Đau tim là một tình trạng y tế khẩn cấp, người bệnh cần can thiệp nhanh chóng để tăng cơ hội sống và giảm sự tổn thương tim. Các triệu chứng của cơn đau tim có nhiều sự thay đổi giữa các bệnh nhân, các mức độ nặng nhẹ rất khác nhau.
1. Nguyên nhân của cơn đau tim
Cholesterol máu lắng đọng, tích tụ sẽ tạo nên các mảng xơ vữa bên trong thành động mạch cung cấp máu đến cơ tim. Các mảng xơ vữa này làm thành động mạch hẹp dần, khả năng cung cấp máu và oxy đến cơ tim giảm.
Khi lòng động mạch bị hẹp đến một mức độ nào đó (thông thường là hẹp hơn 50% khẩu kính lòng mạch), cơ tim sẽ bị thiếu máu và oxy gây nên cơn đau thắt ngực. Nếu bệnh mạch vành không được kiểm soát tốt, tình trạng tắc nghẽn ngày càng xấu đi, một vài động mạch vành có thể bị tắc hoàn toàn và gây cơn đau tim.
Tuy nhiên, bệnh mạch vành trong một số trường hợp không diễn ra từ từ. Các mảng xơ vữa có thể vỡ ra gây tắc động mạch đột ngột, dòng máu đến phần cơ tim bị tắc hoàn toàn, các tế bào của phần cơ tim đó sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.
2. Các triệu chứng của cơn đau tim
Các triệu chứng của cơn đau tim có nhiều sự thay đổi giữa các bệnh nhân, các mức độ nặng nhẹ rất khác nhau, có người có đầy đủ triệu chứng, có người chỉ có một số triệu chứng. Đặc biệt, ở người cao tuổi, người bị đái tháo đường, phụ nữ có thể gặp một số triệu chứng khác biệt.
Các triệu chứng thường gặp khi bị đau tim là:
- Cảm thấy đau ngực nặng, đau nhói, căng tức, tim như bị đè ép bởi vật nặng. Cảm giác đau, khó chịu có thể lan ra từ ngực đến vai, lưng, cổ, hàm, một hoặc hai cánh tay, ra sau lưng, đôi khi đến cả bụng trên.
- Đột nhiên chóng mặt, ngất xỉu
- Khó thở, hoảng sợ, ra mồ hôi lạnh, da tái xanh
- Cảm giác khó chịu trong bụng như khi bị đầy hơi, ở phụ nữ thường có buồn nôn và nôn
- Yếu hoặc mệt mỏi, đặc biệt là ở người lớn tuổi và phụ nữ
Lưu ý là có một số trường hợp người già trên 75 tuổi hoặc người bị đái tháo đường, người bệnh lên cơn đau tim nhưng lại không có các triệu chứng đau ngực. Do đó, nếu chỉ dựa vào mức độ đau ngực mà bỏ qua các triệu chứng khác bệnh nhân có thể bị mất cơ hội được sơ cứu, đưa đi điều trị kịp thời.
So với các cơn đau thắt ngực, các cơn đau tim thường kéo dài hơn (khoảng trên 20 phút), tình trạng đau nặng hơn, khi nghỉ ngơi hoặc dùng Nitroglycerin, tình trạng đau không giảm.
3. Cách sơ cứu người bị đau tim
Đau tim là tình trạng y tế khẩn cấp, các cơ tim có thể đang chết đi từng phút và không thể hồi phục được. Do đó, người bệnh cần được điều trị khẩn trương để tăng cơ hội sống và giới hạn tình trạng tổn thương tim.
Nếu bạn nghĩ bạn hoặc một người xung quanh đang có các dấu hiệu của đau tim, nên nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc nhờ bạn bè, người thân đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Khi đến khoa cấp cứu, hãy nói ngay là đang bị đau tim để được chú ý và can thiệp ngay lập tức.
Để quá trình điều trị được thuận lợi, cần cung cấp cho bác sĩ một số thông tin như: Cơn đau tim bắt đầu từ lúc nào? Tính chất cơn đau thay đổi như thế nào từ khi bắt đầu? Các bệnh đang mắc phải cùng các thuốc đang dùng thường xuyên để điều trị? Các thuốc đã dùng từ khi xuất hiện cơn đau?
Trong thời gian chờ đợi đưa đến cơ sở y tế, có thể áp dụng một số cách sơ cứu người bị đau tim như sau:
- Nới rộng quần áo ở cổ, ngực, bụng, ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, đầu và vai được nâng đỡ, đầu gối gấp để giảm gánh nặng cho tim. Cố gắng giữ tâm trạng bình tĩnh, tránh hoảng loạn.
- Sử dụng thuốc aspirin: Nhai một liều aspirin dạng viên nén (300mg) để giúp làm tan cục máu đông và làm giảm thiểu tổn thương cơ tim. Không được dùng trong trường hợp bị dị ứng hoặc có các chống chỉ định đặc biệt mà bác sĩ không cho sử dụng.
- Dùng Nitroglycerin hoặc các thuốc khác đã được bác sĩ kê đơn trước đó để sơ cứu người bị đau tim. Không dùng các thuốc tim mạch của người khác vì có thể khiến bệnh nhân gặp các tình huống nguy hiểm hơn.
- Nếu tình trạng của bệnh nhân nguy kịch, hãy tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) cho bệnh nhân.
- Nếu có thể, hãy sử dụng máy khử rung tim tự động bên ngoài AED cho bệnh nhân, máy sẽ phát ra các sốc điện để điều chỉnh tình trạng nhịp tim bất thường, khi đã gắn máy AED vào người, hãy luôn bật máy ngay cả khi bệnh nhân đã hồi phục.
Khi cơn đau tim xảy ra, sẽ rất khó để lên kế hoạch phải làm gì để sơ cứu người bị đau tim, do đó nếu bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch và đã từng có những cơn đau thắt ngực trước đó, nên chuẩn bị các phương án trước khi cơn đau tim xảy ra như: Số điện thoại cấp cứu của cơ sở y tế gần nhất, số điện thoại người thân sẽ hỗ trợ, các thuốc điều trị luôn cần mang theo bên người,...
Các bệnh tim mạch gây nên cơn đau tim thường xảy ra ở những người nghiện thuốc lá, ăn nhiều chất béo, mắc bệnh tiểu đường, cholesterol máu cao, huyết áp cao, thừa cân, béo phì,... Thực hiện lối sống lành mạnh, không hút thuốc, hạn chế rượu bia, chế độ ăn giàu vitamin, chất xơ, thường xuyên vận động để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các cơn đau tim có thể xảy ra trong tương lai.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org