Rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa

Rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa là một nhóm các bất thường trao đổi chất xảy ra đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ và đái tháo đường type 2. Khi mắc phải chứng rối loạn dinh dưỡng và trao đổi chất, người bệnh cần tích cực thay đổi lối sống để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.

1. Nguyên nhân gây ra rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng

Rối loạn chuyển hóa có mối liên kết chặt chẽ với tình trạng thừa cân, béo phì và lối sống tĩnh tại. Theo đó, đề kháng insulin cũng có vai trò trong việc hình thành rối loạn trao đổi chất. Thông thường, hệ tiêu hóa nghiền nhỏ và chuyển hóa thức ăn thành đường. Insulin là một hóc môn từ tuyến tụy giúp vận chuyển đường vào các tế bào của cơ thể để sử dụng. Ở những người đề kháng insulin, tế bào không nhạy trong việc đáp ứng với insulin và phân tử đường không còn được đi vào bên trong tế bào để tiêu thụ. Kết quả là nồng độ đường trong máu tăng cao, dù cho tụy tăng tiết insulin bù trừ.

Dấu hiệu đề kháng insulin
Đề kháng insulin cũng góp phần hình thành rối loạn trao đổi chất

2. Yếu tố nguy cơ của rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng

Rối loạn chuyển hóa thường gặp ở những người có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Tuổi: tần suất mắc phải rối loạn chuyển hóa tăng dần theo tuổi.
  • Chủng tộc: phụ nữ Tây Ban Nha có tần suất gặp phải chứng rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng cao.
  • Béo phì: thừa cân với vòng bụng lớn làm tăng khả năng mắc phải rối loạn chuyển hóa và rối loạn dinh dưỡng.
  • Đái tháo đường: đái tháo đường thai kỳ hoặc tiền sử gia đình có người thân mắc đái tháo đường type 2 cũng là những yếu tố nguy cơ hàng đầu.
  • Một số bệnh lý khác: nguy cơ gặp phải chứng rối loạn chuyển hóa tăng cao hơn nếu người bệnh mắc một số bệnh lý nội khoa như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, hội chứng buồng trứng đa nang.

3. Dấu hiệu nhận biết rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng

Hầu hết các bất thường liên quan đến rối loạn dinh dưỡng không biểu hiện rõ ràng trên lâm sàng. Đặc điểm nổi bật nhất là chu vi vòng bụng lớn. Nếu đường máu tăng cao, người bệnh có thể có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường như uống nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi, nhìn mờ.

Nếu nhận ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ có liên quan đến rối loạn chuyển hóa, người bệnh nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho việc chẩn đoán và điều trị.

Khám bệnh
Người bệnh nên tiến hành thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường

4. Biến chứng của rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng

Rối loạn chuyển hóa và trao đổi chất là tiền đề cho việc mắc phải các bệnh lý sau:

  • Đái tháo đường type 2: Nếu không thay đổi lối sống để kiểm soát cân nặng, tình trạng đề kháng insulin sẽ xuất hiện và dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2.
  • Bệnh lý tim mạch: tăng cholesterol máu hay tăng huyết áp có thể đóng góp trong việc hình thành nhiều mảng xơ vữa bên trong lòng động mạch. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch, gây chít hẹp lòng mạch dẫn đến thiếu máu cơ timtai biến mạch máu não.

5. Chẩn đoán rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng

Hội chứng rối loạn chuyển hóa được xác lập khi người bệnh có ít nhất 3 trong số các đặc điểm sau, bao gồm:

  • Tăng chu vi vòng bụng: vòng bụng trên 89cm đối với nữ và trên 102cm đối với nam là mức tăng có ý nghĩa.
  • Tăng triglyceride máu: triglyceride máu > 1,7mmol/L hoặc > 150mg/dL
  • Giảm HDL cholesterol: HDL được xem là loại cholesterol có lợi cho cơ thể, < 1.04mmol/L (40mg/dL) ở nam và <1.3mmol/L (50mg/dL) ở nữ.
  • Tăng huyết áp: giá trị huyết áp đo tại nhà >130/85 mmHg
  • Tăng đường máu >5,6 mmol/L hoặc >100 mg/dL
Phẫu thuật giảm cân
Chu vi vòng bụng tăng bất thường là một trong những nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa

6. Phòng ngừa rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng

Một lối sống lành mạnh cần được duy trì trong thời gian dài để ngăn không để rối loạn chuyển hóa xuất hiện. Các biện pháp được chứng minh mang lại hiệu quả bao gồm:

  • Luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tranh thủ vận động nhiều nhất có thể như đi bộ đến nơi làm việc, hạn chế sử dụng thang máy.
  • Duy trì chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên vỏ. Lựa chọn thịt nạc và hạn chế mỡ trong khẩu phần ăn.
  • Giới hạn lượng đường và muối trong các bữa ăn.
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Giảm từ 7% đến 10% cân nặng có thể giảm nguy cơ mắc phải tình trạng đề kháng insulin, tăng huyết áp và đái tháo đường.
  • Không hút thuốc lá và sử dụng đồ uống chứa cồn
  • Tránh lối sống căng thẳng, nhiều áp lực.

Rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Vì thế, khi mắc phải chứng rối loạn dinh dưỡng và trao đổi chất, người bệnh cần tích cực thay đổi lối sống để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Nguồn tham khảo: healthline.com, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan