Có nhiều loại gạo lứt khác nhau. Việc thay đổi chế độ ăn với nhiều loại gạo lứt sẽ cung cấp thêm nhiều dưỡng chất cần thiết cho các thành viên trong gia đình.
1. Gạo lứt là gì?
Gạo lứt là loại gạo trắng nhưng vẫn còn nguyên lớp cám bên ngoài. Lớp cám này có nhiều dưỡng chất nên gạo lứt được coi là lựa chọn lành mạnh hơn so với gạo trắng. Gạo lứt ăn có tác dụng gì? Loại gạo này giúp giảm cholesterol xấu, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, cải thiện hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa ung thư. Gạo lứt giúp cải thiện sức khỏe một cách tự nhiên.
XEM THÊM: Ăn gạo lứt có tốt và có giảm cân không?
Có bao nhiêu loại gạo lứt? Có nhiều loại gạo lứt mà người dùng có thể lựa chọn để thêm vào trong thực đơn dinh dưỡng của gia đình mình. Đó là gạo lứt huyết rồng, gạo lứt hữu cơ, gạo lứt tím than, gạo lứt nếp, gạo lứt đen,... Các loại gạo này giúp thực đơn mỗi ngày của gia đình thêm phong phú và bắt mắt hơn.
2. Gạo lứt có mấy loại?
Có các tiêu chí phân loại gạo lứt như sau:
2.1 Phân loại theo chất gạo
Gồm có gạo lứt tẻ và gạo lứt nếp.
Gạo lứt tẻ
Giống với các loại gạo nấu cơm hằng ngày và chỉ có điểm khác là gạo lứt vẫn còn lớp cám màu ngà bên ngoài. Gạo lứt tẻ có nhiều loại khác nhau: Gạo lứt hạt ngắn, gạo lứt hạt vừa và gạo lứt hạt dài.
Khi nấu cơm gạo lứt tẻ, cần ngâm gạo trước để rút ngắn thời gian nấu và giúp tiêu hóa dễ hơn. Khi nấu, cần vo gạo kỹ, đổ nước vào nồi cơm với tỷ lệ nước : gạo là 2:1. Sau đó bật nồi ở chế độ nấu gạo lứt. Cách nấu từng loại gạo lứt như sau:
- Gạo lứt hạt ngắn là các hạt nhỏ, có kết cấu khá dính khi nấu chín (phù hợp với các món tráng miệng hoặc bánh gạo). Gạo cần ngâm qua đêm, thời gian nấu khoảng 25 phút;
- Gạo lứt hạt vừa có hạt to và đầy đặn hơn so với loại hạt nhỏ. Khi nấu chín, cơm ẩm và mềm hơn nên loại gạo này thích hợp dùng cho các món súp hay món ăn phụ. Để chế biến, cần ngâm gạo ít nhất 4 giờ, nấu trong khoảng 15 - 20 phút;
- Gạo lứt hạt dài là loại gạo lứt quen thuộc nhất, hơi cứng hơn gạo thường. Gạo lứt hạt dài được sử dụng trong nhiều món ăn, đặc biệt là cơm. Gạo cần nấu trong khoảng 45 phút.
Gạo lứt nếp
Gạo lứt nếp có nguồn gốc từ các giống nếp khác nhau như nếp hương, nếp cái hoa vàng, nếp than, nếp ngỗng,... Gạo thường dẻo, có thể dùng nấu xôi, chè hoặc làm bánh. Gạo lứt nếp cũng có thể dùng để nấu rượu nếp.
XEM THÊM: Các loại gạo khác nhau và cách sử dụng phù hợp
2.2 Phân loại theo màu sắc
Gạo lứt thường có 3 màu chính là trắng ngà, đỏ và đen. Màu sắc của gạo do lớp vỏ cám bên ngoài quyết định. Cụ thể:
Gạo lứt trắng
Đây là loại gạo được sản xuất nhiều nhất, thích hợp với nhiều đối tượng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Gạo chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Gạo lứt đỏ
Gạo thường có màu đỏ nâu và khi nấu chín khá dẻo. Gạo lứt đỏ có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như vitamin B1, vitamin A, chất xơ, lipid,... Loại lương thực này thích hợp với người có nhu cầu dinh dưỡng cao như người lớn tuổi, người ăn chay, bệnh nhân đái tháo đường,...
Khi mua gạo lứt đỏ, cần phân biệt loại gạo này với gạo huyết rồng vì tác dụng của chúng khác nhau. Chỉ số đường huyết của gạo lứt đỏ ở mức trung bình, không làm đường huyết tăng cao sau ăn. Ngược lại, chỉ số đường huyết của gạo huyết rồng khá cao nên nó không thích hợp với bệnh nhân tiểu đường.
Gạo lứt đen
Gạo lứt đen (gạo lứt tím than) có chứa nhiều chất xơ và hợp chất thực vật tốt cho sức khỏe, đồng thời rất ít đường. Bên cạnh đó, gạo lứt đen còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa bệnh ung thư và tim mạch. Do đó, đây là loại lương thực rất lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
Có nhiều loại gạo lứt khác nhau và chúng đều rất giàu dưỡng chất. Các gia đình nên đa dạng hóa loại lương thực này trong thực đơn hằng ngày để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: livestrong.com, saveur.com