Cần phải làm gì để huyết áp ổn định?

Tăng huyết áp là căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và bệnh đang ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi. Hơn nữa, bệnh cao huyết áp còn được xem như kẻ giết người thầm lặng bởi do các dấu hiệu của bệnh khi bắt đầu không rõ ràng, khiến người bệnh chủ quan. Vậy người bệnh cần làm gì để huyết áp ổn định, tránh được những biến chứng xấu có thể xảy ra?

1. Đặc điểm của bệnh tăng huyết áp

Thông thường để xác định huyết áp, người bệnh sẽ được đo qua hai chỉ số ứng với từng hoạt động của cơ quan tim bao gồm:.

  • Huyết áp tâm thu - huyết áp tối đa chỉ số đo khi tim co bóp và đẩy máu đi khiến thành mạch chịu áp lực lớn.
  • Huyết áp tâm trương - huyết áp tối thiểu là chỉ số khi tim giãn nghỉ giữa hai lần co bóp liên tiếp. Vì vậy thành mạch không chịu bất kỳ áp lực nào từ tim và chỉ số này cũng có giá trị thấp.

Ở người bình thường, các chỉ số huyết áp sẽ nhỏ hơn 120/80mmHg. Nhưng khi mắc bệnh cao huyết áp thì chỉ số này sẽ tăng lên lớn hơn hoặc bằng 140/90mmHg. Một số trường hợp đặc biệt, chỉ số này có thể tăng vượt quá mức quy định và xảy ra trong thời gian dài. Khi huyết áp tăng cao sẽ khiến cho tim phải chịu nhiều áp lực và tình trạng này kéo dài liên tục có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vanh,... Vì vậy, người bệnh cần thường xuyên thực hiện kiểm tra huyết áp nhằm giúp phát hiện sớm và có biện pháp kịp thời cho dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

2. Cần phải làm gì để ổn định huyết áp?

Việc theo dõi huyết áp thường xuyên có thể giúp cho người bệnh nhanh chóng phát hiện ra tình trạng của bệnh. Tuy nhiên, để phòng chống và duy trì huyết áp của người bệnh thì cần thực hiện một số hoạt động như:

  • Giảm cân nặng nếu trường hợp người bệnh đang bị thừa cân, béo phì. Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ tăng huyết áp, và những yếu tố này cũng khiến cho người bệnh còn mắc chứng ngưng thở khi ngủ - tiền căn của tình trạng tăng huyết áp. Vì vậy, thực hiện giảm cân và duy trì cân nặng đáp ứng theo từng cơ thể giúp cho việc duy trì và ổn định huyết áp được tốt hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi người bệnh giảm cân nặng thì chỉ số huyết áp sẽ giảm xuống 1mmHg. Thêm vào đó, người bệnh cũng cần giảm theo dõi số đo vòng eo để có thể nhận biết về tình trạng huyết áp của bản thân. Với người bệnh là nam giới có nguy cơ tăng huyết áp khi chỉ số vòng eo >120cm, còn với nữ giới có nguy cơ tăng huyết áp khi vòng eo >89cm.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục. Nếu như bạn không bị tăng huyết áp thì việc thường xuyên luyện tập thể dục sẽ giúp phòng tránh bệnh tật đồng thời nâng cao sức khoẻ. Tuy nhiên, việc thường xuyên luyện tập thể dục cũng có lợi ích tốt với những người mắc tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thực hiện vận động cơ thể với thời lượng ít nhất 150 phút/tuần sẽ giúp cho người bệnh giảm chỉ số huyết áp từ 5 đến 8mmHg. Tuy nhiên, người bệnh cần thực hiện duy trì thói quen luyện tập đều đặn để có thể giữ chỉ số huyết áp ở mức tiêu chuẩn. Một số bài tập phù hợp có thể được người tăng huyết áp lựa chọn bao gồm: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ... Người bệnh có thể luyện tập bài tập cường độ cao ngắt quãng, và chuyển sang tập nhẹ nhàng.
  • Xây dựng và áp dụng chế độ ăn lành mạnh. Theo khuyến cáo chế độ ăn cho người bệnh huyết áp cao thì việc tuân thủ thực đơn gồm ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu protein tốt, thực phẩm giàu canxi, kali, magie, trái cây... đồng thời giảm thiểu các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa, cholesterol... sẽ giúp giảm huyết áp tới 11mmHg. Hơn nữa, khi người bệnh cắt giảm lượng đường và carbs tinh chế trong khẩu phần ăn cũng sẽ làm giảm chỉ số huyết áp của cơ thể và được chứng minh trong nhiều nghiên cứu. Chẳng hạn như những người áp dụng chế độ ăn kiêng hạn chế carbs và đường trong khoảng 6 tuần có thể cải thiện huyết áp và các dấu hiệu của bệnh lý tim mạch so với những người không áp dụng chế độ ăn này.
  • Hạn chế sử dụng lượng natri trong chế độ ăn của người tăng huyết áp có thể giảm từ 2 đến 8mmHg. Người bệnh nên hạn chế lượng muối mỗi ngày dưới 2300mg hoặc thậm chí ít hơn nữa. Và người bệnh cần lưu ý khi có các triệu chứng của đái tháo đường, tăng huyết áp, tuổi trên 50... thì cần hạn chế lượng muối ở dưới mức 1500mg. Lưu ý khi lựa chọn thực phẩm để tránh thêm lượng muối vào khẩu phần thì cần đọc kỹ nhãn thành phần trước khi sử dụng.
  • Hạn chế sử dụng rượu. Nếu chỉ uống rượu ở mức độ vừa phải chẳng hạn 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly đối với nam giới thì có thể sẽ giảm chỉ số huyết áp xuống khoảng 4mmHg. Tuy nhiên, tác dụng này sẽ không phát huy khi người bệnh uống qua nhiều rượu và làm cho huyết áp tăng nhanh chóng.
  • Từ bỏ hút thuốc lá. Thuốc lá khiến cho huyết áp tăng vọt ngay sau khi hút. Vì vậy, bạn nên ngừng và từ bỏ thuốc ngày sẽ giúp cho chỉ số huyết áp trở lại bình thường. Bỏ thuốc lá còn giúp cho người bệnh giảm nguy cơ mắc các bệnh khác liên quan như bệnh tim, cải thiện sức khoẻ tổng thể. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những người không hút thuốc lá có khả năng sống thọ hơn so với những người hút thuốc lá trong thời gian dài.
  • Cắt giảm lượng caffein trong ngày. Cafein có tác dụng đối với huyết áp, tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn đang có nhiều tranh cãi. Cafein có thể làm tăng huyết áp lên tới 10mmHg ở những người không dung nạp thường xuyên hợp chất này. Tuy nhiên, những người hay sử dụng cà phê lại cho rằng cafein ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp của họ. Bạn có thể thử nghiệm bằng cách đo huyết áp trong vòng 30 phút sau khi sử dụng đồ uống có chứa cafein. Nếu chỉ số huyết áp chỉ tăng từ 5 đến 10 mmHg thì điều đó chứng tỏ là cơ thể có nhạy cảm với cafein. Và cần cắt giảm lượng cafein mỗi ngày để tránh ảnh hưởng đến huyết áp.
  • Giảm tình trạng căng thẳng. Căng thẳng mãn tính có thể làm cho tình trạng huyết áp trở nên nặng nề hơn, chẳng hạn như công việc, gia đình, tài chính hoặc bệnh tật...Người bệnh nên dành thời gian xem xét và tìm hiểu những điều này để giải quyết và loại bỏ tình trạng stress.
  • Bổ sung tỏi hoặc tinh dầu tỏi vào bữa ăn hàng ngày. Tỏi tươi hoặc tinh dầu tỏi được sử dụng khá phổ biến và cũng là cách hạ huyết áp nhanh. Nghiên cứu về lợi ích của tỏi cho thấy, những người bổ sung tỏi vào chế độ ăn hàng ngày giúp giảm huyết áp tâm thu lên đến 5mmHg và giảm huyết áp tâm trương tối đa 2.5mmHg.
  • Sử dụng thêm chanh trong chế độ ăn giúp cung cấp thêm vitamin C cho cơ thể. Đồng thời hợp chất này cũng có tác dụng như một chất chống oxy hoá và ngăn ngừa tổn thương do oxy hoá. Thêm vào đó, chanh giúp cho mạch máu mềm dẻo và linh hoạt hơn hạn chế được tình trạng xơ cứng động mạch ngăn ngừa được cao huyết áp.
  • Sử dụng cần tây trong chế độ ăn hàng ngày giúp hạ huyết áp trong thời gian ngắn. Cần tây có thành phần bao gồm phytochemincal hay 3-N-butyphthalide giúp cải thiện tình trạng lưu thông máu và giúp cho các cơ trơn xung quanh thành động mạch được thư giãn. Khi người mắc bệnh tăng huyết áp sử dụng loại thực phẩm này giúp cho tình trạng lưu thông máu được cải thiện và hạ huyết áp.

Trên đây là một vài cách giúp ổn định huyết áp nhanh hơn mà bạn có thể tham khảo để áp dụng. Tuy nhiên cách tốt nhất là khi bị huyết áp cao người bệnh nên tới bệnh viện để thăm khám và điều trị theo tư vấn của các bác chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan