Bệnh thấp tim là bệnh gì? Đặc điểm của bệnh

Bệnh thấp tim là tình trạng bệnh xảy ra sau khi nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A với biểu hiện là những tổn thương ở tim, khớp và mạch máu. Bệnh có thể gây viêm cơ tim, viêm màng trong tim, để lại nhiều di chứng nặng nề hoặc thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Bệnh thấp tim là gì?

Bệnh thấp tim là bệnh lý viêm tự miễn, xuất hiện sau khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường họng miệng do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Trong vòng từ 2 đến 3 tuần sau khi bị nhiễm liên cầu vùng hầu họng, nếu bệnh nhân không được điều trị đúng cách có thể sẽ tiến triển thành bệnh thấp tim.

Bệnh thấp tim ở trẻ em (từ 5 đến 15 tuổi) phổ biến hơn hết các độ tuổi khác, tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là ngang nhau. Bệnh gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm về tim, khớp, não bộ và cả trên da.

Đối với sức khỏe tim mạch, tình trạng này có thể để lại những hậu quả kéo dài như viêm cơ tim, dày dính van tim, lâu ngày dẫn tới tổn thương van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh suy tim, đột quỵ do tim mạch, thậm chí là tử vong.


Bệnh thấp tim có thể dẫn đến các bệnh lý về tim mạch
Bệnh thấp tim có thể dẫn đến các bệnh lý về tim mạch

Trắc nghiệm: Huyết áp của bạn có đang thực sự tốt?

Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe con người. Để biết tình trạng huyết áp của bạn có thực sự tốt không, hãy làm bài trắc nghiệm sau đây để đánh giá.

2. Cơ chế gây bệnh thấp tim

Cơ chế gây bệnh thấp tim hiện tại vẫn chưa có xác định chính xác rõ ràng. Có 3 thuyết được đưa ra nhằm giải thích cho cơ chế bệnh sinh của bệnh này, bao gồm:

2.1 Thuyết miễn dịch

Trong bệnh thấp tim, liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A không gây tổn thương trực tiếp cho các cơ quan. Hầu hết các nhà khoa học đã đưa ra ý kiến thống nhất về cơ chế bệnh sinh của bệnh thấp tim, là do giữa chất có protein trên vi khuẩn liên cầu và protein của các cấu trúc trên cơ thể người như cấu trúc van tim, khớp, hệ thần kinh,... có sự trùng hợp rủi ro, nên khi bị nhiễm liên cầu khuẩn, cơ thể người đã nảy sinh phản ứng chống lại vi khuẩn bằng các kháng thể, từ đó xuất hiện ra các biểu hiện bệnh.

2.2 Thuyết nhiễm độc

Theo thuyết nhiễm độc, liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A có thể gây độc trực tiếp đến các cơ quan trong cơ thể như cơ tim, van tim, màng hoạt dịch, não,... và gây ra các triệu chứng của bệnh thấp tim.

2.3 Thuyết dị ứng

Bệnh thấp tim có liên quan đến cơ địa cá nhân. Bẩm sinh một số người có ái lực cao đối với liên cầu khuẩn. Một số trường hợp, trong một gia đình có nhiều đứa trẻ cùng bị bệnh thấp tim, điều này chứng tỏ tiền sử mắc bệnh gia đình cũng có vai trò quan trọng trong việc gây ra bệnh.

3. Triệu chứng bệnh thấp tim

Bệnh thấp tim thường bắt đầu phát triển sau khi bị viêm họng liên cầu trong khoảng 2 - 4 tuần. Các triệu chứng ban đầu trên toàn cơ thể bao gồm sốt cao, mệt mỏi cơ thể, đau bụng, da xanh tái và chảy máu cam. Bên cạnh những triệu chứng này, bệnh còn thể hiện rõ ở các cơ quan khác:

● Khớp: khoảng 75% trường hợp thấp tim sẽ bị đau khớp, viêm đa khớp cấp. Các triệu chứng viêm đau tập trung chủ yếu ở các khớp lớn và nhỡ như khớp gối, khuỷu tay, cổ tay, và cổ chân. Các khớp bị ảnh hưởng thường sưng to, nóng, đỏ, và đau đớn. Có thể có dịch tụ tại các khớp nhưng không hình thành mủ. Viêm khớp thường không đối xứng và có thể chuyển từ khớp này sang khớp khác. Thời gian viêm mỗi khớp kéo dài khoảng từ 3 - 5 ngày, thường không quá 10 ngày, và có thể tự khỏi hoặc giảm triệu chứng khi sử dụng thuốc kháng viêm và corticoid.

● Tim (viêm tim): Viêm tim là biểu hiện nặng và nguy hiểm nhất của bệnh thấp tim, xảy ra ở khoảng 50% trường hợp. Bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ tử vong do suy tim cấp do viêm tim gây ra hoặc suy tim mạn do không thể hồi phục. Thấp tim có thể gây ra viêm nội tâm mạc đơn thuần (mệt mỏi, cảm giác đánh trống ngực, khó thở khi vận động), viêm cơ tim - nội tâm mạc (mệt mỏi, khó thở, huyết áp thấp, da xanh tái), viêm màng ngoài tim (đau nhói vùng ngực trái hoặc phía trước tim, đau khi hít thở sâu hoặc thay đổi tư thế), và viêm toàn bộ tim (kết hợp triệu chứng của cả ba loại trên).

● Thần kinh: Bệnh có thể gây ra rối loạn thần kinh như múa giật, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn vận động và rối loạn cảm xúc. Một số biểu hiện hiếm gặp bao gồm liệt, hôn mê, và co giật.

● Da: Bệnh có thể xuất hiện ở da dưới dạng ban vùng đỏ (hình tròn, đường kính từ 1 - 3cm, có bờ viền, màu hồng hoặc vàng nhạt, không gây ngứa, phân bố trên thân và gốc chi, và biến mất sau vài ngày) hoặc hạt dưới da (cứng, đường kính từ 0.5 đến 2cm, di động dưới da, gắn vào nền xương cạnh cột sống, vai, tồn tại vài ngày hoặc vài tuần trước khi biến mất).

● Biểu hiện hiếm gặp khác: Có thể xuất hiện các biểu hiện như viêm màng phổi, viêm phổi kẽ, và đau bụng trong trường hợp ngoại lệ.


Viêm màng phổi là một trong các triệu chứng bệnh thấp tim
Viêm màng phổi là một trong các triệu chứng bệnh thấp tim

4. Đối tượng dễ mắc bệnh thấp tim

Không phải tất cả trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A ở hầu họng đều sẽ tiến triển thành bệnh thấp tim, chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong số bệnh nhân nhiễm khuẩn bị thấp ti,. Những yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:

● Tuổi nhỏ: 90% trường hợp ở trẻ thường là trẻ từ 5 đến 15 tuổi (chủ yếu trong khoảng từ 9 đến 12 tuổi), trẻ dưới 5 tuổi ít gặp phải trường hợp thấp tim.

● Yếu tố môi trường: bệnh thấp tim thường dễ phát triển trong thời tiết lạnh, ẩm nên rất dễ mắc bệnh vào mùa đông, xuân ở các nước thuộc khu vực nhiệt đới, ôn đới;

● Cơ địa: trẻ có cơ địa dễ bị dị ứng như nổi mề đay, bị hen phế quản, nổi chàm,... thường dễ mắc bệnh.

● Mức sống: Thấp tim phổ biến tại các vùng có mức sinh hoạt thấp, tình hình vệ sinh kém, khu vực có kinh tế khó khăn, gia đình đông con, nhà ở chật chội và văn hóa kém.


Trẻ 7-15 tuổi thuộc đối thượng dễ mắc bệnh tim
Trẻ 7-15 tuổi thuộc đối thượng dễ mắc bệnh tim

5. Bệnh thấp tim có nguy hiểm không?

Bệnh thấp tim có thể gây ra các biến chứng như:

● Suy tim cấp hoặc rối loạn nhịp: trong giai đoạn bệnh cấp tính, người bệnh có thể sẽ bị ảnh hưởng do viêm cơ tim.

● Viêm khớp: bệnh nhân thường bị đau ở khớp nhiều và có thể kèm theo sưng nóng đỏ, may mắn, dạng viêm khớp này thường không để lại di chứng nguy hiểm cho người bệnh, tuy nhiên người bệnh sẽ bị sưng đau, giảm chất lượng sống.

● Tổn thương thần kinh: tổn thương hệ thống ngoại tháp gây biểu hiện múa giật, múa vờn là những ảnh hưởng đến não, nhưng các tổn thương trên não đa số lại hồi phục được và không để lại di chứng.

● Tổn thương trên van hai lá và van động mạch chủ có thể gây hở hoặc hẹp van: Tổn thương hẹp chủ đơn thuần ở bệnh nhân thấp tim hiếm gặp. Hở van ba lá thường do cơ năng kèm với bệnh lý van hai lá.


Bệnh thấp tim kéo dài có thể dẫn đến tử vong
Bệnh thấp tim kéo dài có thể dẫn đến tử vong

6. Điều trị bệnh thấp tim

6.1 Mục tiêu điều trị bệnh thấp tim

Trong quá trình điều trị bệnh thấp tim ở trẻ em và người lớn, các chuyên gia y tế đặt ra các mục tiêu sau:

● Giảm nhẹ các triệu chứng cấp và nguy hiểm ở bệnh nhân như viêm khớp, viêm tim

● Tiêu diệt hoàn toàn và phòng ngừa khả năng tái nhiễm vi khuẩn liên cầu ở vùng hầu, họng và đường hô hấp của người bệnh.

● Giáo dục bệnh nhân và người nhà, nâng cao hiểu biết về bệnh thấp tim nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa và điều trị thấp tim theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra họng hoặc xét nghiệm nhanh phết họng để xác định sự hiện diện của vi khuẩn streptococcus cho người tiếp xúc với bệnh nhân. Nếu kết quả dương tính, họ cũng cần được điều trị để ngăn ngừa lây truyền và tái nhiễm bệnh.

Những biện pháp này cùng nhau hình thành một phương pháp toàn diện để điều trị thấp tim và đảm bảo sự khỏi bệnh và phòng ngừa tái phát cho người bệnh.


Tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị bệnh thấp tim của bác sĩ
Tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị bệnh thấp tim của bác sĩ

6.2 Các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh thấp tim

Một số loại thuốc được bác sĩ kê toa trong quá trình điều trị ở trẻ em và người lớn có thể kể đến:

● Thuốc kháng sinh: bao gồm penicillin, macrolid và cephalosporin I hoặc II.

● Thuốc Chống viêm khớp: bao gồm Aspirin, Ibuprofen hoặc naproxen, các loại thuốc này thường sẽ sử dụng đến khi không còn triệu chứng lâm sàng và sẽ được giảm liều khi phản ứng viêm bình thường trở lại.

● Một số thuốc chuyên biệt dùng để chữa viêm tim: bao gồm NSAIDs, corticoids và IVIG.

● Điều trị các tổn thương não - thần kinh: Khi bệnh nhân có biểu hiện rối loạn hành vi, ngôn ngữ thì cần được nghỉ ngơi và kết hợp sử dụng carbamazepine. Trong trường hợp tình trạng rối loạn vẫn tiếp tục bị mất kiểm soát và diễn tiến nặng thì có thể dùng thêm corticoid hoặc IVIG.

6.3 Theo dõi khi điều trị bệnh thấp tim

Trong quá trình điều trị bệnh thấp tim, cũng cần theo dõi xuyên suốt tốc độ lắng hồng cầu máu (ESR) và protein C phản ứng (CRP) sao cho CRP > ESR. Phải làm xét nghiệm C-Reactive Protein (CRP) 2 lần/tuần cho đến khi các triệu chứng lâm sàng có dấu hiệu ổn định. Sau đó, tiếp tục thực hiện kiểm tra CRP mỗi 1 hoặc 2 tuần đến khi bệnh nhân bình thường trở lại.

7. Phòng ngừa bệnh thấp tim

Để ngăn ngừa mắc bệnh thấp tim, có một số biện pháp quan trọng cần tuân thủ:

7.1 Xử lý nguyên nhân gốc:

Điều quan trọng là xử lý nguyên nhân gốc của bệnh. Ví dụ, nếu bệnh nhân mắc viêm họng do liên cầu khuẩn, cần điều trị kịp thời và tích cực để ngăn ngừa tình trạng bệnh diễn tiến và gây ra thấp tim.

7.2 Phòng tránh thứ phát:

Đối với những người có tiền sử thấp tim, quá trình phòng tránh có thể được thực hiện bằng cách sử dụng kháng sinh hàng tháng hoặc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Thời gian phòng ngừa cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình của bệnh nhân:

● Đối với những người không bị viêm tim, thời gian theo dõi phòng ngừa cần ít nhất 5 năm sau khi trải qua đợt thấp cuối cùng và kéo dài cho đến khi họ đủ 18 tuổi.

● Ngược lại, đối với những người đã từng mắc viêm tim, thời gian phòng ngừa kéo dài ít nhất 10 năm từ đợt thấp sau cùng và kéo dài đến 21 tuổi. Dù có tiến hành phẫu thuật tim hay chưa, việc theo dõi vẫn cần được thực hiện cho đến khi đủ thời gian đã nêu.

● Trong trường hợp viêm khớp hậu nhiễm do vi khuẩn liên cầu, thời gian theo dõi là 2 năm. Nếu trong thời hạn này phát hiện tổn thương, việc phòng ngừa sẽ tiếp tục và thời gian sẽ được kéo dài, tương tự như trong trường hợp viêm tim.

Trường hợp bệnh nhân bị viêm họng trong quá trình phòng ngừa: Nếu bệnh nhân đang trong quá trình phòng bệnh bằng Penicillin và có triệu chứng viêm họng, cả bệnh nhân và người thân tiếp xúc cần được điều trị bằng Clindamycin để đảm bảo rằng bệnh không tái phát và không gây lây truyền.

Bên cạnh đó, mọi người có thể lựa chọn cho mình một lối sống lành mạnh khoa học, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh luôn được sạch sẽ, an toàn, tránh các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh thấp tim như môi trường lạnh và ẩm, tuyệt đối tuân thủ các chỉ định tiêm phòng khi cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe