Các bước chẩn đoán ung thư phổi

Chẩn đoán ung thư phổi đã và đang trở thành một vấn đề rất cấp thiết của bệnh nhân nước ta. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 23.667 ca mắc mới và 20.170 ca tử vong vì căn bệnh này. Việc sàng lọc và phát hiện sớm bệnh ung thư phổi là nguyên tắc vàng để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Vậy, quá trình chẩn đoán gồm những gì? 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thiện Quang - Bác sĩ Nội ung Bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Tổng quan về bệnh

Ung thư phổi là tình trạng ung thư xảy ra do sự sinh sản và tăng trưởng một cách không kiểm soát của các tế bào bất thường trong phổi, thường là các tế bào lót ống dẫn khí.

Khi số lượng tế bào ung thư tăng cao sẽ cản trở đối với các chức năng của phổi. Các tế bào ác tính có thể lây lan từ phổi sang các hạch bạch huyết gần đó hay bên phổi còn lại. Thậm chí, ung thư phổi có thể di căn đến xương, gan, não và các bộ phận khác.

Bên cạnh đó, chẩn đoán bệnh ung thư phổi là một điều cần thiết vì bệnh rất khó phát hiện do không có dấu hiệu nhận biết bên ngoài. Đây là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi giới tính, lứa tuổi và là nguyên nhân gây tử vong cao hàng đầu ở cả hai giới. Điều này có nghĩa là, bất kỳ ai cũng có khả năng mắc ung thư phổi.  

Vì vậy, việc sàng lọc và chẩn đoán ung thư phổi để phát hiện bệnh càng sớm thì hiệu quả chữa bệnh sẽ càng cao.

2. Quy trình chẩn đoán ung thư phổi

Đầu tiên là quá trình khám lâm sàng để chẩn đoán bệnh. Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra ngực và các hạch bạch huyết ở cổ. Nếu nghi ngờ, các bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang để phát hiện ung thư phổi. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân chụp CT hoặc một số dịch vụ khác nếu cần thiết. 

Quá trình chẩn đoán ung thư phổi sẽ bắt đầu bằng việc kiểm tra ngực và các hạch bạch huyết ở cổ.
Quá trình chẩn đoán ung thư phổi sẽ bắt đầu bằng việc kiểm tra ngực và các hạch bạch huyết ở cổ.

Cả hai phương pháp chụp CT và chụp X-quang đều được thực hiện đầu tiên để kiểm tra sự hiện diện của khối u trong phổi. Cơ thể người bệnh sẽ được chiếu tia ở nhiều góc độ khác nhau để tạo ra hình ảnh. Sau đó, các hình ảnh và dữ liệu thu thập được sẽ được truyền tải về một máy điện toán để tích hợp thành hình ảnh chi tiết.

Nếu đã phát hiện ung thư phổi, người bệnh cần làm thêm một số xét nghiệm bổ sung. Các xét nghiệm này nhằm mục đích xác định sự tiến triển của bệnh ung thư phổi. Quá trình này còn được gọi là phân độ ung thư và có thể cần chụp CT ở một số bộ phận khác, ví dụ như bụng (chụp CT qua bao tử), sọ não.

Đôi lúc, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện chụp PET-CT (chụp cắt lớp phát xạ positron). PET CT là sự kết hợp giữa hai phương pháp chụp CT và PET, sử dụng một lượng nhỏ các chất đánh dấu phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch của người bệnh nhằm truy tìm các bất thường có thể có ở các mô khác nhau bên trong cơ thể.

Ngoài ra, còn có một số cách chẩn đoán khác bao gồm sinh thiết ung thư phổi hay xét nghiệm. Chi tiết như sau:

  • Sinh thiết mô: Các bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô từ ngực trong quá trình nội soi hoặc phẫu thuật. Mẫu mô này sẽ được mang đi xét nghiệm để đánh giá đặc điểm tế bào ung thư.
  • Sinh thiết kim: Các bác sĩ sẽ dùng kim chọc hút các tế bào từ khối u ung thư hoặc hạch bạch huyết bằng một chiếc kim nhỏ để mang đi xét nghiệm.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu sẽ giúp kiểm tra chức năng gan, thận hay huyết học. Kết quả xét nghiệm cũng chỉ ra một số chất liên quan tới ung thư như CEA hay Cyfra21-1.
  • Xét nghiệm đột biến gen hoặc protein bất thường: Một số đột biến gen hoặc protein bất thường của ung thư phổi có thể được chỉ ra trong kết quả xét nghiệm.

Vừa rồi là những thông tin mà Vinmec cung cấp cho người đọc về quá trình chẩn đoán ung thư phổi. Hi vọng rằng, người bệnh đã có được những thông tin mà bản thân đang tìm kiếm sau khi đọc xong bài viết này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe