Chức năng của dịch não tủy

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Bùi Ngọc Phương Hòa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Dịch não tủy là chất lỏng, trong, không màu có ở xung quanh não và tủy sống. Khi bác sĩ nghĩ rằng bạn bị mắc các bệnh có ảnh hưởng đến hệ thần kinh (đặc biệt hệ thần kinh trung ương), bạn có thể sẽ được chỉ định xét nghiệm dịch não tủy.

1. Dịch não tủy là gì?

Dịch não tủy được tạo ra bởi một nhóm các tế bào, được gọi là đám rối mạch mạc, nằm sâu trong não thất; trung bình mỗi người lớn có khoảng 150 ml dịch não tủy. Khi chất lỏng không màu này chảy xung quanh não và tủy sống, nó làm đệm cho các cơ quan này, cung cấp các chất cần thiết cho não từ máu và loại bỏ các chất thải từ các tế bào não. Đôi khi dịch não tủy có thể có những thứ không nên có, như vi khuẩn hoặc virus có thể tấn công não và gây ra những bệnh nghiêm trọng.

Dịch não tủy
Dịch não tủy đi xung quanh não và tủy sống, nó làm đệm các cơ quan đó

2. Nguồn gốc của dịch não tủy

  • Dịch não tuỷ được sinh ra từ đám rối mạch mạc (cơ bản ở não thất bên), chứa đầy trong các não thất bên, qua lỗ Monro vào não thất III, qua lỗ Luschka vào khoang dưới nhện của não và qua lỗ Magendie thông với khoang dưới nhện của tủy sống;
  • Dịch não tuỷ được hấp thu trở lại tĩnh mạch bởi các hạt Pacchioni. Bình thường, cứ mỗi giờ có khoảng 20ml dịch não tuỷ được sinh ra và đồng thời một số lượng dịch não tuỷ đúng như vậy cũng được hấp thu;
  • Trung bình trong vòng 24 giờ, dịch não tuỷ của người được thay đổi 3 lần.
  • Các thành phần sinh học của dịch não tuỷ được điều hoà thường xuyên bởi các vùng liên diện. Đó là hệ thống các hàng rào máu - não, máu - dịch não tuỷ (các đám rối màng mạch) và dịch não tuỷ - máu (các hạt Pacchioni của màng não).

3. Thành phần của dịch não tuỷ

3.1. Thành phần tế bào

Trong dịch não tủy của người lớn bình thường mỗi microlite có 0 – 5 lympho bào (lymphocytes) hoặc tế bào đơn nhân (Mononuclear cells), không có tế bào đa nhân (Polymorphonuclear cells) và hồng cầu.

3.2. Các thành phần khác

  • Protein = 38,2 mg/dL và IgG là 9,9
  • Glucose = 61 mg/dL (65% của trị số trong huyết tương).
  • Chlorid = 124 mEq/L (120% trị số trong huyết tương).
  • Lipid = 1,25 mg/dL, gồm có phospholipids, nonphosphorus sphingolipids, cholesterol, cholesterol esters và mỡ trung tính
  • Các thành phần khác có số lượng rất ít.
  • Một số lớn các chất có trong dịch não tủy cũng thấy trong máu nhưng không phải là chất nào có trong máu đều thấy có trong dịch não tủy. Thí dụ: Beta-Lipoprotein và Fibrinogen không thấy trong Dịch não tủy. Vì vậy phải luôn luôn thực hiện đo các chất trong máu cùng lúc để so sánh với lượng chất đó trong dịch não tủy, đặc biệt là Glucose và ion Chloride.
  • Protein: Dịch não tủy ở não thất chứa độ 10 mg, ở bể lớn 20 mg, ở khoang dưới nhện cột sống thắt lưng là 40 mg/dL.
  • Glucose: não thất 60 mg/dL, ở bể lớn 50 mg/dL, ở khoang dưới nhện cột sống thắt lưng là 40 mg/dL.

4. Chức năng của dịch não tủy

  • Ở giai đoạn bào thai sớm: dịch não tủy có nhiệm vụ nuôi dưỡng, chức năng đó mất dần khi bào thai lớn lên.
  • Dịch não tủy làm trơn và là chất đệm giữa não và tuỷ sống với khung màng cứng và xương cứng bên ngoài (sọ, cột sống). Bảo vệ não và tủy sống chống lại những sang chấn cơ học, đồng thời tham gia vào nhiệm vụ dinh dưỡng, chuyển hóa của hệ thần kinh trung ương;
Dịch não tủy
Dịch não tủy làm trơn và là chất đệm giữa não và tuỷ sống với khung màng cứng và xương cứng bên ngoài
  • Về phương diện miễn dịch, dịch não tủy tác dụng như nơi lan tỏa của dịch viêm (bạch cầu và Globulin gamma) và Globulin gamma được tổng hợp trong hệ thần kinh.
  • Chức năng kích thích tố tìm thấy trong dịch não tủy vẫn chưa rõ ràng.

5. Xét nghiệm dịch não tủy để xác định bệnh

  • Hàm lượng Immunoglobulin tăng cao trong dịch não tủy, có thể là dấu hiệu của bệnh đa xơ cứng.
  • Nếu người bệnh mắc Bệnh Alzheimer hoặc một loại chứng mất trí khác, một số loại protein liên quan đến căn bệnh này có thể có trong dịch não tủy.
  • Dịch não tủy bị đổi màu: màu đỏ có thể xuất huyết não (chảy máu trong não), màu vàng (lao màng não),....
  • Dấu hiệu nhiễm vi khuẩn hoặc virus có thể cho bác sĩ biết người bệnh bị bệnh như viêm màng não hoặc viêm não.

6. Các phương pháp lấy dịch não tủy

6.1. Để lấy dịch não tuỷ, có thể đi qua 3 con đường

  • Lấy từ não thất (thường được tiến hành kết hợp trong khi phẫu thuật);
  • Lấy từ bể lớn (phương pháp chọn lọc bể lớn hay chọc dưới chẩm), chỉ định trong những trường hợp đặc biệt;
  • Lấy từ khoang dưới nhện cột sống thắt lưng (chọc ống sống thắt lưng), là con đường thường được chỉ định trong thực tế lâm sàng;
Dịch não tủy
Lấy dịch não tủy từ khoang dưới nhện cột sống thắt lưng là con đường thường được chỉ định trong thực tế lâm sàn

Dịch não tủy được lấy từ những vị trí khác nhau có thành phần sinh hóa khác nhau. Phương pháp chọc ống sống thắt lưng xét nghiệm dịch não tủy là phương pháp chẩn đoán quan trọng thường được sử dụng trong lâm sàng.

6.2. Chỉ định:

Xét nghiệm dịch não tủy có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh.

  • Nghiên cứu về áp lực dịch não tuỷ, sự lưu thông dịch não tuỷ: tốc độ tăng trong trường hợp tăng áp lực nội sọ (có choáng chỗ nội sọ), tốc độ giảm trong chèn ép tủy sống (u tủy sống),..
  • Xét nghiệm dịch não tuỷ (biến đổi sinh hoá, tế bào, vi sinh vật, độ pH, định lượng các men, các chất dẫn truyền thần kinh....);
  • Chụp tuỷ, chụp bao rễ có bơm thuốc cản quang... (hiện nay ít sử dụng vì có MRI hỗ trợ)
    1. Để điều trị:
  • Đưa thuốc đặc hiệu vào khoang dưới nhện tủy sống.
  • Đưa các thuốc gây tê cục bộ phục vụ mục đích phẫu thuật.
  • Đưa các thuốc kháng sinh, các thuốc chống ung thư, corticoide ... để điều trị các bệnh của hệ thần kinh trung ương hoặc các bệnh dây- rễ thần kinh.
    1. Để theo dõi kết quả điều trị

6.3. Chống chỉ định

  • Tăng áp lực trong sọ
  • U não
  • Phù nề não nặng
  • Tổn thương tuỷ cổ
  • Nhiễm khuẩn ở vùng da thắt lưng (vùng chọc kim)
  • Rối loạn đông máu (bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu, bệnh nhân đang điều trị chống máu đông).

6.4. Các tai biến và biến chứng có thể gặp:

  • Tụt kẹt não
  • Nhiễm khuẩn (áp xe vị trí chọc, viêm màng não mủ...)
  • Đau đầu sau chọc ống sống thắt lưng
  • Chảy máu (gây ổ máu tụ ngoài màng cứng hoặc chảy máu dưới nhện...)

Thạc sĩ. Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa đã có hơn 24 năm công tác trong lĩnh vực chuyên khoa Tâm thần kinh. Bác sĩ Hòa nguyên là Phó Trưởng Khoa Thần Kinh - Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Ngãi và từng tham gia nhiều khóa đào tạo liên tục về Động Kinh, Tai Biến mạch máu não, Alzheimer, Rối loạn vận động, Lão khoa. Bệnh lý Nội Tiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

57.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan