Các yếu tố nguy cơ gây hẹp động mạch thận

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận – Lọc máu – Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hẹp động mạch thận là bệnh lý do thu hẹp của một hoặc nhiều động mạch mang máu đến thận (động mạch thận). Hậu quả gây ra là thận bị giảm tưới máu, có thể làm tăng huyết áp và tổn thương nhu mô thận.

1. Hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận là bệnh lý do thu hẹp của một hoặc cả hai động mạch thận. Thận cần một lượng máu đầy đủ để giúp lọc bỏ chất thải và nước dư thừa. Khi các động mạch bị thu hẹp sẽ dẫn đến sự thiếu hụt lượng máu giàu oxy chuyển đến thận. Lưu lượng máu giảm có thể sẽ làm tăng huyết áp trong toàn bộ cơ thể (huyết áp hệ thống) và làm tổn thương nhu mô thận.

Theo các nghiên cứu cho biết khoảng 90% bệnh nhân hẹp động mạch thận là do xơ vữa động mạch gây ra tắc, hẹp và xơ cứng động mạch thận. Bệnh tiến triển khi có sự xuất hiện của mảng bám chất dính được tạo thành bởi chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác được tìm thấy trong máu, khi đó sẽ tạo thành nút hẹp bên trong của một hoặc cả hai động mạch thận. Do sự tích tụ các mảng bám làm cho thành động mạch thận bị cứng và hẹp lại. Chứng loạn sản sợi cơ gây ra sự phát triển không bình thường hoặc tăng trưởng của các tế bào trên thành động mạch thận cũng có thể là nguyên nhân gây ra hẹp mạch máu thận.

2. Triệu chứng của hẹp động mạch thận

Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là dấu hiệu thường gặp của hẹp động mạch thận

Đa số các trường hợp bị hẹp động mạch thận không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Các dấu hiệu của bệnh hẹp động mạch thận thường gặp như:

Hẹp động mạch thận được xem là một nguyên nhân gây tăng huyết áp ở các đối tượng như: Trên 50 tuổi và có tiền căn tăng huyết áp; không điều trị thành công với ít nhất ba hoặc nhiều hơn các loại thuốc điều trị huyết áp. Các triệu chứng suy giảm chức năng thận bao gồm: Tăng hoặc giảm nước tiểu so với mức bình thường; phù nề, gây sưng ở chân, bàn chân hoặc mắt cá chân, nhưng ít phù thường xuyên ở tay hay mặt; buồn ngủ hoặc mệt mỏi; ngứa hoặc bị tê; da khô; hay đau đầu; sụt cân; mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, nôn; khó ngủ, khó tập trung; hay bị chuột rút (vọp bẻ).

3. Các yếu tố tăng nguy cơ hẹp động mạch thận

Hầu hết các trường hợp mắc hẹp động mạch thận đều do xơ vữa động mạch. Các yếu tố nguy cơ cho xơ vữa động mạch của thận cũng tương tự như chứng xơ vữa động mạch ở bất cứ cơ quan nào khác trong cơ thể, bao gồm:

  • Lão hóa, nam giới trên 45 tuổi và nữ trên 55 tuổi
  • Huyết áp cao
  • Cholesterol máu cao
  • Đái tháo đường
  • Thừa cân, béo phì
  • Hút thuốc và sử dụng các loại thuốc lá khác. Hút thuốc lá sẽ làm máu khó tuần hoàn dẫn tới làm tăng nguy cơ mắc hẹp động mạch thận cao hơn
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm
  • Ít tập thể dục
  • Chế độ ăn uống nhiều chất béo, cholesterol, ăn mặn và ăn ngọt nhiều.
Hút thuốc
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ hẹp động mạch thận

4. Tầm soát hẹp động mạch thận

Có hai đối tượng cần phải tầm soát xem có mắc hẹp động mạch thận hay không, đó là nhóm bệnh nhân suy thận tiến triển nhưng không rõ nguyên nhân và bệnh nhân cao huyết áp không đáp ứng với điều trị. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây cần phải xem xét có hẹp động mạch thận hay không:

  • Cao huyết áp nhưng không kiểm soát được bằng các loại thuốc hạ áp thông thường; tiếng thổi ở bụng cùng với cao huyết áp (đặt ống nghe cạnh rốn sẽ nghe được tiếng thổi do máu đi qua chỗ hẹp);
  • Cao huyết áp từ trung bình đến nặng ở người bị xơ vữa động mạch ( có tiền sử bị nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não);
  • Cao huyết áp đang dễ kiểm soát đột nhiên kiểm soát rất khó khăn;
  • Chức năng thận xấu đi ngay sau khi dùng một loại thuốc hạ áp nào đó (thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin).

Hiện nay chẩn đoán hẹp động mạch thận phải dựa vào kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm chức năng. Về hình ảnh học bệnh nhân sẽ được chụp cộng hưởng từ nhân mạch máu (MRI), chụp cắt lớp mạch máu (CT-Scan) và siêu âm doppler mạch máu. Xét nghiệm chức năng gồm thử nghiệm hoạt tính renin huyết tương (hoạt tính mạnh trong trường hợp bị hẹp động mạch thận) và làm renogram.

Hy vọng qua bài viết này có thể cung cấp đầy đủ thông tin về các yếu tố nguy cơ gây hẹp động mạch thận. Ngay khi thấy xuất hiện các triệu chứng như: thấy bất thường kéo dài xuất hiện khi tiểu tiện, cao huyết áp trị không dứt hoặc có bất thường ở thận khi trị cao huyết áp, bị sưng phù thấy rõ, bạn cần đi khám ngay để có thể chẩn đoán và xử lý kịp thời.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Thanh Thùy là bác sĩ chuyên khoa Nội thận với hơn 15 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh thận nội khoa, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, sàng lọc trước ghép thận và theo dõi sau ghép. Hiện tại, bác sĩ Thùy đang làm viêc tại Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan