Theo dõi và điều trị tiêu chảy cấp tại nhà

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Đơn nguyên Nội Tiêu hóa – Nội soi, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tiêu chảy cấp là tình trạng phân lỏng không thành khuôn diễn ra trong thời gian ngắn và kéo dài không quá vài ngày. Tuy nhiên khi tiêu chảy kéo dài hàng tuần hoặc kèm các theo triệu đau bụng dữ dội, sốt, mất nước, chảy máu trực tràng, buồn ngủ hoặc nôn kèm theo tiêu chảy thì người bệnh nên đi khám và được điều trị tại cơ sở Y tế.

1. Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp

Tiêu chảy có thể hết sau vài ngày mà không cần điều trị bằng cách nghỉ ngơi, uống đủ chất lỏng và cẩn thận những gì bạn ăn. Tuy nhiên, người bệnh tiêu chảy cấp nên hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy và các dấu hiệu nguy hiểm khiến người bệnh không thể điều trị tiêu chảy tại nhà mà phải đến cơ sở Y tế.

Các nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp gồm:

  • Nhiễm virus. Tiêu chảy cấp do nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất với các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình diễn ra khoảng từ ba đến bảy ngày do Rotavirus, Norovirus, Adenovirus.
  • Nhiễm vi khuẩn. Tiêu chảy cấp do vi khuẩn gây ra các trường hợp nghiêm trọng hơn do ngộ độc thực phẩm. Nhiễm trùng do vi khuẩn cũng gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, thường bị nôn mửa, sốt và đau bụng dữ dội, đi ngoài tóe nước.Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, phân có thể chứa chất nhầy, mủ hoặc máu. Các sinh vật Campylobacter, salmonellae và Shigella là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tiêu chảy do vi khuẩn và nguyên nhân ít phổ biến hơn là Escherichia coli Yersinia và Listeria.
  • Các loại thuốc mà người ta dùng lâu dài có thể gây ra tiêu chảy mãn tính, như thuốc kháng sinh.
  • Ký sinh trùng gây nhiễm trùng hệ thống tiêu hóa do sử dụng nước bị ô nhiễm.
  • Rối loạn đường ruột như bệnh viêm ruột bao gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm túi thừa ...
  • Tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp, thuốc trị ung thư, thuốc chữa bệnh gút và thuốc kháng axit (đặc biệt là những loại có chứa magie).
  • Không dung nạp hoặc dị ứng với thực phẩm có chứa chất tạo ngọt nhân tạo và không dung nạp đường sữa có thể gây tiêu chảy mãn tính.
  • Lạm dụng rượu có thể gây tiêu chảy.
  • Lạm dụng thuốc nhuận tràng
  • Tiêu chảy tiểu đường có thể là một biến chứng của bệnh tiểu đường.
  • Xạ trị hoặc hóa trị có thể gây ra phân lỏng và tiêu chảy có thể kéo dài đến ba tuần sau khi kết thúc điều trị.
  • Một số bệnh ung thư có nhiều khả năng gây tiêu chảy như hội chứng carcinoid, ung thư ruột kết, ung thư hạch, ung thư biểu mô tuyến giáp, ung thư tuyến tụy và u tủy thượng thận.
  • Sau phẫu thuật đường tiêu hóa.

Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp là gì
Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp là gì

2. Theo dõi và điều trị tiêu chảy cấp tại nhà

Để xác nhận triệu chứng tiêu chảy cấp của mình có liên quan đến bất kỳ bệnh nguy hiểm nào khác không, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tự điều trị và chăm sóc tại nhà. Sau khi chắc chắn có thể chăm sóc tại nhà, người bệnh tiêu chảy cấp có thể thực hiện các biện pháp sau để giúp nhanh chóng hồi phục và tránh các biến chứng của tiêu chảy cấp như mất nước, kiệt sức, gây ảnh hưởng đến cuộc sống.

Bù điện giải:

Cơ thể sẽ bị mất nước do tiêu chảy cấp sau mỗi lần đi ngoài, do đó điều quan trọng người bệnh cần phải bồi phụ nước và điện giải đủ cho cơ thể bằng cách uống nước lọc, nước ép trái cây, khoảng 2-3 lít (8-12 cốc) được uống rải đều trong một ngày. Tốt nhất, các bác sĩ thường khuyên người bệnh tiêu chảy nên uống dung dịch điện giải để bổ sung muối, kali và các chất điện giải khác mà cơ thể mất khi bị tiêu chảy ví dụ dung dịch oresol.

Chế độ dinh dưỡng

Không có nhóm thực phẩm cụ thể nào tốt nhất để điều trị tiêu chảy và các bác sĩ không khuyến cáo người bệnh tiêu chảy thực hiện chế độ ăn BRAT, viết tắt của chuối, gạo trắng, sốt táo và bánh mì nướng (Bananas, Rice, Applesauce and Toast). Tất cả những thực phẩm này đều tốt, người bệnh nên sử dụng các thực phẩm này nhưng cần bổ sung thêm các thực phẩm khác nữa, không nên chỉ ăn mỗi chế độ BRAT, như:

  • Khoai tây
  • Bơ đậu phộng mịn
  • Gà bỏ da hoặc gà tây
  • Sữa chua

Tránh các thực phẩm có thể làm cho tiêu chảy nặng hơn hoặc tạo nhiều hơi trong bụng như:

  • Thực phẩm béo hoặc chiên nhiều dầu mỡ
  • Rau sống
  • Thức ăn cay
  • Đồ uống chứa caffein, như cà phê và soda
  • Các loại đậu
  • Cải bắp

Bổ sung men vi sinh

Men vi sinh là các vi sinh vật có lợi cho hệ tiêu hóa để hỗ trợ hoạt động của ruột và giúp chống lại nhiễm trùng, giúp người bệnh tiêu chảy nhanh chóng hồi phục. Men vi sinh có trong một số loại sữa chua và các thực phẩm lên men khác.


Sữa chua là thực phẩm tốt cho tiêu hóa
Sữa chua là thực phẩm tốt cho tiêu hóa

Điều trị tiêu chảy cấp

Hầu hết tiêu chảy cấp không cần phải điều trị, một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Có hai loại thuốc làm giảm triệu chứng tiêu chảy theo các cách khác nhau:

  • Loperamide (Imodium) làm chậm sự di chuyển của thức ăn qua ruột cho phép cơ thể hấp thụ nhiều chất lỏng hơn.
  • Bismuth subsalicylate (Kaopectate, Pepto-Bismol) có tác dụng kích thích hấp thụ chất lỏng và chất điện giải qua thành ruột, được sử dụng để điều trị buồn nôn, ợ nóng, khó tiêu, khó chịu ở dạ dày, tiêu chảy và các khó chịu tạm thời khác của dạ dày và đường tiêu hóa.

Đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì trước khi sử dụng như cách sử dụng, liều lượng, số lượng, chỉ định và chống chỉ định của bất kỳ loại thuốc nào để sử dụng. Không nên dùng nhiều hơn khuyến cáo của nhà sản xuất do không làm bệnh khỏi nhanh hơn. Lưu ý thuốc tiêu chảy không kê đơn không được khuyến cáo ở những bệnh nhân tiêu chảy có triệu chứng phân kèm máu hoặc có sốt.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ để được giải đáp. Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng Kaopectate hoặc Pepto-Bismol cho trẻ em do có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nguy trọng.

Theo dõi tình trạng bệnh

Trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà, nếu thấy các dấu hiệu như sau, người bệnh cần đến cơ sở Y tế càng sớm càng tốt:

  • Đau bụng dữ dội
  • Có máu trong phân hoặc phân màu đen
  • Mất nước nghiêm trọng hơn khát nước nhiều, đi tiểu ít hơn bình thường, khô miệng và mệt mỏi kéo dài
  • Bị sốt từ 39 độ C trở lên
  • Hơn 48 giờ điều trị tại nhà mà các triệu chứng của tiêu chảy cấp không đỡ hoặc nặng hơn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org và Medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe