Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Gãy xương là tình trạng thương tổn làm mất tính liên tục của xương do nguyên nhân có thể do chấn thương hoặc do bệnh lý. Mất tính liên tục hoàn toàn gọi là gãy xương hoàn toàn, mất tính liên tục không hoàn toàn gọi là gãy xương không hoàn toàn.
1. Dấu hiệu gãy xương có gì đặt biệt?
Các dấu hiệu của gãy xương phụ thuộc vào xương cụ thể và mức độ nghiêm trọng của chấn thương, nhưng có thể bao gồm các dấu hiệu sau:
Ba dấu hiệu chắc chắn gãy xương: chỉ cần 1 dấu hiệu cũng có thể chẩn đoán được gãy xương
- Biến dạng: Chiều dài xương của vùng gãy ngắn hơn so với chiều dài tuyệt đối của xương bên lành hoặc bị xương bị lệch trục.
- Cử động bất thường: vùng xương gãy sẽ có những cử động sai hoặc không thể cử động.
- Tiếng lạo xạo: Được cảm nhận từ các ngón tay của người khám khi ấn vào vùng xương gãy, nếu khám có dấu hiệu sẽ cho phép khẳng định là gãy xương nhưng thực tế không nên tìm dấu hiệu này vì gây đau đớn thậm chí làm tổn thương thêm phần mềm xung quanh.
Ba dấu hiệu không chắc chắn gãy xương
- Đau: sau khi bị gãy xương bệnh nhân thấy đau chói tại chỗ gãy
- Hạn chế hoặc mất vận động vùng xương gãy.
- Sưng, vết bầm tím: Vùng gãy sưng nề, càng đến muộn càng sưng nhiều và có thể kèm theo các nốt phồng thanh huyết.
Ngoài gãy xương, cần chú ý biến chứng và các tổn thương kèm theo như mạch máu, thần kinh (đa chấn thương).
Các dấu hiệu gãy xương bằng hình ảnh.
- Trên phim X quang chụp theo hai bình diện (tư thế khác nếu cần), lấy cả hai khớp của một thân xương; chụp cắt lớp cổ điển hoặc cộng hưởng từ (ít dùng) với các gãy phức tạp... đã cho thấy vị trí gãy, đường gãy, các di lệch.
- Cần chú ý đến các tổn thương sụn khớp, mô mềm.
2. Phân loại gãy xương
Các loại gãy xương khác nhau bao gồm:
- Gãy cành tươi: Xương gãy không hoàn toàn, thường thấy ở trẻ con do xương còn mềm dẻo hơn xương người lớn.
- Gãy nhiều mảnh: Xương bị vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, thường loại gãy này xương liền với tốc độ chậm hơn bình thường.
- Gãy xương kín: Phần da bên ngoài ổ gãy xương còn nguyên vẹn.
- Gãy xương hở: Phần da bên ngoài bị thủng, có thể do đầu xương gãy đâm ra da hoặc lực gây chấn thương làm rách da. Nguy cơ nhiễm khuẩn của loại gãy hở này cao hơn bình thường.
- Gãy xương bệnh lý: xương bị yếu do bệnh có sẵn như loãng xương hay ung thư.
- Gãy mảnh nhỏ xương do co giật cơ: Các thớ cơ bám chặt vào xương bằng tổ chức đặc biệt gọi là gân. Khi cơ co thắt mạnh làm giật gân ra khỏi xương kèm theo mảnh nhỏ xương bám vào. Hiện tượng này hay xảy ra ở vùng khớp gối và khớp vai.
- Gãy xương kiểu nén ép: Xảy ra khi hai xương va chạm nhau, hay thấy ở các đốt xương sống, khi ấn xương gãy bị ép ngắn lại.
3. Biến chứng gãy xương
Các vấn đề khác do gãy xương có thể bao gồm:
- Mất máu - xương có nguồn cung cấp máu phong phú. Một vết thương xấu có thể khiến bạn mất một lượng máu lớn.
- Chấn thương các cơ quan, mô hoặc cấu trúc xung quanh - ví dụ não có thể bị tổn thương do gãy xương sọ. Các cơ quan ngực có thể bị thương nếu gãy xương sườn.
- Sự phát triển chậm chạp của xương - nếu xương dài của trẻ bị gãy gần khớp nơi tìm thấy các mảng tăng trưởng.
Nếu có biểu hiện về vấn đề gãy xương hãy đi khám để được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách và phục hồi chức năng tích cực điều đó sẽ mang lại hiệu quả khả quan nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.