Viêm phúc mạc ruột thừa: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ - Bác sĩ ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Một trong những bệnh cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất là viêm ruột thừa cấp. Bệnh xuất hiện cao nhất ở những người 20 đến 30 tuổi. 70% số người mắc bệnh có các triệu chứng kinh điển. Tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 1% số người mắc bệnh, nguyên nhân chủ yếu là do ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc vì không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

1. Tìm hiểu về bệnh viêm phúc mạc ruột thừa

Ruột thừa là là một phần của đường tiêu hóa. Cấu trúc của ruột thừa là có hình ống bịt kín 1 đầu, chiều dài trung bình khoảng 9cm, đường kính trung bình từ 0,5 đến 1 cm, gốc ruột thừa nhỏ và lòng hẹp hơn nên dễ bị tắc và gây viêm. Gốc ruột thừa là nơi hội tụ của 3 dải cơ dọc của manh tràng. Vị trí hay gặp là phía sau, trong manh tràng ở hố chậu phải. Tuy nhiên, có thể gặp ruột thừa ở các vị trí khác như là sau manh tràng, trước hồi tràng,tiểu khung,...

Phúc mạc là một màng tế bào, lót mặt trong thành bụng, che được 1 phần hoặc toàn bộ các tạng. Ổ phúc mạc là khoang ảo chứa 75 đến 100ml dịch. Ở phụ nữ, ổ phúc mạc thông với bên ngoài thông qua vòi trứng.

Viêm phúc mạc ruột thừa là một biến chứng nặng, nguy hiểm và hay gặp của bệnh viêm ruột thừa cấp. Nguyên nhân chính là do bệnh không được phát hiện và điều trị sớm dẫn đến tình trạng vỡ mủ vào trong ổ bụng, làm viêm nhiễm khắp ổ bụng, sốc nhiễm khuẩn, nặng hơn là gây tử vong.

2. Triệu chứng của bệnh viêm phúc mạc ruột thừa

2.1 Cơ năng

  • Đau bụng: Đây là triệu chứng đầu tiên, giúp bác sĩ định hướng đến bệnh viêm ruột thừa. Đau thường bắt đầu từ vùng thượng vị và vùng quanh rốn, đau âm ỉ đôi khi đau quặn từng cơn, cơn đau có xu hướng khu trú ở hố chậu phải. Vị trí đau sẽ thay đổi phụ thuộc vào vị trí của ruột thừa, do đó khi bệnh nhân đến khám vì đau bụng,bệnh cần chẩn đoán phân biệt đầu tiên là viêm ruột thừa. Khi cơn đau không còn khu trú ở hố chậu phải và lan sang toàn bộ ổ bụng, đây là dấu hiệu giúp bác sĩ định hướng bệnh nhân đã có biến chứng viêm phúc mạc.
  • Rối loạn tiêu hóa: Khoảng 75% bệnh nhân có buồn nôn và nôn nguyên nhân là do phúc mạc bị kích thích, bí trung đại tiện, chướng bụng do ruột bị liệt cơ năng hoặc bị kích thích sẽ gây ra tình trạng tiêu chảy.
Viêm phúc mạc ruột thừa
Đau bụng là triệu chứng đầu tiên của viêm phúc mạc ruột thừa

2.2 Triệu chứng toàn thân

  • Biểu hiện của nhiễm trùng, nhiễm độc: Bệnh nhân có bộ mặt nhiễm trùng là mắt trũng, hơi thở nhanh nông, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, da xanh tái, chân tay lạnh nhớp nháp mồ hôi...Viêm ruột thừa các dấu hiệu sinh tồn thường chưa thay đổi nhiều. Khi có sự thay đổi về các chỉ số sinh tồn, tâm thần kinh như bệnh nhân lơ mơ, nói nhảm, nặng hơn là có sốc nhiễm khuẩn biểu hiện mạch nhanh, nhỏ và khó bắt, huyết áp tụt và kẹt... đã có biến chứng viêm phúc mạc xảy ra.
  • Dấu hiệu mất nước điện giải: Biểu hiện môi khô, đái ít, đàn hồi da giảm,...

2.3 Triệu chứng thực thể

  • Bụng chướng
  • Gõ vang vùng cao, đục vùng thấp (do bệnh nhân bị liệt ruột, dịch và hơi ứ đọng trong lòng ruột).
  • Bệnh nhân có điểm đau khu trú McBurney, khi ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc toàn thể sẽ đau toàn bộ ổ bụng
  • Co cứng thành bụng: Biểu hiện là bụng không tham gia nhịp thở, các khối cơ thẳng bụng nổi rõ, ấn thấy thành bụng cứng như khúc gỗ. Chú ý cần thăm khám bệnh nhân nhiều lần tránh nhầm lẫn giữa sự đề kháng tay người khám với co cứng thành bụng hoặc người bệnh to béo, chửa đẻ nhiều lần cơ thành bụng yếu khó phát hiện.
  • Cảm ứng phúc mạc: Dấu hiệu Stokin Blumberg (+)

3. Chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa

3.1 Xét nghiệm máu

Số lượng bạch cầu tăng cao, chủ yếu là bạch cầu trung tính, công thức bạch cầu chuyển trái

3.2 Siêu âm

Dịch trong lòng ruột, ổ bụng, quai ruột giãn chứa dịch và hơi, kèm theo hình ảnh ruột thừa viêm tăng kích thước và có thể thấy gián đoạn ruột thừa.

Viêm phúc mạc ruột thừa
Chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa bằng xét nghiệm máu

4. Điều trị viêm phúc mạc ruột thừa

Nguyên tắc điều trị là điều trị ngoại khoa càng sớm càng tốt và hồi sức tích cực, không nên kéo dài thời gian hồi sức trước phẫu thuật.

4.1 Hồi sức tích cực

  • Truyền dịch, điện giải để tránh rối loạn nước và điện giải.
  • Cân bằng kiềm toan.
  • Kháng sinh mạnh, phổ rộng ngay từ đầu.
  • Theo dõi sát các chỉ số sinh tồn: mạch,nhiệt độ, huyết áp,...

4.2 Điều trị phẫu thuật

Việc phẫu thuật diễn ra càng sớm càng tốt

  • Phẫu thuật cắt ruột thừa viêm.
  • Lau rửa ổ bụng sạch, dẫn lưu các vị trí hay ứ đọng dịch: các vị trí ở vùng thấp, các hố,...

Viêm phúc mạc ruột thừa vỡ là một trong các bệnh cấp cứu ngoại khoa hay gặp nhất. Bệnh có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bạn cần đến khám bác sĩ khi có dấu hiệu đau bụng nhất là đau có xu hướng khu trú ở hố chậu phải, chướng bụng, không đi ngoài, trung tiện được.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan