Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chuyển dạ là quá trình khó khăn cuối cùng mà các mẹ bầu cần phải vượt qua để gặp con yêu sau chín tháng mười ngày mang nặng vất vả. Tuy nhiên, khi khoảnh khắc này diễn ra, không phải mẹ bầu nào cũng bình tĩnh đối diện để giúp quá trình này diễn ra được suôn sẻ. Những hiểu biết sau đây sẽ giúp các mẹ phần nào khỏi bỡ ngỡ, nhất là các mẹ sinh con đầu lòng.
1. Các giai đoạn của một cuộc chuyển dạ
Chuyển dạ sinh là một quá trình hoàn toàn sinh lý, làm cho thai nhi và phần phụ của thai (bánh nhau, màng ối và dây rốn) được đưa ra khỏi đường sinh dục của người mẹ. Đây là sự phối hợp giữa các chu kỳ cơn gò tử cung và sự xóa mở cổ tử cung, kết quả là thai và nhau được sổ ra ngoài.Thời gian của chuyển dạ sinh thay đổi tùy theo từng người và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như lực co bóp của cơn gò, ống sinh dục, tiểu khung chậu của mẹ hay cả ngôi thai, kích thước đầu thai. Ở sản phụ sinh con so, thời gian chuyển dạ thường kéo dài hơn sản phụ sinh con rạ do cổ tử cung mở chậm hơn và tầng sinh môn còn rắn chắc hơn với thời gian trung bình là 16 đến 24 giờ trong khi con rạ chỉ 8 đến 16 giờ.
Mặc dù vậy, một cuộc chuyển dạ luôn gồm đủ 3 giai đoạn như sau:
1.1. Giai đoạn I: Xóa mở cổ tử cung
Giai đoạn này được tính từ lúc xuất hiện cơn gò đầu tiên đến khi cổ tử cung mở trọn.
1.2. Giai đoạn II: Giai đoạn sổ thai
Giai đoạn này được tính từ lúc cổ tử cung mở trọn đến khi thai nhi được sổ hoàn toàn ra ngoài. Đây là kết quả của áp suất trong buồng tử cung tăng lên trong mỗi cơn gò cùng với động tác rặn sinh có hiệu quả của sản phụ.
Trắc nghiệm: Dấu hiệu cảnh báo chuyển dạ thực sự
Chuyển dạ là quá trình thai phụ bước vào giai đoạn “đẻ đau” để kết thúc thời gian “mang nặng”. Thời gian và dấu hiệu chuyển dạ sẽ khác nhau tùy vào vào từng người và nhiều yếu tố. Theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn các dấu hiệu chuyển dạ một cách chính xác và an toàn.1.3. Giai đoạn III: Giai đoạn sổ nhau
Giai đoạn này được tính từ lúc thai nhi được sổ đến khi phần phụ cũng được sổ hoàn toàn ra ngoài. Trong giai đoạn này, gồm có phần tróc nhau và phần tống suất nhau.Khi thai nhi đã được sổ ra ngoài, tử cung ngay lập tức sẽ co nhỏ lại, làm nhau chùn lại và bắt đầu bong tróc ra. Sau đó, dưới tác dụng của cơn gò tử cung, bánh nhau cũng sẽ được tống xuống âm đạo và sổ ra ngoài.
2. Các dấu hiệu nhận biết chuyển dạ
2.1. Bung nhớt hồng
Trong suốt thời gian mang thai, ở vị trí chỗ nối cổ tử cung và âm đạo luôn có một nút nhầy vững chắc. Bên cạnh lớp cơ thành tử cung, lớp màng ối, nút nhầy này cũng là một hàng rào bảo vệ cho thai nhi, chống sự xâm nhập của vi khuẩn hay các lực tác động cơ học từ bên ngoài vào buồng ối.
Chính vì vậy, khi cổ tử cung bắt đầu mở ra, nút nhầy sẽ bị bung ra và thoát ra ngoài cửa âm đạo như một chút nhầy nhớt, có màu hồng. Đây là dấu hiệu cảnh báo thời khắc chuyển dạ chính thức chuẩn bị bắt đầu.
2.2. Xuất hiện cơn gò tử cung
Vào tháng cuối thai kỳ, sản phụ đôi khi cảm nhận được các cơn trằn khắp bụng lúc di chuyển hay cử động mạnh. Cảm giác này khá mơ hồ, đa phần diễn ra ngắn, tần suất thưa thớt, không gây đau đớn gì rõ rệt và cũng không có ý nghĩa thay đổi cổ tử cung hay vị thế của thai nhi.
Chỉ khi thai bước vào tuần từ 38 đến 40, các cơn gò sẽ khởi động rõ ràng hơn với chu kỳ tăng dần về cường độ lẫn tần số. Trong cơn, sản phụ sẽ cảm giác đau nhiều và khắp cả vùng bụng căng cứng. Kết hợp với cách thở và rặn sinh hiệu quả của sản phụ, đây chính là động lực cho quá trình chuyển dạ tống xuất thai nhi ra ngoài.
2.3. Chảy nước ối
Dưới tác động của cơn gò tử cung, áp lực trong buồng tử cung tăng lên đỉnh điểm, đầu thai di chuyển xuống, tạo thành đầu ối. Đầu ối căng phồng và tại vị trí tiếp giáp với vòng cổ tử cung, đây là nơi màng ối mỏng nhất và rất dễ vỡ. Khi màng ối vỡ, một lượng nước ối trong buồng tử cung sẽ chảy ra ngoài. Nếu màng ối tự trượt lên nhau hay đầu thai nhi xuống thấp chèn vào, dòng nước ối sẽ bị ngăn chặn hoàn toàn hay chỉ chảy rỉ rả.
Lúc này, vỡ ối cũng là tác nhân khiến cơn gò tử cung xuất hiện nhiều hơn và trở nên dồn dập hơn. Mặt khác, nếu sắp đến này dự sinh mà thai chưa có cơn gò, bác sĩ sẽ dùng thủ thuật bấm ối, chủ động làm màng ối vỡ và chảy nước ối ra, kích thích khởi phát cơn gò chuyển dạ một cách tự nhiên.
2.4. Những thay đổi qua thăm khám âm đạo
Đây là những dấu hiệu chuyển dạ thực tế khách quan thông qua động tác thăm khám bên trong âm đạo của các bác sĩ sản khoa hay nữ hộ sinh. Các đặc điểm cần ghi nhận là sự thay đổi ở cổ tử cung, cụ thể là cổ tử cung xóa và mở dần dưới tác động của cơn gò, đầu ối thai nhi được thành lập (chỉ khi màng ối còn nguyên vẹn) và có sự tiến triển của ngôi thai sau mỗi cơn co tử cung. Khi có đầy đủ các dấu hiệu nêu trên, bác sĩ sẽ báo cho bạn biết thời điểm thích hợp cần rặn sinh theo chu kỳ cơn gò, nhằm tăng tính hiệu quả tống xuất thai nhi ra ngoài.
Tóm lại, nếu có một trong những dấu hiệu sắp sinh trên đây, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện để được theo dõi diễn tiến chuyển dạ cũng như sẵn sàng những ứng cứu nếu cần thiết. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp các mẹ nhận biết sớm và có sự chuẩn bị kỹ càng chào đón bé yêu chào đời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.