Chớ dùng kháng sinh điều trị sốt virus!

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Sốt virus có thể do nhiều loại virus gây ra, hay gặp nhất là virus đường hô hấp xảy ra nhiều vào thời điểm mùa hè hay mùa mưa. Khi bị sốt virus, rất nhiều người đã tự ý sử dụng thuốc kháng sinh với nhầm tưởng là bệnh sẽ nhanh khỏi hơn.

1. Biểu hiện bệnh sốt virus

Khi virus xâm nhập vào cơ thể, sau một thời gian ủ bệnh sẽ gây biểu hiện ra bên ngoài. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hầu hết trong số đó không nguy hiểm và tự hồi phục, nhưng một số có thể bị bội nhiễm nếu không được điều trị đúng cách.

Biểu hiện của bệnh sốt virus rất đa dạng, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nhưng thường là:

  • Bệnh nhân sốt cao từ 38oC - 39oC, thậm chí 40oC - 41oC, sốt liên tục. Dùng thuốc hạ sốt thì chỉ đỡ được vài giờ rồi lại tiếp tục sốt cao. Trong nhiều trường hợp các thuốc hạ sốt thông thường cũng không có tác dụng.
  • Đau đầu: Biểu hiện rõ nhất ở người lớn. Trẻ em cũng có thể đau đầu, trẻ nhỏ hơn thường quấy khóc.
  • Trong và sau khi sốt người bệnh sẽ ho, hắt hơi, chảy nước mũi, triệu chứng ngày càng nặng, họng có thể sưng đỏ...
  • Bệnh nhân có rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, không có máu, chất nhầy).
  • Có thể có viêm kết mạc mắt (kèm theo sốt, nôn, bệnh nhân sốt virus cũng có thể có biểu hiện của viêm kết mạc mắt, làm mắt đỏ, chảy nước, người mệt mỏi, uể oải..), phát ban...
  • Đau cơ thể và mệt mỏi có thể không tương xứng với mức độ sốt, kèm theo đó tuyến bạch huyết bị sưng phồng lên.

2. Điều trị bệnh sốt virus

Bệnh sốt virus có thể tự khỏi sau 1 - 2 tuần. Nhưng bệnh thường có biểu hiện sốt nên cần điều trị, nhất là ở trẻ em. Cần kết hợp cả việc uống thuốc và chăm sóc để bệnh nhân nhanh phục hồi.

Điều trị sốt virus chủ yếu là điều trị triệu chứng, bởi hầu hết các bệnh do virus gây ra đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.


Biểu hiện của sốt virus là bệnh nhân sốt cao liên tục từ 38oC - 39oC, thậm chí 40oC - 41oC
Biểu hiện của sốt virus là bệnh nhân sốt cao liên tục từ 38oC - 39oC, thậm chí 40oC - 41oC

Bệnh sốt virus uống thuốc gì?

Điều đầu tiên cần lưu tâm khi bị sốt đó là phải uống nhiều nước, bù lại lượng nước và điện giải bị mất. Ở trẻ còn bú thì phải cho trẻ bú đầy đủ, ngoài ra có thể bổ sung qua nước hoa quả, nước canh trong lúc ăn. Sản phẩm giúp bù nước và điện giải thông dụng nhất vẫn là Oresol. Cần chú ý pha oresol đúng tỷ lệ được chỉ dẫn, không loãng quá, không đặc quá.

Khi bệnh nhân sốt lớn hơn 38,5 độ C, nên sử dụng thuốc hạ sốt. Thường dùng nhất là Paracetamol với liều 10 - 15 mg/kg thể trọng, cách khoảng mỗi 6 tiếng dùng một lần, sẽ có tác dụng ngăn ngừa việc tăng thân nhiệt. Tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt liên tục, không dùng quá 4000 mg Paracetamol trong một ngày (tương đương với khoảng 8 viên Paracetamol 500 mg). Có thể kết hợp dán các miếng cao dán hạ sốt.

Chống co giật: khi trẻ sốt cao rất có thể bị co giật, đây là một tình trạng nguy hiểm, có thể để lại di chứng về sau. Bởi vậy khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, bác sĩ có thể sẽ cho trẻ sử dụng thuốc chống co giật, đặc biệt là với những trẻ đã từng bị co giật khi sốt cao trước đây.

Bệnh nhân có thể được dùng một số thuốc giảm ho, giảm sổ mũi, chống dị ứng nếu các biểu hiện trên có nhiều, nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tuyệt đối không tự ý đi truyền dịch cũng như lạm dụng dụng cụ xông họng vì có thể dẫn đến hỏng niêm mạc mũi, họng.

Thực hiện các biện pháp chống bội nhiễm: Sử dụng Natri clorid 0,9 % để nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ, phòng tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

Cũng cần phải chú ý thêm: nếu bệnh nhân bị sốt nhiều ngày (trên 5 ngày), hoặc sốt cao trên 39 độ C, dùng thuốc hạ sốt không thấy hạ hoặc xuất hiện co giật, đau đầu liên tục và buồn nôn thì cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các phòng khám, bệnh viện gần nhất để có biện pháp điều trị đúng đắn, tránh những biến chứng có thể xảy ra.


Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

3. Chớ dùng kháng sinh điều trị sốt virus

Khi bị sốt virus có kèm những biểu hiện như ho, sốt, nhiều người đã tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Đặc biệt là khi các gia đình có trẻ nhỏ bị sốt virus cao thì tâm lý lại càng nôn nóng. Tuy nhiên, đây thực sự lại là một hành động tai hại, bởi sử dụng kháng sinh không làm rút ngắn thời gian bị bệnh, kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn chứ không tiêu diệt virus, điều này thực tế có thể dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh rất cao. Trên thực tế, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện đang nằm trong danh sách các nước có tình trạng kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.

Do đó, nếu trẻ được chẩn đoán là sốt virus thì không cần dùng kháng sinh để điều trị. Trong bệnh sốt virus, kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn, mà chủ yếu là ở đường hô hấp như tai mũi họng. Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị sốt virus khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

4. Chăm sóc cho bệnh nhân bị sốt virus

Nên mặc đồ đủ thoáng, không để gió lùa, không để nhiệt độ phòng quá thấp hơn so với nhiệt độ cơ thể và thường xuyên lau người bằng nước ấm (thường nhiệt độ của nước thấp hơn nhiệt độ của trẻ khoảng 3 - 4 độ C ) chú ý không dùng đá lạnh để chườm tại nhà

Vệ sinh sạch sẽ: thời gian này sức đề kháng rất kém, cơ thể mệt mỏi nên rất dễ mắc thêm bệnh vì vậy việc vệ sinh là vô cùng cần thiết, giúp người bệnh tránh được hiện tượng bội nhiễm do nhiễm các loại virus khác. Có thể tắm bằng nước ấm, lau khô người sau khi tắm và thay quần áo thật sạch sẽ, mặc đồ rộng và thoáng sẽ giúp bệnh nhân thoải mái hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe