Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Viêm tuyến giáp sau sinh là bệnh rối loạn tuyến giáp ở phụ nữ. Đây là quá trình viêm của tuyến giáp xảy ra trong năm đầu tiên sau khi sản phụ sinh con mà trước đó tuyến giáp hoàn toàn không có dấu hiệu bệnh. Thực tế, căn bệnh này không hiếm gặp nhưng dễ nhầm lẫn với tình trạng stress hay rối loạn tâm thần sau sinh.
1. Viêm tuyến giáp sau sinh là bệnh gì?
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ ở phía trước cổ có chức năng tạo ra hormone tuyến giáp. Những hormone này theo mạch máu đi đến các bộ phận của cơ thể. Hormon tuyến giáp giúp kiểm soát cơ thể sử dụng năng lượng. Chúng có ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể. Khi tuyến giáp tạo ra lượng hormone không thích hợp sẽ xảy ra các vấn đề về sức khỏe.
Viêm tuyến giáp sau sinh là quá trình viêm của tuyến giáp xảy ra trong năm đầu tiên sau khi sản phụ sinh con mà trước đó tuyến giáp hoàn toàn không có dấu hiệu bệnh.
Sản phụ mắc bệnh viêm tuyến giáp sau sinh thường kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng. Tuy nhiên, viêm tuyến giáp sau sinh khó có thể nhận ra vì những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh thường bị nhầm tưởng do căng thẳng khi bị rối loạn tâm trạng sau sinh.
Hầu hết, phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh thì chức năng tuyến giáp sẽ trở lại bình thường. Nhưng với một số người thì bệnh có thể phát triển thành các biến chứng vĩnh viễn.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm tuyến giáp sau sinh
Nguyên nhân chính xác của viêm tuyến giáp sau sinh hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh thường có nồng độ kháng thể kháng tuyến giáp cao trong thời kỳ đầu mang thai và sau khi sinh con.
Do đó, đây là minh chứng cho thấy những sản phụ bị viêm tuyến giáp sau sinh có thể xuất hiện tình trạng tuyến giáp tự miễn tiềm ẩn bùng phát do sự biến động của chức năng miễn dịch. Tình trạng tiềm ẩn này có nhiều điểm tương đồng với viêm tuyến giáp Hashimoto-hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp.
Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm tuyến giáp sau sinh như sau:
- Bệnh rối loạn tự miễn dịch, ví dụ như bệnh tiểu đường type 1
- Tiền sử viêm tuyến giáp sau sinh
- Nồng độ kháng thể kháng tuyến giáp cao
- Tiền sử có các vấn đề về tuyến giáp trước đây
- Tiền sử gia đình có liên quan đến các vấn đề về tuyến giáp
Một số nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra bệnh viêm tuyến giáp sau sinh được đánh giá là cần thiết. Bên cạnh đó, đã có một số nghiên cứu chứng minh được mối quan hệ giữa viêm tuyến giáp sau sinh và trầm cảm sau sinh. Do đó, nếu bạn bị trầm cảm sau sinh nên gặp bác sĩ để được kiểm tra xem hoạt động của tuyến giáp có thay đổi bất thường không.
3. Các triệu chứng của bệnh viêm tuyến giáp sau sinh
Trong viêm tuyến giáp sau sinh, người bệnh có thể trải qua hai giai đoạn:
- Tình trạng viêm và giải phóng hormone tuyến giáp trước tiên có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ tương tự như tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp), bao gồm: lo lắng, cáu gắt, nhịp tim nhanh hoặc đánh trống ngực, giảm cân không có nguyên nhân, tăng độ nhạy cảm với nhiệt, mệt mỏi, run rẩy, mất ngủ. Những dấu hiệu và triệu chứng này thường xảy ra khoảng 1 đến 4 tháng sau sinh và kéo dài từ 1 đến 3 tháng.
- Giai đoạn tiếp theo, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn hoặc tuyến giáp sẽ bị phá hủy. Tuyến giáp bị phá hủy sẽ trở nên kém hoạt động. Tình trạng này cũng có thể biến mất hoặc tồn tại vĩnh viễn suốt cuộc đời (để khắc phục trường hợp này cần phải thay thế hormone). Khi các tế bào tuyến giáp trở nên suy yếu, các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ của tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) có thể phát triển, bao gồm: thiếu năng lượng, tăng độ nhạy cảm với lạnh, táo bón, da khô, tăng cân, cảm giác phiền muộn. Những dấu hiệu và triệu chứng này thường bắt đầu từ 4 đến 6 tháng sau khi các triệu chứng của cường giáp được giải quyết và có thể kéo dài đến 12 tháng.
Tuy nhiên, với một số phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh phát triển các triệu chứng chỉ bị cường giáp hoặc suy giáp.
4. Các biến chứng của viêm tuyến giáp sau sinh
Đối với hầu hết phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh, chức năng tuyến giáp cuối cùng sẽ trở lại bình thường. Thời gian thường kéo dài trong vòng 12 đến 18 tháng kể từ khi bắt đầu có triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, một số phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh không hồi phục được sau giai đoạn suy giáp. Trong trường hợp này, bệnh suy giáp sẽ phát triển khiến tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ các hormone quan trọng cho các cơ quan thực hiện chức năng của cơ thể.
5. Phòng bệnh viêm tuyến giáp sau sinh
Mặc dù không thể ngăn ngừa viêm tuyến giáp sau sinh, nhưng các sản phụ có thể thực hiện một số biện pháp chăm sóc bản thân trong những tháng sau khi sinh con để phòng ngừa bệnh, chẳng hạn như: ăn uống hợp lý, thường xuyên tập thể dục nâng cao sức khỏe, đảm bảo giấc ngủ và nghỉ ngơi đúng giấc... Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường sau sinh con, bạn đừng nghĩ rằng chúng liên quan đến sự căng thẳng khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Bạn hãy gặp bác sĩ để được khám và tư vấn kịp thời giúp tìm ra phương pháp xử lý nhằm tránh tình trạng bệnh trở nên nặng và gây ra những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có chuyên khoa Phụ sản, Nội tiết,... Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, hopkinsmedicine.org