Bệnh cường giáp có nguy hiểm không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Bùi Minh Đức - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Cường giáp là hội chứng phổ biến do nhiều bệnh gây nên, trong đó Basedow là nguyên nhân gây bệnh cường giáp hay gặp nhất. Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa và tăng trưởng của cơ thể. Vậy bệnh cường giáp nguy hiểm như thế nào?

1. Bệnh cường giáp là gì?

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu, cường giáp là một hội chứng, tức là không phải một bệnh riêng biệt. Có nhiều bệnh gây ra hội chứng này, trong đó có thể kể đến bệnh Basedow - Bệnh cường giáp hay gặp nhất với bướu cổ có lồi mắt, cường giáp; cường giáp do bướu nhân độc tuyến giáp, viêm tuyến giáp....

Bệnh cường giáp là một nhóm bệnh gây ra bởi tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxin) dẫn đến các triệu chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức với các biểu hiện: tim đập nhanh, gầy sút cân...

2. Triệu chứng cường giáp như thế nào?


Người bệnh cường giáp hay bị khó ngủ, giấc ngủ không yên
Người bệnh cường giáp hay bị khó ngủ, giấc ngủ không yên

Các triệu chứng bệnh cường giáp bao gồm:

● Hồi hộp đánh trống ngực: cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực, có thể cảm thấy đau ngực, khó thở.

● Sợ nóng: do mức chuyển hóa cơ bản cao, thân nhiệt của người bệnh cường giáp thường cao hơn bình thường, do vậy người bệnh thường không chịu được những nơi có nhiệt độ cao hay thời tiết nóng nực.

● Tiêu chảy: Tình trạng tiêu chảy kéo dài có thể là dấu hiệu bệnh cường giáp, nguyên nhân do nhu động ruột tăng thường xuyên.

● Run tay: Triệu chứng run tay khiến bệnh nhân không thể tự kiểm soát, thường run với tần số nhanh và biên độ nhỏ

Bướu cổ: vùng cổ, nơi chứa tuyến giáp phình to, nguyên nhân do tuyến giáp bị phì đại.

● Sụt cân: người bệnh cường giáp thường bị sụt cân, dù chế độ ăn vẫn như bình thường thậm chí là nhiều hơn, có thể sụt nhiều kilogram trong vòng 1 tháng.

● Ra mồ hôi nhiều: cùng với tình trạng sợ nóng, người bệnh cường giáp thường xuyên ra mồ hôi thậm chí cả khi không vận động gì chỉ ngồi yên một chỗ.

● Thay đổi tính tình, dễ cáu giận, lo lắng

Rối loạn giấc ngủ: người bệnh cường giáp hay bị khó ngủ, giấc ngủ không yên, giấc ngủ ngắn hơn bình thường.

● Yếu mệt: mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, người bệnh không muốn vận động nhiều.

3. Cường giáp có nguy hiểm không?

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm:

Biến chứng tim mạch: tình trạng nhịp tim nhanh thường gặp ở bệnh nhân cường giáp, các rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn như rung nhĩ có thể gặp phải. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng suy tim ở người bệnh cường giáp.

Cơn bão giáp: khi tình trạng hormone tăng quá cao, các triệu chứng đột ngột trở nên nặng nề, lúc này, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa nếu không kịp thời được chẩn đoán và điều trị.

Lồi mắt ác tính: Trong cường giáp do bệnh Basedow, người bệnh có thể bị lồi mắt, thường xuyên chảy nước mắt và nhạy cảm hơn đối với ánh sáng, hay kèm theo viêm kết mạc, tổn thương giác mạc.


Trong cường giáp do bệnh Basedow, người bệnh có thể bị lồi mắt
Trong cường giáp do bệnh Basedow, người bệnh có thể bị lồi mắt

4. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh cường giáp?

Khi bạn có các dấu hiệu cảnh báo cường giáp, hãy đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và đưa ra các cận lâm sàng thích hợp để chẩn đoán bệnh.

Xét nghiệm cần được làm là: định lượng TSH, FT3, FT4. Nếu bạn bị cường giáp, kết quả xét nghiệm của bạn sẽ biểu hiện bằng việc tăng nồng độ FT4, FT3 và TSH giảm. Các cận lâm sàng khác có thể được bổ sung để đánh giá kích thước tuyến giáp và tìm nguyên nhân của hội chứng cường giáp như là: siêu âm tuyến giáp, siêu âm doppler tuyến giáp.

5. Điều trị cường giáp

Thông thường, khi được phát hiện, bệnh cường giáp có thể được điều trị dễ dàng bằng các biện pháp nội khoa. Tức là người bệnh chỉ cần uống thuốc để điều trị. Các thuốc kháng giáp tổng hợp, các thuốc chẹn beta giao cảm hoặc an thần sẽ được bác sĩ kê toa cho bệnh nhân cường giáp. Tuy nhiên, cần chú ý là thời gian điều trị bệnh cần kéo dài liên tục 12-18 tháng, cho nên người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc khi thấy không còn các triệu chứng của bệnh.

Tình trạng lâm sàng của người bệnh sẽ được cải thiện sau khoảng 2- 4 tuần, các xét nghiệm chức năng tuyến giáp cũng dần hồi phục sau đó, TSH thường cải thiện chậm hơn.

Trong một số trường hợp, tình trạng bướu cổ to gây ảnh hưởng thẩm mỹ, hoặc bướu tái phát nhiều lần, bướu có thể được giải quyết bằng phương tiện ngoại khoa hoặc uống đồng vị Iod phóng xạ.

Cường giáp là một tình trạng rối loạn hormone tuyến giáp, có nhiều biểu hiện lâm sang, gây ra các rối loạn chuyển hóa, tác động đến toàn bộ cơ thể.

Cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, do vậy, khi gặp các dấu hiệu cảnh báo bệnh cường giáp, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe