau dền,
  • I ốt: Tảo bẹ, tảo tía, rau chân vịt, rau cần, cải thảo, cải xoong, khoai tây.

Đối với động vật, nguồn gốc vi chất dinh dưỡng có thể đến từ:

  • Vitamin A: Thịt gia cầm, gan động vật, lòng đỏ trứng, ...
  • Vitamin D: Dầu cá, cá, gan động vật, trứng gà, ...
  • Sắt: Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt dê,...), gan động vật, lòng đỏ trứng, cá,...
  • Kẽm: Hải sản (tôm, sò, hàu, cá,...), lươn, gan động vật, các loại thịt đỏ (thịt bò), sữa, lòng đỏ trứng, cá...
  • Canxi: Hải sản (tôm, cua, cá,...), sữa và các chế phẩm từ sữa (phomai, sữa chua,...)
  • I ốt: Hải sản (cua biển, cá biển,...), trứng gà,...

Sắt có trong các loại thịt đỏ, rau xanh
Sắt có trong các loại thịt đỏ, rau xanh

3. Các cách bổ sung vi chất dinh dưỡng

Có 3 cách bổ sung vi chất dinh dưỡng tùy vào tình trạng thiếu hụt:

  • Bổ sung ngắn hạn: Bổ sung trực tiếp bằng đường uống thông qua thực phẩm tổng hợp như viên vitamin A (nhỏ hoặc uống trực tiếp), viên sắt hoặc sắt uống dạng nước, dầu bổ sung i ốt,... Cách bổ sung này được áp dụng với những tình trạng thiếu hụt vi chất nghiêm trọng và xảy ra trong một cộng đồng, quần thể dân cư lớn.
  • Bổ sung trung hạn: Bổ sung gián tiếp bằng đường ăn thông qua thực phẩm được bổ sung vi chất dinh dưỡng như bột mì, muối ăn, nước mắm, .... là những thực phẩm được sử dụng nhiều trong các bữa ăn hàng ngày. Cách bổ sung này được áp dụng nhằm dự phòng tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trên diện rộng vì đơn giản, dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả cao và kết quả duy trì.
  • Bổ sung dài hạn: Bổ sung gián tiếp bằng đường ăn thông qua thực phẩm cung cấp trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Như đã nêu ở trên, nguồn gốc vi chất dinh dưỡng có thể đến từ thực vật và động vật. Cải thiện dinh dưỡng bữa ăn bằng cách tăng cường những loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng là cách dễ áp dụng, đơn giản, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững, cung cấp đa dạng các nhóm chất.

4. Nhu cầu bổ sung vi chất dinh dưỡng của trẻ em dưới 9 tuổi và phụ nữ trưởng thành

Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ về cả thể chất lẫn tinh thần. Dưới đây là nhu cầu cụ thể về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng đối với từng độ tuổi của trẻ cũng như phụ nữ trưởng thành nhằm đảm bảo dinh dưỡng của người mẹ mang thai sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt vi chất của trẻ sau sinh, giảm nguy cơ mắc bệnh.

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 375 mcg vitamin A/ngày, 300 mg canxi/ngày, 90 mcg i ốt/ngày, 0,93 mg sắt/ngày, 2,8 mg kẽm/ngày, 36 mg magie/ngày, 90mg phốt pho/ngày.
  • Trẻ từ 6 đến 11 tháng tuổi: 400mcg vitamin A/ngày, 400 mg canxi/ngày, 90 mcg i ốt/ngày, 12,4 mg sắt/ngày, 4,1 mg kẽm/ngày, 54 mg magie/ngày, 275 mg phốt pho/ngày.
  • Trẻ từ 1 - 3 tuổi: Cần bổ sung vi chất dinh dưỡng là 400 mcg vitamin A/ngày, 500 mg canxi/ngày, 90 mcg i ốt/ngày, 7,7 mg sắt/ngày, 4,1 mg kẽm/ngày, 65 mg magie/ngày, 460 mg phốt pho/ngày.
  • Trẻ từ 4 - 6 tuổi: 450 mcg vitamin A/ngày, 600 mg canxi/ngày, 90 mcg i ốt/ngày, 8,4 mg sắt/ngày, 5,1 mg kẽm/ngày, 76 mg magie/ngày, 500 mg phốt pho/ngày.
  • Trẻ từ 7 - 9 tuổi: 500 mcg vitamin A/ngày, 700 mg canxi/ngày, 90 mcg i ốt/ngày, 11,9 mg sắt/ngày, 5,6 mg kẽm/ngày, 100 mg magie/ngày, 500 mg phốt pho/ngày.
  • Phụ nữ trưởng thành: Cần bổ sung vi chất dinh dưỡng là 500 mcg vitamin A/ngày, 1000 mg canxi/ngày, 150 mcg i ốt/ngày, 39,2 mg sắt/ngày, 4,9 mg kẽm/ngày, 205 mg magie/ngày, 700 mg phốt pho/ngày.

Nguồn gốc vi chất dinh dưỡng có trong tự nhiên, đến từ cả thực vật và động vật. Cải thiện chất lượng dinh dưỡng bữa ăn bằng cách tăng cường các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng là biện pháp phòng ngừa thiếu hụt vi chất hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe