Hội chứng kém hấp thu xảy ra như thế nào?

Cơ thể sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng và vitamin khi bạn ăn những thực phẩm lành mạnh. Tuy nhiên, cơ thể không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng này khi bạn mắc hội chứng kém hấp thu. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như đầy hơi, đặc biệt là tiêu chảy.

Quan trọng hơn, nếu bệnh nhân mắc hội chứng kém hấp thu không được điều trị kịp thời và phù hợp, người bệnh có nguy cơ cao xảy ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm nhiễm trùng và gãy xương.

1. Hội chứng kém hấp thu là gì?

Vai trò chính của ruột non là hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm bạn tiêu thụ vào máu. Hội chứng kém hấp thu đề cập đến một số rối loạn trong đó ruột non không thể hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng và chất lỏng nhất định.

Các chất dinh dưỡng mà ruột non thường gặp khó khăn trong việc hấp thụ có thể là chất dinh dưỡng đa lượng (protein, carbohydrate và chất béo), vi chất dinh dưỡng (vitamin và khoáng chất) hoặc cả hai.

2. Nguyên nhân của hội chứng kém hấp thu

Thông thường, cơ thể bạn hấp thụ hầu hết các chất dinh dưỡng vào máu qua thành ruột non khi thức ăn được tiêu hóa thông qua hệ thống tiêu hóa. Sau đó, máu sẽ mang các chất dinh dưỡng, chẳng hạn như protein hoặc canxi đến xương, cơ và các cơ quan khác.

Rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng kém hấp thu, từ một số bệnh đến nhiễm trùng hoặc dị tật bẩm sinh.

Các yếu tố có thể gây ra hội chứng kém hấp thu bao gồm:

  • Tổn thương ruột do nhiễm trùng, viêm, chấn thương hoặc phẫu thuật
  • Sử dụng kháng sinh trong thời gian dài
  • Mắc các tình trạng khác như bệnh celiac, bệnh Crohn, viêm tụy mãn tính hoặc xơ nang
  • Thiếu hụt lactase hoặc không dung nạp lactose
  • Mắc một số khuyết tật bẩm sinh hoặc xuất hiện sau khi sinh, chẳng hạn như chứng mất mật khi đường mật không phát triển bình thường và ngăn cản dòng chảy của mật từ gan
  • Bệnh về túi mật, gan hoặc tuyến tụy
  • Bệnh ký sinh trùng
  • Tổn thương niêm mạc ruột do xạ trị
  • Một số loại thuốc có thể làm tổn thương niêm mạc ruột, chẳng hạn như tetracycline, colchicine hoặc cholestyramine.

Khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột non có nghĩa là bạn có ít diện tích bề mặt hơn ở phần ruột non còn lại để hấp thụ chất dinh dưỡng.

Ruột non 1
Khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột non có nghĩa là bạn có ít diện tích bề mặt hơn ở phần ruột non còn lại để hấp thụ chất dinh dưỡng

Và đối với bệnh nhân Celiac có thể làm tổn thương các thành của đường ruột, khiến các chất dinh dưỡng khó hấp thụ vào máu hơn.

Hội chứng kém hấp thu cũng có thể do các vấn đề tiêu hóa gây ra. Dạ dày của bạn có thể không sản xuất được các enzym cần thiết để tiêu hóa một số loại thức ăn. Hoặc cơ thể bạn không thể trộn thức ăn được tiêu thụ với các enzym và axit do dạ dày tạo ra.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác không phổ biến có thể dẫn đến hội chứng kém hấp thu. Một trong số đó được gọi là hội chứng ruột ngắn (SBS).

Với những bệnh nhân mắc SBS, ruột non ngắn lại. Điều này làm cho khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của ruột trở nên kém đi. SBS có thể là một dị tật bẩm sinh hoặc có thể do phẫu thuật.

Một số yếu tố khác có thể gây ra chứng hội chứng kém hấp thu, bao gồm nấm nhiệt đới một tình trạng phổ biến nhất ở Caribê, Ấn Độ và các nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Bệnh này có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, chẳng hạn như độc tố trong thực phẩm, nhiễm trùng hoặc ký sinh trùng.

Một nguyên nhân tiềm ẩn thậm chí hiếm hơn gây ra tình trạng kém hấp thu là bệnh Whipple do nhiễm vi khuẩn.

3. Các yếu tố nguy cơ của hội chứng kém hấp thu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng kém hấp thu, bao gồm:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh xơ nang hoặc kém hấp thu
  • Uống nhiều rượu
  • Đã từng phẫu thuật ruột
  • Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm thuốc nhuận tràng hoặc dầu khoáng
  • Du lịch đến Caribe, Ấn Độ và các khu vực khác của Đông Nam Á

4. Các triệu chứng của hội chứng kém hấp thu

Kém hấp thu gây khó chịu ở bụng, bao gồm khí và đầy hơi.Tiêu chảy mãn tính (hoặc liên tục) là một dấu hiệu rất phổ biến của hội chứng kém hấp thu. Bạn nên liên hệ bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng trên.

Các triệu chứng của hội chứng kém hấp thu được gây ra khi các chất dinh dưỡng không được hấp thụ sẽ đi qua đường tiêu hóa.

Nhiều triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào chất dinh dưỡng cụ thể hoặc chất dinh dưỡng không được hấp thụ đúng cách. Các triệu chứng khác là kết quả của sự thiếu hụt chất dinh dưỡng đó, gây ra bởi khả năng hấp thụ kém.

Bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau nếu bạn không thể hấp thụ chất béo, chất đạm hoặc một số loại đường hay vitamin:

  • Chất béo: Bạn có thể đi tiêu ra phân có có màu sáng, mùi hôi, mềm. Phân khó xả và có thể nổi hoặc dính vào thành bồn cầu.
  • Chất đạm: Bạn có thể bị khô tóc, rụng tóc hoặc giữ nước. Giữ nước còn được gọi là phù nề và sẽ có biểu hiện như sưng tấy.
  • Một số loại đường: Bạn có thể bị đầy hơi, khí hoặc tiêu chảy.
  • Một số loại vitamin: Bạn có thể bị thiếu máu, suy dinh dưỡng, huyết áp thấp, giảm cân hoặc suy nhược cơ thể
  • Phát ban da có vảy

Tình trạng kém hấp thu có thể ảnh hưởng đến mọi người dựa trên độ tuổi hoặc giới tính. Ví dụ, phụ nữ có thể ngừng kinh nguyệt và trẻ em có thể không phát triển bình thường. Cân nặng hoặc tốc độ tăng cân của trẻ có thể thấp hơn đáng kể với những trẻ khác ở cùng độ tuổi và giới tính.

Một dấu hiệu khác của chứng kém hấp thu ở trẻ là chúng có thể tránh tiêu thụ một số loại thức ăn.

Rụng tóc
Nếu bạn kém hấp thu chất đạm bạn có thể bị khô tóc, rụng tóc

5. Các biến chứng do hội chứng kém hấp thu

Nếu cơ thể bạn không nhận được vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác cần thiết để duy trì hoạt động và phát triển, bạn có thể bị các biến chứng nghiêm trọng. Khi tình trạng này không được điều trị, hội chứng kém hấp thu có thể dẫn đến một số nguy cơ sau:

  • Khả năng nhiễm trùng cao hơn
  • Loãng xương (mật độ xương thấp), làm tăng nguy cơ gãy xương
  • Trẻ em chậm lớn và tăng cân

Một số chất dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin A và kẽm rất cần thiết cho một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và sự phát triển thích hợp. Nếu cơ thể bạn không hấp thụ những vitamin và khoáng chất quan trọng khác, sức khỏe của bạn có thể bị ảnh hưởng.

6. Đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng kém hấp thu

Trẻ em bị cúm dạ dày nặng có thể có nhiều khả năng bị hội chứng kém hấp thu trong thời gian ngắn hơn.

Bạn có thể không cần điều trị cho một vấn đề ngắn hạn. Hội chứng kém hấp thu đang diễn ra có nhiều khả năng xảy ra nếu bạn mắc một trong các bệnh tiêu hóa sau:

  • Bệnh xơ nang (cơ thể bạn tạo ra chất nhầy dày gây cản trở hoạt động của phôi và hệ tiêu hóa)
  • Bệnh celiac
  • Bệnh crohn (tình trạng viêm do rối loạn này khiến ruột của bạn khó hấp thụ chất dinh dưỡng hơn)

Một số yếu tố khác có thể làm tăng khả năng mắc hội chứng:

  • Đang dùng thuốc nhuận tràng hoặc dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài.
  • Phẫu thuật đường ruột
  • Đi du lịch đến những nơi được biết đến với ký sinh trùng đường ruột
Uống thuốc đều đặn
Nếu bạn đang dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc kháng sinh lâu ngày, bạn có thể có nguy cơ mắc hội chứng kém hấp thu

7. Chẩn đoán hội chứng kém hấp thu

Khi bác sĩ nghi ngờ bạn mắc hội chứng kém hấp thu, bạn cần cung cấp cho bác sĩ biết các triệu chứng mà bạn gặp phải chẳng hạn như tiêu chảy mãn tính hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng hay sụt cân đáng kể mặc dù đã ăn uống một cách lành mạnh và các loại thực phẩm bạn ăn.

Bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Chúng bao gồm:

  • Kiểm tra phân: Quá nhiều chất béo trong phân của bạn có thể có nghĩa là bạn mắc hội chứng kém hấp thu. Đây là phương pháp xét nghiệm đáng tin cậy
  • Kiểm tra hơi thở bằng hydro lactose: Bác sĩ có thể xem mức độ hấp thụ chất dinh dưỡng của bạn bằng cách đo lượng hydro trong hơi thở sau khi bạn uống dung dịch đường sữa (lactose).
  • Kiểm tra hơi thở: Xét nghiệm này có thể được sử dụng để kiểm tra tình trạng không dung nạp lactose. Nếu lactose không được hấp thụ, nó sẽ đi vào ruột kết. Vi khuẩn trong ruột kết phân hủy đường lactose và tạo ra khí hydro. Lượng hydro dư thừa sẽ được hấp thụ từ ruột, vào máu và sau đó vào phổi của bạn. Sau đó, bạn sẽ thở ra khí. Nếu bạn có khí hydro trong hơi thở sau khi uống một sản phẩm có chứa lactose, bạn có thể bị chứng không dung nạp lactose.
  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm này đo mức độ các chất dinh dưỡng cụ thể có trong máu, chẳng hạn như vitamin B12, vitamin D, folate, sắt, canxi, caroten, phốt pho, albumin và protein. Thiếu một trong những chất dinh dưỡng này không có nghĩa là bạn mắc hội chứng kém hấp thu hay là bạn không chọn thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng hợp lý. Mức bình thường của các chất dinh dưỡng này cho thấy rằng kém hấp thu không phải là vấn đề.
  • Xét nghiệm mồ hôi: Thực hiện nghiên cứu một mẫu mồ hôi có thể giúp chẩn đoán bệnh xơ nang. Một trong những ảnh hưởng của căn bệnh này chính là thiếu các enzym để tiêu hóa thức ăn đúng cách.
  • Sinh thiết ruột non: một mẫu mô nhỏ được lấy từ bên trong ruột non và nghiên cứu để xem liệu nó có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác hay không. Sinh thiết có thể sẽ được thực hiện bằng nội soi. Một ống được đưa vào miệng và được đưa qua thực quản, dạ dày và vào ruột non để lấy một mẫu tế bào nhỏ.
  • Nội soi: Bác sĩ sử dụng một ống mềm, dài có gắn camera để kiểm tra ruột của bạn.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: Những xét nghiệm này nhằm chụp ảnh hệ tiêu hóa của bạn để tìm các vấn đề về cấu trúc. Ví dụ: bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT để tìm sự dày lên của thành ruột non, đây có thể là dấu hiệu của bệnh Crohn.
Xét nghiệm hơi thở
Xét nghiệm hơi thở có thể được sử dụng để kiểm tra tình trạng không dung nạp lactose

8. Điều trị hội chứng ruột kém hấp thu

Điều trị hội chứng kém hấp thu tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.

Bạn có thể được áp dụng một chế độ ăn kiêng đặc biệt gồm các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn. Bạn cũng có thể được cung cấp các chất bổ sung để bù đắp các chất dinh dưỡng không được hấp thụ tốt. Đồng thời theo dõi tình trạng của người bệnh để tìm các dấu hiệu mất nước, có thể bao gồm tăng cảm giác khát, lượng nước tiểu giảm, khô miệng, khô da hoặc lưỡi.

Đôi khi nguyên nhân của hội chứng kém hấp thu là do đường ruột hoạt động quá mạnh. Thuốc có thể được kê đơn để giúp cơ thể thư giãn và có nhiều thời gian hơn để các chất dinh dưỡng đi vào máu.

Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê cho bạn đơn thuốc kháng sinh.

Bác sĩ có thể sẽ bắt đầu điều trị bằng cách giải quyết các triệu chứng như tiêu chảy. Các loại thuốc như loperamide có thể sẽ đem lại hữu ích.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc dựa trên nguyên nhân của vấn đề hấp thụ. Ví dụ, nếu bạn bị phát hiện không dung nạp lactose, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn tránh sữa và các sản phẩm từ sữa khác hoặc dùng viên men lactase. Đối với những trường hợp này, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến gặp chuyên gia dinh dưỡng. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ lập một kế hoạch điều trị để giúp đảm bảo rằng bạn đang nhận được các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyên bạn thực hiện những điều sau đây:

  • Chất bổ sung enzyme: Những chất bổ sung này có thể giúp cơ thể bạn hấp thụ các chất dinh dưỡng mà nó không thể tự hấp thụ được.
  • Thuốc bổ sung vitamin: Chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyên bạn nên bổ sung vitamin liều cao hoặc các chất dinh dưỡng khác để bù đắp cho những chất không được ruột hấp thụ.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Chuyên gia dinh dưỡng có thể điều chỉnh chế độ ăn uống để tăng hoặc giảm một số loại thực phẩm hoặc chất dinh dưỡng. Ví dụ, có thể bạn nên tránh thực phẩm giàu chất béo để giảm tiêu chảy và tăng cường thực phẩm giàu kali để giúp cân bằng điện giải.

Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp lập một kế hoạch điều trị để kiểm soát các triệu chứng do hội chứng kém hấp thu gây ra và cho phép cơ thể bạn nhận được các chất dinh dưỡng và chất lỏng cần thiết để cơ thể hoạt động bình thường.

Thuốc kháng sinh
Nếu nguyên nhân hội chứng kém hấp thu là do nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê cho bạn đơn thuốc kháng sinh

9. Phòng ngừa hội chứng ruột kém hấp thu

Hội chứng kém hấp thu không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được, đặc biệt nếu bạn bị bệnh celiac, xơ nang hoặc các bệnh mãn tính khác. Tình trạng mãn tính là tình trạng liên tục và kéo dài trong một thời gian dài, từ vài tháng đến suốt đời.

Tuy nhiên, bạn nên phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để kiểm soát các bệnh này càng nhiều càng tốt. Bạn nên sử dụng thuốc nhuận tràngkháng sinh một cách cẩn thận và chỉ khi thực sự cần thiết.

Nếu bạn được áp dụng một chế độ ăn kiêng đặc biệt giàu chất dinh dưỡng mà cơ thể cần, hãy hỏi ý kiến từ bác sĩ, y tá hoặc chuyên gia dinh dưỡng nếu có bất cứ thắc mắc nào.

Quý khách vui lòng theo dõi website (www.vinmec.com) để có thêm thông tin hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe sẽ được chúng tôi cập nhật thường xuyên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan