Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh trong Hồi sức - Cấp cứu tim. mạch.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh mạn tính đường hô hấp rất phổ biến hiện, là hiện tượng tắc nghẽn luồng khí trong đường hô hấp. Trong đó, suy tim là một trong những biến chứng thường đi kèm nhất với những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là gì ?
Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý mãn tính xảy ra đối với đường hô hấp. COPD gồm khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính, với cơ chế bệnh sinh là do sự tăng lên những tổn thương ở các túi khí trong phổi và hiện tượng viêm đường hô hấp ở phổi.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bao gồm ho, khó thở, khò khè, tăng tiết dịch đờm.
Nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh nhân phải nhập viện chính là các đợt cấp COPD và những biến chứng nguy hiểm của đợt cấp COPD mang tới.
2. Biến chứng đợt cấp COPD
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đã gây ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Những biến chứng này xảy ra ở phổi và cả ngoài phổi, bao gồm:
2.1. Tràn khí màng phổi
Sự tắc nghẽn đường dẫn khí lâu dài dẫn đến tình trạng khí hít vào phế nang không thở ra được nên tích tụ lại làm giãn phế nang trong COPD, gây nên khí phế thũng. Sau đó những phế nang này mỏng dần và vỡ vào khoang màng phổi gây tràn khí màng phổi.
2.2 Tăng áp lực động mạch phổi
Phế nang giãn gây chèn ép mao mạch phổi dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi. Ngoài ra, hiện tượng thiếu oxy kéo dài cũng gây nên biến chứng này.
2.3. Suy tim
Đây là một trong những biến chứng đợt cấp COPD nặng nề nhất. Hiện tượng này xảy ra khi áp lực động mạch phổi tăng kèm theo tình trạng thiếu oxy mạn tính, kết quả dẫn đến suy tim phải.
Việc suy tim phải lâu dần + thiếu oxy mạn tính sẽ dẫn đến suy tim trái, hay suy tim toàn bộ
2.4. Một số biến chứng khác
Ngoài những biến chứng phổ biến trên, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) còn để lại một số biến chứng như sau:
- Ung thư phổi.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Loãng xương.
- Suy dinh dưỡng.
- Biến chứng thần kinh của bệnh COPD.
3. Tại sao COPD gây suy tim phải ?
Biến chứng suy tim phải của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là do tâm thất phải của tim thực hiện nhiệm vụ bơm máu vào động mạch phổi để mang máu đến phổi, với hiện tượng tăng áp lực động mạch phổi làm cho tâm thất phải trở nên nặng nề, phải làm việc nhiều hơn khiến tim phải bị suy. Tình trạng suy tim phải ở bệnh nhân COPD còn được gọi là tâm phế mạn.
Những triệu chứng lâm sàng của suy tim phải do ứ trệ huyết động ở hệ tĩnh mạch + tăng áp lực trong buồng thất phải sẽ gây ra như sau:
- Dấu tâm thất phải đập ở mũi ức.
- Gan to.
- Tĩnh mạch cổ nổi.
- Phù chi dưới.
Khi bệnh lý tiến triển nặng hơn và tim phải không thể thực hiện được chức năng bơm máu nữa, lúc này sẽ gây ra hiện tượng ứ trệ máu ngoại vi nên sẽ xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Phù toàn thân, ấn lõm.
- Tràn dịch màng bụng.
- Tràn dịch màng phổi.
- Tràn dịch tinh hoàn.
4. Những ảnh hưởng khác của bệnh COPD đến tim mạch
4.1. Loạn nhịp tim
Những bệnh nhân đợt cấp COPD cũng có thể gặp phải trường hợp loạn nhịp tim, nhất là rung nhĩ. Nguyên nhân của hiện tượng này là thiếu oxy đến các cơ tim vì suy tim hoặc rối loạn điện giải. Loạn nhịp tim khiến bệnh nhân tắc mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hoặc tắc động mạch tạng hoặc ngoại biên do huyết khối ở tâm nhĩ trái, và có thể gây ra thuyên tắc phổi trong một số trường hợp nếu cục huyết khối hình thành bên tim phải.
4.2. Những ảnh hưởng khác đến tim mạch
Ngoài rung nhĩ, bệnh nhân COPD có thể gặp phải những biến chứng rối loạn nhịp khác như:
- Nhịp nhanh nhĩ đa ổ.
- Ngoại tâm thu các loại.
Biến chứng tim mạch là biến chứng hay gặp đối với những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), có tiên lượng xấu và những biểu hiện lâm sàng rất nguy hiểm. Vì vậy, suy tim ở bệnh nhân COPD cần được đánh giá và điều trị phù hợp.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.