Thanh long là một loại trái cây nhiệt đới giàu giá trị dinh dưỡng. Nhiều bằng chứng cho thấy loại quả này có thể mang đến nhiều lợi ích sức khỏe đáng quý, chẳng hạn như bổ sung chất chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư và tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch cho cơ thể.
1. Tìm hiểu về quả thanh long
Thanh long là một loại quả mọc trên cây xương rồng Hylocereus, hay còn được gọi là nữ hoàng Honolulu – một loài cây có hoa chỉ nở vào ban đêm. Cây thanh long có nguồn gốc từ Trung Mỹ và miền nam Mexico. Hiện nay, quả thanh long được trồng chủ yếu ở các vùng nhiệt đới trên thế giới.
Nhìn bên ngoài, quả thanh long có màu hồng với những chiếc lá xanh trông giống như gai mọc lên thân quả. Phần ruột thanh long thường có màu trắng hoặc đỏ cùng với những hạt màu đen điểm xuyết.
Mặc dù quả thanh long có thể trông khá kỳ lạ, nhưng hương vị của nó rất đặc trưng. Một số người đã mô tả hương vị của thanh long là sự giao thoa giữa quả kiwi, dưa hấu và lê.
2. Giá trị dinh dưỡng của quả thanh long
Trong quả thanh long có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng quý giá với cơ thể. Nó được xem là một nguồn cung cấp các chất xơ, sắt và magie vô cùng tuyệt vời.
Theo nghiên cứu, cứ khoảng 100 gram thanh long sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng gồm:
- Calo: 60 gram;
- Carbs: 13 gram;
- Chất đạm: 1,2 gram;
- Chất xơ: 3 gram;
- Chất béo: 0 gram;
- Magie: 10% RDI;
- Sắt: 4% RDI;
- Vitamin C: 3% RDI.
Với hàm lượng magie và chất xơ dồi dào và calo cực thấp, quả thanh long được xem là một loại trái cây giàu giá trị dinh dưỡng và đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ tổng thể cho người sử dụng.
Ăn quả thanh long mỗi ngày sẽ giúp bạn bổ sung một số chất chống oxy hoá quan trọng, bảo vệ tế bào của cơ thể khỏi những phân tử không ổn định và từ đó ngăn ngừa một số nguy cơ mắc bệnh mãn tính và lão hoá.
Một số chất chống oxy hóa chính có trong ruột thanh long, bao gồm:
- Flavonoid: Đây là một nhóm chất chống oxy hóa rất đa dạng, có tác dụng tăng cường sức khỏe não bộ và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
- Hydroxycinnamates: Nhóm chất chống oxy hoá này được chứng minh là có hoạt tính chống lại căn bệnh ung thư.
- Betalains: Có chủ yếu trong phần ruột của quả thanh long đỏ. Những sắc tố màu đỏ đậm này có tác dụng trong việc bảo vệ các cholesterol xấu LDL của cơ thể khỏi nguy cơ bị hư hỏng hoặc oxy hoá.
3. Một số lợi ích sức khỏe tiềm năng của quả thanh long
Có nhiều người thắc mắc “Ăn quả thanh long có tốt không?”, thực tế cho thấy, việc bổ sung quả thanh long vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng, bao gồm:
- Thanh long rất giàu chất chống oxy hoá, chẳng hạn như flavonoid, betacyanin và axit phenolic. Những hợp chất tự nhiên này giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi bị tổn thương bởi các gốc tự do – những phân tử có thể dẫn đến lão hoá sớm và các bệnh như ung thư.
- Quả thanh long có chứa nhiều chất xơ và không có chất béo. Do đó, bạn có thể lựa chọn thanh long làm bữa ăn nhẹ để tăng cảm giác no lâu hơn giữa các bữa ăn.
- Ăn quả thanh long giúp bạn làm giảm được lượng đường trong máu một cách hiệu quả. Một số nghiên cứu gần đây cho biết thanh long có thể thay thế các tế bào bị hư hỏng trong tuyến tụy. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường nên bổ sung thêm quả thanh long vào chế độ ăn uống của mình nhằm hỗ trợ việc quản lý lượng đường huyết tối đa nhất.
- Quả thanh long có chứa các prebiotics, giúp cung cấp các lợi khuẩn (probiotics) trong đường ruột. Khi cơ thể càng có nhiều prebiotics sẽ càng hỗ trợ đắc lực cho việc cải thiện sự cân bằng giữa các vi khuẩn tốt và xấu trong hệ tiêu hoá. Ăn quả thanh long mỗi ngày sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của các lợi khuẩn như bifidobacteria và lactobacilli. Những vi khuẩn sinh sống tại đường ruột này có thể tiêu diệt được các loại vi rút và vi khuẩn gây bệnh cho cơ thể, đồng thời giúp tiêu hoá thức ăn hiệu quả.
- Đặc biệt, ăn quả thanh long giúp tăng cường chất sắt vào cơ thể. Sắt đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy đến khắp các nơi của cơ thể, đồng thời cung cấp nguồn năng lượng cho bạn. Quả thanh long không chỉ giàu chất sắt mà còn là một nguồn vitamin C dồi dào, giúp hỗ trợ cơ thể hấp thụ và sử dụng sắt hiệu quả.
4. Ăn quả thanh long có an toàn không?
Nhìn chung, ăn quả thanh long là an toàn đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp hiếm hoi bị dị ứng thanh long. Các triệu chứng dị ứng do ăn quả thanh long thường bao gồm sưng lưỡi, nôn mửa và phát ban.
Nếu bạn ăn nhiều thanh long đỏ thì nó có thể khiến cho nước tiểu của bạn chuyển màu hồng hoặc đỏ. Những triệu chứng này không phải là điều đáng lo ngại, nước tiểu của bạn sẽ trở lại với màu sắc bình thường sau khi trái cây được đào thải ra khỏi cơ thể.
5. Cách chế biến quả thanh long
Trước khi mua quả thanh long, bạn hãy bóp nhẹ để kiểm tra, thanh long chín thường không quá mềm hoặc nhão. Bạn nên tránh chọn các quả có lá khô hoặc vết thâm vì đây là những dấu hiệu cho thấy quả đã quá chín. Trường hợp cảm thấy cứng khi ấn vào thì bạn nên để một vài ngày cho quả chín trước khi ăn.
Thanh long chỉ có thể ăn phần thịt và bỏ vỏ. Bạn có thể kết hợp thanh long với các món salad trái cây kèm theo những loại quả nhiệt đới khác như xoài hoặc dứa. Ngoài ra, nước ép thanh long cũng có thể là một lựa chọn lý tưởng khác dành cho bạn.
Đối với phần thanh long còn dư lại sau khi ăn thì bạn có thể bảo quản chúng trong tủ lạnh tối đa 5 ngày hoặc đông lạnh tối đa 3 tháng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com