Đã đến lúc bỏ thuốc lá!

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Bác sĩ Hồi Sức cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong Hồi Sức cấp cứu.

Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe của người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh. Nhận biết được sự nguy hiểm này, nhiều người đã ý thức và tiến hành cai nghiện thuốc lá. Các thông tin dưới đây có thể giúp ích cho bạn trong việc cai thuốc hiệu quả.

1. Thuốc lá có tác hại gì?

Thuốc lá được cho là nguyên nhân gây tử vong ở phụ nữ. Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất mà thuốc lá gây ra là ung thư phổi. Ung thư phổi gây tử vong ở phụ nữ nhiều hơn các loại ung thư khác, kể cả ung thư vú và ung thư buồng trứng. Một bệnh tật khác cũng liên quan đến thuốc lá là bệnh tim - hiện tại đang là thủ phạm số một gây ra cái chết của nhiều phụ nữ Mỹ. Tuổi thọ ở phụ nữ thấp hơn ở những người hút thuốc lá, trung bình thấp hơn khoảng 12 năm.

2. Hút thuốc lá ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?

2.1 Ảnh hưởng với người hút thuốc lá

Với mỗi điếu thuốc, cơ thể tiếp xúc hơn 7000 loại hóa chất khác nhau. Hàng trăm hóa chất trong số đó là hóa chất độc hại. Có khoảng 70 chất gây ung thư. Các hóa chất trong khói thuốc lá di chuyển từ phổi đến các mạch máu. Máu trong động mạch lại mang các hóa chất này đến khắp các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, hút thuốc dù chỉ một điếu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phụ nữ hút thuốc nhìn già hơn và có xu hướng phát triển nếp nhăn sớm hơn những người không hút thuốc. Khói thuốc lá có thể làm thay đổi màu sắc trên răng, móng tay và ngón tay của người hút thuốc. Da người hút thuốc cũng thường nhợt nhạt hơn do quá trình oxy hóa xảy ra khi khói xâm nhập vào cơ thể. Tất cả những yếu tố trên đều ảnh hưởng tiêu cực đến ngoại hình và thể chất của người hút.


Với mỗi điếu thuốc, cơ thể tiếp xúc hơn 7000 loại hóa chất khác nhau
Với mỗi điếu thuốc, cơ thể tiếp xúc hơn 7000 loại hóa chất khác nhau

2.2 Ảnh hưởng tới người hút thuốc lá thụ động

Những người không hút thuốc nhưng thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc cũng tăng khả năng gặp các vấn đề sức khỏe. Ở trẻ em, khói thuốc lá có liên quan đến các bệnh hen suyễn và các nhiễm khuẩn ở phổi như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ cao mắc hội chứng đột tử (SIDS).

Xem thêm: Báo động: Ảnh hưởng của hút thuốc lá thụ động tới sức khỏe trẻ em

3. Những lý do nên bỏ thuốc lá

Bỏ thuốc lá là điều bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Ngoài ra, còn có các lý do sau:

  • Bạn sẽ trông xinh đẹp và giàu năng lượng hơn
  • Răng, bàn tay, móng tay không còn nhuộm màu thuốc lá
  • Bỏ thuốc lá là một cách để tránh tiêu tiền vào những thói quen có hại
  • Không bao giờ lo lắng về việc hết thuốc
  • Mùi thuốc lá sẽ phai dần trên quần áo, nhà cửa và những vật dụng bạn thường xuyên tiếp xúc.
  • Trở thành một gương tốt cho con cái và những người khác

4. Từ bỏ thuốc lá bằng cách nào?

Một số người có thể bỏ thuốc lá mà không cần lập kế hoạch. Một số khác cần có kế hoạch để bỏ thuốc. Thực hiện các bước sau để giúp bắt đầu với việc bỏ thuốc lá:

  • Kiên quyết rằng muốn bỏ thuốc lá: Tránh suy nghĩ về việc nó có thể khó như thế nào. Thay vào đó, hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn khi không có khói thuốc.
  • Tìm người hoặc nhóm người hỗ trợ: Những người nhận được hỗ trợ từ những người khác trực tuyến, trên điện thoại, với một cố vấn hoặc trong các nhóm có cơ hội thành công cao hơn.
  • Tập trung vào lý do bỏ việc hút thuốc để cải thiện sức khỏe. Bảo vệ gia đình hoặc tiết kiệm tiền. Những lý do này sẽ giúp bạn kiên trì hơn.
  • Nói với gia đình và bạn bè về kế hoạch ngừng hút thuốc để nhận hỗ trợ của họ. Nếu họ hút thuốc, hãy có thể yêu cầu họ bỏ thuốc cùng. Việc làm này có thể giúp người cai thuốc có thêm người bạn đồng hành trên hành trình bỏ thuốc lá.
  • Tìm hiểu về các sản phẩm hỗ trợ bỏ thuốc lá.
  • Hình dung về những gì bạn mong đợi khi từ bỏ được thuốc lá. Tìm các phương pháp để xử lý cơn thèm thuốc và những căng thẳng tinh thần kèm theo. Hiểu rõ những việc kích thích bản thân hút thuốc và nghĩ về cách đối phó với những vấn đề đó trong thời gian cai thuốc cũng như sau khi cai thuốc thành công.
  • Đặt đích đến bỏ thuốc vào một thời gian cụ thể: đặt những mục tiêu nhỏ trong vài ngày hoặc vài tuần để hướng tới mục tiêu lớn là loại bỏ hoàn toàn thuốc lá ra khỏi cuộc sống của mình. Đánh dấu ngày trên lịch của bạn. Mục tiêu càng rõ ràng càng dễ thực hiện, đồng thời cũng tạo ra một ngày ý nghĩa để ăn mừng hàng năm.
  • Tìm đến bác sĩ để được tư vấn. Người hút thuốc nên cho biết họ đang trong quá trình bỏ thuốc và muốn nhận được những thông tin giúp ích. Hút thuốc là một chứng nghiện vật lý. Vì vậy, bác sĩ có thể giúp bạn thiết kế một kế hoạch bỏ thuốc lá hiệu quả nhất.

5. Những biểu hiện trong quá trình cai thuốc?

Tuần đầu tiên trong quá trình cai thuốc là thời gian khó khăn nhất. Bạn có thể có các biểu hiện bồn chồn, khó chịu và đói, có thể xuất hiện các rối loạn về giấc ngủ, cảm thấy chóng mặt, buồn ngủ hoặc đau đầu. Các triệu chứng cai nghiện này thường kéo dài vài giờ, đỉnh điểm trong 2-3 ngày đầu và có thể kéo dài trong 1 tháng.


Các biểu hiện bồn chồn, khó chịu và đó là những biểu hiện trong quá trình cai thuốc
Các biểu hiện bồn chồn, khó chịu và đó là những biểu hiện trong quá trình cai thuốc

6. Các sản phẩm hỗ trợ bỏ thuốc lá

6.1 Thay thế thuốc lá bằng các sản phẩm từ nicotine

Ưu điểm từ các sản phẩm thay thế nicotin là chỉ tồn tại chất nicotine trong sản phẩm, không có nhiều hóa chất độc hại như trong khói thuốc lá. Các sản phẩm này làm giảm cảm giác thèm thuốc và các triệu chứng cai thuốc trong quá trình làm quen dần với cuộc sống không khói thuốc. Các sản phẩm từ nicotine được sản xuất trên thị trường dưới dạng keo cao su, viên ngậm, miếng dán da, thuốc xịt mũi hoặc ống hít.

Người dùng có thể mua các sản phẩm nicotine ở trong quầy bán hàng. Một số khác cần đơn thuốc trước khi sử dụng. Một số sản phẩm thay thế nicotine có thể được chi trả trong bảo hiểm y tế. Liên hệ với bác sĩ để được biết thêm thông tin chi tiết cũng như lựa chọn các sản phẩm phù hợp.

6.2 Thuốc Bupropion

Bupropion là thuốc chống trầm cảm. Nó giúp giảm cảm giác thèm thuốc và các triệu chứng cai nghiện. Bupropion chỉ được sử dụng khi được kê đơn. Việc điều trị bắt đầu 2 tuần trước ngày bạn quyết định bỏ thuốc. Điều trị thường kéo dài khoảng 7 đến 12 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn. Có thể điều trị bupropion kết hợp với liệu pháp thay thế nicotine. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm khô miệng, khó ngủ, chóng mặt, đau đầu và nổi mẩn da.

6.3 Thuốc Varenicline

Varenicline là một loại thuốc khác được phép sử dụng cho những người đang cố gắng bỏ hút thuốc. Thuốc này ngăn chặn tác dụng dễ chịu của nicotine lên não. Việc điều trị bắt đầu 1 tuần trước ngày bạn quyết định bỏ thuốc. Điều trị kéo dài 12 tuần. Tác dụng phụ có thể bao gồm gặp ác mộng khi ngủ và đau dạ dày.

6.4 Có tác dụng phụ gì nghiêm trọng của việc sử dụng bupropion hoặc varenicline?

Cả bupropion và varenicline đều có liên quan đến trầm cảm, thay đổi hành vi, bị kích động và suy nghĩ tự tử. Nếu bạn gặp phải những thay đổi trong hành vi hoặc có suy nghĩ tự tử trong khi dùng thuốc, hãy ngừng sử dụng và báo cáo lại các triệu chứng với bác sĩ để được tư vấn điều trị.

Varenicline chưa được nghiên cứu ở phụ nữ mang thai. Thông tin về ảnh hưởng của bupropion cũng rất ít, dường như không gây ra vấn đề gì trong thai kỳ. Cả hai loại thuốc có thể được truyền từ mẹ qua bé thông qua sữa mẹ. Hầu hết các chuyên gia khuyên bạn chỉ nên sử dụng các loại thuốc này khi mang thai nếu lợi ích của việc bỏ thuốc vượt xa nguy cơ có thể xảy ra đối với con của bạn.

7 . Bỏ thuốc lá có thể gây ra trầm cảm không?

Bỏ hút thuốc có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Nhiều người hút thuốc không biết rằng họ bị trầm cảm và họ sử dụng nicotine như một phương pháp tự điều trị. Các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm bao gồm cảm thấy buồn bã, thiếu hứng thú với các hoạt động từng thích và ngủ quá nhiều hoặc khó ngủ. Những cảm giác này xảy ra gần như mỗi ngày và kéo dài ít nhất 2 tuần. Nếu nghĩ rằng bản thân đang bị trầm cảm, liên hệ với chuyên gia tâm lý để tìm ra giải pháp. Có những phương pháp điều trị có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn. Nếu bạn có ý nghĩ tự tử, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Acog.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe