Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Viêm tuyến giáp sau sinh là bệnh lý gặp ở khoảng 5 - 7% phụ nữ sau khi sinh con. Vì xảy ra ở giai đoạn đầu sau sinh nên các dấu hiệu bệnh ít được quan tâm hoặc hiểu lầm là sản phụ bị căng thẳng trong thời gian chăm sóc con nhỏ. Điều này làm bệnh nhân bỏ lỡ cơ hội phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả.
1. Tổng quan về bệnh viêm tuyến giáp sau sinh
Viêm tuyến giáp sau sinh là một bệnh rối loạn tuyến giáp ở phụ nữ. Đây là quá trình viêm của tuyến giáp xảy ra trong năm đầu tiên sau khi sản phụ sinh con mà trước đó tuyến giáp hoàn toàn bình thường. Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ này không hiếm gặp nhưng dễ bị nhầm lẫn với tình trạng stress hay rối loạn tâm thần sau sinh.
Ở phần lớn phụ nữ mắc viêm tuyến giáp sau sinh, chức năng tuyến giáp sẽ trở lại bình thường sau khoảng 12 - 18 tháng từ lúc triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên, cũng có một số biến chứng xảy ra khiến người bệnh phải điều trị lâu dài.
2. Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp sau sinh
Cho đến nay, nguyên nhân gây viêm tuyến giáp sau sinh vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy những phụ nữ mắc bệnh thường có nồng độ kháng thể kháng giáp cao hơn bình thường trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh. Vì vậy, các bác sĩ cho rằng phụ nữ mắc viêm tuyến giáp sau sinh là do có bệnh tuyến giáp tự miễn nào đó. Khi mang thai, hệ miễn dịch rối loạn là một nhân tố khiến bệnh bùng phát. Những bệnh nhân có tiền sử gia đình bị bệnh tuyến giáp tự miễn cũng có nguy cơ cao bị rối loạn tuyến giáp sau khi sinh con.
Bên cạnh đó, những người bị rối loạn tuyến giáp thai kỳ cũng dễ bị rối loạn tuyến giáp trong giai đoạn hậu sản.
3. Triệu chứng của viêm tuyến giáp sau sinh
Những triệu chứng của viêm tuyến giáp sau sinh không đặc hiệu, dễ gây nhầm lẫn với các căn bệnh khác. Theo đó, quá trình viêm tuyến giáp sau sinh thường trải qua 2 pha:
Pha đầu tiên, tuyến giáp bị viêm, sản xuất nhiều hormone giáp, gây các triệu chứng của cường giáp như:
- Mệt mỏi, mất ngủ;
- Lo âu, dễ tức giận;gắt gỏng
- Kinh nguyệt không đều;
- Run cơ, tim đập nhanh và mạnh;
- Sụt cân không rõ nguyên nhân;
- Giọng nói thay đổi;
- Suy giảm thính lực và ham muốn tình dục;
Những triệu chứng này thường xảy ra sau khi sinh khoảng 1 - 4 tháng, kéo dài khoảng 1 - 3 tháng. Tuy nhiên, vì xảy ra trong giai đoạn đầu sau sinh nên những triệu chứng này ít khi được quan tâm hoặc bị hiểu lầm là do bà mẹ bị căng thẳng trong thời gian chăm sóc con nhỏ.
Sau đó, các tế bào tuyến giáp trở nên kém hoạt động, không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết theo nhu cầu cơ thể, dẫn tới pha 2 với các biểu hiện của suy giáp như:
- Rối loạn kinh nguyệt
- Mệt mỏi, nhức mỏi
- Tăng cân
- Táo bón;
- Da và tóc khô, dễ gãy rụng;
- Sợ lạnh;
- Kém tập trung.
Những triệu chứng suy giáp xảy ra sau sinh khoảng 4 - 8 tháng và có thể kéo dài 9 - 12 tháng. Tuy nhiên, đôi khi viêm tuyến giáp sau sinh chỉ có biểu hiện của cường giáp hoặc suy giáp mà không phải luôn theo trình tự 2 pha như trên.
Mặc dù gây ra nhiều phiền phức nhưng thống kê cho thấy có tới 80% phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp đều trở lại bình thường sau khoảng 1 năm mà không cần điều trị. Những trường hợp không suy giảm triệu chứng theo thời gian thì có thể phải đối diện với một số biến chứng như bệnh tim mạch, giòn xương hoặc vấn đề thị lực. Nghiêm trọng hơn, viêm tuyến giáp sau sinh kéo dài còn có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản tình dục vì kìm hãm sự rụng trứng.
4. Phòng ngừa viêm tuyến giáp sau sinh
Những phụ nữ đã có tiền sử bị rối loạn tuyến giáp sẽ được bác sĩ tư vấn một chế độ ăn thích hợp để phòng ngừa viêm tuyến giáp sau sinh. Và đối với những người muốn phòng ngừa rối loạn tuyến giáp sau sinh thì có thể áp dụng những phương pháp sau:
4.1 Ăn uống hợp lý
Bổ sung thêm trái cây, ngũ cốc, thịt nạc vào chế độ ăn. Các thực phẩm này rất tốt cho sức khỏe và sữa mẹ;
4.2 Tập thể dục sau sinh
Khởi đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng, sau tăng dần cường độ theo tình trạng sức khỏe bản thân;
4.3 Ngủ đủ giấc
Có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và khả năng sản xuất sữa mẹ. Nếu bị cường giáp, chị em cần hạn chế ăn những thực phẩm nhiều iot và chế phẩm từ sữa như cá biển, cua biển, tảo biển, muối iot, nước mắm, cải xoong, bơ, kem, phô mai, sữa chua,... và khám sức khỏe định kỳ và tầm soát các bệnh lý về viêm tuyến giáp để nhận được lời khuyên thích hợp của bác sĩ chuyên khoa.
5. Các phương pháp chẩn đoán viêm tuyến giáp sau sinh
- Hỏi bệnh sử, khám thực thể dựa trên các triệu chứng bệnh;
- Xét nghiệm hormone: Xét nghiệm máu để định lượng hormone được sản xuất bởi tuyến giáp và tuyến yên;
- Xét nghiệm kháng thể: Vì bệnh Hashimoto là một bệnh tự miễn nên nguyên nhân gây bệnh có thể liên quan tới việc tạo ra các kháng thể bất thường. Xét nghiệm máu có thể xác nhận sự hiện diện của kháng thể kháng peroxidase tuyến giáp - một hormone đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hormone giáp;
- Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh là đo độ hấp thụ i ốt phóng xạ cũng có thể được thực hiện.
6. Các biện pháp điều trị
Theo thống kê, có khoảng 80% bệnh nhân viêm tuyến giáp sau sinh sẽ trở lại bình thường sau 1 năm. Vì vậy, nếu triệu chứng pha cường giáp không rõ thì không cần điều trị. Nếu triệu chứng rõ, nên điều trị giảm triệu chứng bằng thuốc chẹn beta giao cảm.
Ở pha suy giáp thường không cần điều trị. Nếu pha suy giáp kéo dài, triệu chứng suy giáp rõ thì nên điều trị bằng thuốc levothyroxine và nên ngừng sau 6 - 9 tháng dùng thuốc để đánh giá lại tình trạng tuyến giáp.
Trong trường hợp bản thân bệnh nhân và gia đình cảm thấy quá lo lắng về viêm tuyến giáp sau sinh thì nên tìm đến chuyên khoa Nội tiết - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và nhận được lời khuyên tốt nhất trong việc phòng ngừa, điều trị bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.