Tuyến giáp là tuyến nội tiết vô cùng quan trọng của cơ thể, giữ vai trò thiết yếu trong việc chuyển hóa và phát triển. Bất kỳ bất thường nào của tuyến giáp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới người bệnh.
1. Bệnh tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ (nằm trước khí quản), có chức năng tiết, dự trữ và giải phóng hai hormone: T4 (Thyroxine) và T3 (Tri-iodo-thyronine). Rối loạn tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây tiết ra quá nhiều hoặc quá ít hormone. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp bao gồm những người đã hoặc đang có bệnh tự miễn (chẳng hạn như tiểu đường).
2. Chức năng của tuyến giáp?
Tuyến giáp giữ chức năng điều hành việc trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động bình thường, nhịp độ trao đổi chất trong cơ thể luôn ổn định, không quá nhanh hay quá chậm.
Điều khiển tuyến giáp chính là tuyến yên (một tuyến nằm trong não bộ). Tuyến yên sản sinh ra hormone kích thích tuyến giáp (TSH), hormone này sẽ thông báo cho tuyến giáp để tiết hormone khi cần.
Trắc nghiệm: Loại bỏ tin đồn và tìm hiểu sự thật về bệnh suy giáp
Suy giáp là một hội chứng chứ không phải căn bệnh riêng biệt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thông tin gây tranh cãi về bệnh suy giáp. Hãy cùng trả lời 8 câu hỏi sau để phá vỡ một số nghi ngờ về bệnh lý này nhé!
Nguồn tham khảo: webmd.com
3. Chẩn đoán bệnh tuyến giáp như thế nào?
Chẩn đoán bệnh tuyến giáp dựa vào triệu chứng, khám lâm sàng và xét nghiệm. Các triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của các vấn đề sức khỏe khác.
Khi nuốt, tuyến giáp sẽ di chuyển, nhờ đó giúp việc thăm khám dễ dàng hơn. Vì vậy, các bác sĩ thường yêu cầu người bệnh nuốt khi thăm khám lâm sàng. Bên cạnh thăm khám tuyến giáp, bác sĩ có thể sẽ khám da, mắt, kiểm tra cân nặng và nhiệt độ cơ thể.
4. Các xét nghiệm chẩn đoán vấn đề tuyến giáp
Những xét nghiệm bên dưới có thể giúp tìm ra nguyên nhân chính xác của vấn đề về tuyến giáp:
- Xét nghiệm máu
- Siêu âm tuyến giáp
- Xạ hình tuyến giáp
Trong phương pháp xạ hình tuyến giáp, người bệnh được uống một lượng nhỏ đồng vị I-ốt phóng xạ. Sẽ có một camera đặc biệt phát hiện những vùng tuyến giáp hấp thụ phóng xạ I-ốt này. Kết quả xạ hình cho thấy những vùng tuyến giáp giảm hoặc tăng hoạt động. Không chỉ định xạ hình tuyến giáp cho phụ nữ có thai.
5. Suy giáp là gì?
Tuyến giáp không tiết ra đủ hormone giáp để duy trì chuyển hóa bình thường của cơ thể, dẫn tới suy giáp.
5.1. Nguyên nhân gây suy giáp
Nguyên nhân thường gặp của suy giáp là viêm tuyến giáp, trong đó tuýp phổ biến nhất là viêm tuyến giáp Hashimoto. Ở bệnh nhân viêm tuyến giáp, hệ miễn dịch nhầm tưởng các tế bào tuyến giáp là những “kẻ xâm nhập” gây hại cho cơ thể. Khi đó, cơ thể sản sinh các tế bào bạch cầu phá hủy tuyến giáp.
Đồng thời, tuyến yên giải phóng hormone TSH, kích thích tuyến giáp tiết thêm hormone giáp. Nhu cầu này khiến tuyến giáp to dần, gọi là bướu giáp. Ngoài viêm tuyến giáp, chế độ ăn thiếu I-ốt cũng là nguyên nhân dẫn đến suy giáp.
5.2. Các triệu chứng của bệnh suy giáp
Các triệu chứng của bệnh suy giáp thường khởi phát và phát triển từ từ. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp:
- Mệt mỏi, lờ đờ.
- Tăng cân.
- Ăn không ngon.
- Kinh nguyệt thay đổi.
- Giảm ham muốn.
- Dễ bị lạnh.
- Táo bón.
- Nhức mỏi cơ bắp.
- Phù quanh mắt.
- Móng giòn, dễ gãy.
- Rụng tóc.
5.3. Điều trị suy giáp
Hầu hết bệnh nhân suy giáp được điều trị bằng phương pháp uống thuốc hormone tuyến giáp, tăng dần liều lượng cho đến khi hormone tuyến giáp trong máu đạt ngưỡng bình thường.
6. Cường giáp là gì?
Cường giáp là hệ quả của việc tuyến giáp sản sinh quá nhiều hormone tuyến giáp, khiến tốc độ chuyển hóa chất tăng bất thường.
6.1. Nguyên nhân gây cường giáp?
Nguyên nhân gây bệnh cường giáp hay gặp nhất là bệnh Basedow. Bệnh thường ảnh hưởng nhiều nhất tới phụ nữ trong độ tuổi từ 20 - 40. Dấu hiệu ở giai đoạn trễ của Basedow là lồi mắt.
Ngoài ra, bệnh nhân sau điều trị suy giáp, uống quá dư thừa hormone giáp có thể mắc bệnh cường giáp.
Một nguyên nhân khác dẫn tới cường giáp là nhân giáp nóng, do những nhân này sản sinh ra lượng hormone tuyến giáp dư thừa.
6.2. Các triệu chứng của bệnh cường giáp
Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Sút cân.
- Lo lắng.
- Tim đập nhanh.
- Đổ nhiều mồ hôi.
- Dễ bị nóng.
- Kinh nguyệt thay đổi
- Nhu động ruột tăng.
- Run rẩy.
6.3. Điều trị cường giáp
Bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc kháng giáp để giảm số lượng hormone tuyến giáp tiết ra, thuốc chẹn beta để kiểm soát nhịp tim nhanh.
Trường hợp những thuốc này không có tác dụng, bệnh nhân có thể được khuyên uống đồng vị I-ốt phóng xạ liều mạnh, hoặc một số trường hợp được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
7. Nhân giáp là gì?
Nhân giáp là những khối u (bướu) hình thành trong tuyến giáp. Khi người bệnh có nhân giáp, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm, thậm chí làm thủ thuật như chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ, hay sinh thiết, để xác định nhân giáp lành tính (không phải ung thư) hay ác tính (ung thư).
Nếu không có tế bào ung thư, người bệnh sẽ được kê đơn thuốc điều trị thu nhỏ kích thước nhân giáp, hoặc được phẫu thuật cắt nhân giáp.
Nếu tìm thấy tế bào ung thư, cần tiến hành điều trị theo phác đồ phù hợp. Ung thư tuyến giáp thường được điều trị thành công.
8. Có thể điều trị bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ có thai hay không?
Hiện nay, có nhiều loại thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp an toàn cho thai nhi, sử dụng được cho phụ nữ có thai, song người bệnh cần được theo dõi sát sao. Trong thai kỳ, không được dùng phóng xạ I-ốt, bởi có thể làm tổn thương tuyến giáp của thai nhi và tăng nguy cơ suy giáp sau khi chào đời.
9. Viêm tuyến giáp sau sinh là gì?
Ở một số phụ nữ, vấn đề tuyến giáp không khởi phát trong thai kỳ, mà bắt đầu từ sau khi sinh. Tình trạng này được gọi là viêm tuyến giáp sau sinh, thường xuất hiện và biến mất trong thời gian ngắn, nồng độ hormone sẽ nhanh chóng quay về mức bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn Acog.org