Chẩn đoán và điều trị giãn tĩnh mạch nông chi dưới

Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới là bệnh lý khá phổ biến hiện nay với tỉ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng liên quan đến lối sống của xã hội mới. Những công việc đòi hỏi người làm phải ngồi hoặc đứng nhiều giờ, tình trạng béo phì gia tăng là những yếu tố nguy cơ của bệnh suy tĩnh mạch nông chi dưới. Vậy chẩn đoán và điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới có khó không?

1. Yếu tố nguy cơ của bệnh giãn tĩnh mạch nông

Tần suất mắc bệnh giãn tĩnh mạch nông của người trưởng thành ở Việt Nam vào khoảng 9 - 30%. Tính phổ biến, sự gia tăng của chứng suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới đã ảnh hưởng lớn đến khả năng làm việc và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Việc điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới cần được chú trọng để giúp người bệnh cải thiện triệu chứng, tránh biến chứng muộn và nâng cao khả năng lao động. Các yếu tố nguy cơ dễ khiến bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch nông:

  • Tuổi tác ngày càng cao: 50% người lớn trên 50 tuổi mắc bệnh giãn tĩnh mạch nông, tỉ lệ này sẽ tăng lên là 70% bị giãn tĩnh mạch nông ở tuổi 70;
  • Bệnh giãn tĩnh mạch nông do di truyền: nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới tăng lên 2 lần nếu bệnh nhân có cha hoặc mẹ mắc bệnh, nguy cơ này sẽ tăng lên gấp 4 lần nếu cả cha và mẹ cùng bệnh giãn tĩnh mạch nông;
  • Giới tính: suy tĩnh mạch nông chi dưới thường gặp ở nữ nhiều hơn nam 3 lần. Điều này được giải thích là do ảnh hưởng của nội tiết tố estrogen, progesterone đến thành mạch máu ở nữ giới và thói quen ít hoạt động, một số công việc cần phải đứng lâu. Đặc biệt là nữ giới phải trải qua giai đoạn thai nghén, trong những tháng cuối, áp lực ổ bụng tăng lên làm cản trở máu từ tĩnh mạch trở về tim gây suy giãn tĩnh mạch trước và sau khi sinh;
  • Chế độ ăn ít chất xơ, tình trạng táo bón thường xuyên làm tăng áp lực ổ bụng khi người bệnh dùng sức để rặn, lối sống ít vận động, ngồi/đứng lâu làm tăng áp lực lên tĩnh mạch;
  • Thể trạng mập, béo phì;
  • Nằm bất động lâu ngày ở người bị liệt 2 chi dưới, liệt nửa người, liệt tứ chi... sau phẫu thuật vùng chậu, khớp hoặc thường xuyên sử dụng các thuốc ngừa thai dạng uống sẽ làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu, gây bệnh giãn tĩnh mạch nông thứ phát.

2. Sinh lý bệnh giãn tĩnh mạch nông

Hệ mạch máu trong cơ thể con người được chia thành 3 phần:

  • Động mạch có nhiệm vụ đưa máu từ tim đến các cơ quan để nuôi dưỡng cơ thể;
  • Các mao mạch giúp trao đổi chất tại các cơ quan;
  • Tĩnh mạch có nhiệm vụ dẫn máu ngược từ các cơ quan quay trở về tim.

Trong đó, hệ thống tĩnh mạch chi dưới được chia thành 3 nhóm chính:

  • Tĩnh mạch sâu: tĩnh mạch chày, tĩnh mạch khoeo, tĩnh mạch đùi giúp vận chuyển lên đến 90% lưu lượng máu tĩnh mạch của 2 chân;
  • Tĩnh mạch nông: tĩnh mạch hiển lớn và tĩnh mạch hiển bé, loại tình mạch này chỉ vận chuyển 10% lưu lượng máu tĩnh mạch của 2 chân;.
  • Tĩnh mạch xuyên: vận chuyển máu từ tĩnh mạch nông đến tĩnh mạch sâu.

Trong lòng các tĩnh mạch luôn tồn tại các van một chiều, các van này có nhiệm vụ giúp máu chảy theo chiều từ dưới lên trên, từ nông vào sâu và ngăn không cho hiện tượng máu chảy ngược lại xảy ra. Vì một lý do nào đó mà các van này bị suy yếu, khi đó dòng máu sẽ bị trào ngược và có xu hướng ứ đọng ở phần thấp hơn của chân, gây ra tình trạng nặng chân, tê/phù và bị giãn tĩnh mạch nông.

Xem ngay: Phẫu thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới

suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới
Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới là bệnh lý khá phổ biến hiện nay

3. Chẩn đoán bệnh giãn tĩnh mạch nông

3.1. Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới

  • Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới gây tức, đau, nặng chân khi người bệnh ngồi hoặc đứng, cơn đau sẽ giảm khi nâng cao chân hoặc người bệnh sử dụng vớ áp lực. Tuy nhiên cần phân biệt đau do suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới với đau do những nguyên nhân cơ khớp, đau cách hồi ở bệnh động mạch.
  • Sưng, mỏi ở vị trí mắt cá chân;
  • Ngứa ngáy;
  • Chuột rút vào ban đêm;
  • Chân không yên, cảm giác bồn chồn;
  • Khi thăm khám lâm sàng nhận thấy các triệu chứng thực thể như: phù, tĩnh mạch mạng nhện, búi dãn tĩnh mạch nông, loạn dưỡng da, chàm, loét...

3.2. Cận lâm sàng giúp chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới

Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán không xâm nhập, an toàn, hiệu quả, giúp đánh giá cả hệ tĩnh mạch sâu và hệ tĩnh mạch nông. Cần khảo sát tĩnh mạch đùi chung và tĩnh mạch khoeo để đảm bảo không có hiện tượng tắc nghẽn và trào ngược.

Khi siêu âm cần lưu ý 4 yếu tố: quan sát hình ảnh, khả năng đè ép, dòng chảy tĩnh mạch gồm đo thời gian dòng trào ngược và biện pháp làm tăng dòng chảy.

Siêu âm ở tư thế đứng giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng suy van tĩnh mạch bằng 1 trong 2 cách:

  • Làm tăng áp lực ổ bụng bằng nghiệm pháp Valsalva: dùng đánh giá quai tĩnh mạch hiển và đùi;
  • Dùng cách ép và thả bằng tay thường đánh giá ở những đoạn xa.

Thời gian trào ngược bất thường cho tĩnh mạch đùi và tĩnh mạch khoeo là lớn hơn 1 giây và ở tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch hiển bé, tĩnh mạch chày, đùi sâu là hơn 0,5 giây.

Bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới nên được kiểm tra siêu âm tĩnh mạch xuyên cẩn thận, suy tĩnh mạch xuyên được đánh giá khi dòng chảy ngược ra tĩnh mạch nông dài hơn 0,5 giây, đường kính ≥ 3.5 mm.

3.3. Phân độ theo bảng phân độ CEAP

  • Độ 0: Không có dấu hiệu giãn tĩnh mạch (khi nhìn hoặc sờ);
  • Độ 1: Có giãn mao mạch hoặc giãn tĩnh mạch dạng lưới;
  • Độ 2: Giãn tĩnh mạch;
  • Độ 3: Phù;
  • Độ 4: Rối loạn dinh dưỡng có nguồn gốc do tĩnh mạch, rối loạn sắc tố da, chàm...
  • Độ 5: Rối loạn dinh dưỡng giống như độ 4 kèm theo loét đã lành sẹo;
  • Độ 6: Rối loạn dinh dưỡng giống như độ 4 nhưng kèm theo loét không lành sẹo.

4. Điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới

4.1. Điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới bằng phương pháp nội khoa

  • Thuốc trợ tĩnh mạch: diosmin, hesperidin, rutosides là các hoạt chất chính được sử dụng trên những bệnh nhân có đau và phù do suy tĩnh mạch mạn tính, kết hợp với điều trị băng ép.
  • Pentoxifylline kết hợp với điều trị băng ép làm tăng quá trình lành vết loét tĩnh mạch.

4.2. Điều trị băng ép

Băng ép trong điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới là phương pháp hiệu quả giúp kiểm soát triệu chứng, tuy nhiên không giúp điều trị khỏi nguồn gốc trào ngược. Khi bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới có dòng trào ngược nên điều trị bằng những phương pháp dứt điểm.

Không xem điều trị băng ép là biện pháp bắt buộc đầu tiên cho trường hợp trào ngược tĩnh mạch bệnh lý khi bệnh nhân thích hợp với phương pháp điều trị can thiệp nội mạch. Sau điều trị can thiệp, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên dùng băng ép trong thời gian hậu phẫu với thời gian và áp lực do bác sĩ quyết định).

Suy tĩnh mạch chi dưới là một căn bệnh mãn tính, vì vậy người bệnh được khuyến cáo sử dụng vớ áp lực ngay cả sau khi đã điều trị dứt điểm.

suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới
Xây dựng chế độ ăn uống cung cấp nhiều chất xơ để Xây dựng chế độ ăn uống cung cấp nhiều chất xơ, tránh tình trạng táo bón

4.3. Điều trị can thiệp

  • Điều trị nhiệt nội tĩnh mạch: là điều trị được lựa chọn cho tình trạng suy tĩnh mạch hiển và các nhánh. Chống chỉ định điều trị nhiệt nội tĩnh mạch khi không sờ thấy mạch ở bàn chân, không thực hiện trên những bệnh nhân bất động, tình trạng sức khỏe kém, có huyết khối tĩnh mạch sâu, có thai, tĩnh mạch hiển xoắn vặn không đưa ca-tê-te vào nội tĩnh mạch được.
  • Phẫu thuật hở: chỉ định khi tĩnh mạch không thích hợp với điều trị nội mạch, tuy nhiên phương pháp phẫu thuật hở hiện nay không được khuyến khích do đau, thời gian hồi phục kéo dài và có nhiều biến chứng.

Quy trình điều trị nhiệt nội tĩnh mạch bằng Laser hoặc tần số Radio:

  • Siêu âm tư thế đứng để đánh giá lại chỉ định can thiệp nội mạch, lập bản đồ tĩnh mạch, đánh dấu vị trí chọc tĩnh mạch;
  • Bệnh nhân nằm ngửa, giảm đau bằng Paracetamol truyền tĩnh mạch;
  • Sát trùng 2 chân bệnh nhân bằng Betadin, thực hiện cả ở vùng bẹn;
  • Trải drap vô trùng;
  • Chọc tĩnh mạch theo phương pháp Seldinger dưới sự hướng dẫn của sóng siêu âm;
  • Luồn catheter đốt đến vị trí cách quai tĩnh mạch hiển 1.5 - 2 cm;
  • Gây tê quanh tĩnh mạch bằng phương pháp bơm phồng với hướng dẫn của sóng siêu âm;
  • Tiến hành điều trị phát nhiệt (bằng Laser hoặc RF) để hủy thân tĩnh mạch hiển;
  • Các kỹ thuật phối hợp khác (tiểu phẫu lấy tĩnh mạch nông).

5. Dự phòng bệnh giãn tĩnh mạch nông

  • Tránh đứng/ngồi quá lâu, khi nằm nghỉ nên kê cao chân;
  • Xây dựng chế độ ăn uống cung cấp nhiều chất xơ, tránh tình trạng táo bón;
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao giúp máu lưu thông về tim tốt hơn;
  • Khi mang thai nên mang vớ y khoa để phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch nông;
  • Giảm cân đến cân nặng lý tưởng nhất theo chiều cao;
  • Đối với bệnh nhân nằm bất động lâu ngày nên thực hiện tập vật lý trị liệu, xoa bóp các chi để tránh huyết khối tĩnh mạch.

Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới là bệnh lý khá phổ biến hiện nay với tỉ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng liên quan đến lối sống của xã hội mới. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm sẽ giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe.

Biến chứng nặng nề nhất của suy giãn tĩnh mạch chi dưới là hình thành huyết khối trong lòng mạch gây tắc, diễn biến thành mảng biến đổi sắc tố trên da và loét hoại tử vùng da.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan