Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Quân - Phó trưởng khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Ở nước ta hiện nay, tình trạng táo bón đang ngày càng tăng lên đặc biệt là ở người trẻ tuổi làm việc trong các công sở do nhiều nguyên nhân như áp lực công việc, căng thẳng, ít vận động và ngồi lâu. Táo bón được chia làm hai loại: táo bón thực thể và táo bón chức năng.
1. Táo bón là gì? Táo bón thực thể là gì?
Táo bón là tình trạng bất thường của hệ tiêu hóa khiến người bị táo bón không thường xuyên đi tiêu được hoặc đi cầu phân cứng, căng thẳng trong quá trình đi. Nhìn chung đối với từng trường hợp thì số lần đi tiêu là khác nhau nhưng thường ít hơn 3 lần/ tuần với phân cứng và khô.
Hầu hết các trường hợp táo bón là tạm thời và có thể được điều trị bằng thuốc nhuận tràng không cần toa kết hợp với thay đổi lối sống, sinh hoạt hàng ngày như tập luyện thể dục, ăn uống nhiều chất xơ, tránh ngồi nhiều. Táo bón được chia làm 2 loại:
- Táo bón thực thể: là táo bón do các nguyên nhân thực thể như tổn thương cấu trúc hoặc chức năng tại hay ngoài đường tiêu hóa, cần được can thiệp vào nguyên nhân bệnh thực thể để cải thiện tình trạng táo bón.
- Táo bón chức năng: chiếm tới 95% các trường hợp táo bón do rối loạn chức năng và chế độ sinh hoạt chưa hợp lý. Táo bón chức năng chỉ được chẩn đoán khi đã loại trừ các nguyên nhân thực thể.
2. Các nguyên nhân gây ra táo bón thực thể
Bệnh nhân có thể mắc phải táo bón thực thể do một số nguyên nhân sau:
- Các bất thường gây cản trở đường đi của phân: thường gặp là các khối u trực tràng, đại tràng khiến bệnh nhân đi cầu phân nhầy máu và có thể bí trung đại tiện. Phát hiện khối u thông qua nội soi đại tràng.
- Các tổn thương bẩm sinh: phình đại tràng, giãn đại tràng,...
- Các tổn thương nằm ở trực tràng, hậu môn: trĩ, nứt hậu môn, hẹp trực tràng hậu môn do di chứng của bệnh nhiễm khuẩn vùng hậu môn
- Dị vật bên ngoài đè vào gây cản trở việc đại tiện: phụ nữ có thai đặc biệt là vào tháng cuối lúc thai to dễ đè vào trực tràng, khối u vùng tiểu khung, dây chằng dính sau mổ, viêm đại trực tràng khiến đại trực tràng co hẹp...
- Táo bón do bệnh lý gây tổn thương ở não, màng não: tổn thương thần kinh vùng đuôi ngựa, thoát vị màng não tủy vùng cùng cụt,...
3. Các triệu chứng của bệnh táo bón thực thể như thế nào?
Ngoài các triệu chứng chung của táo bón như đi tiêu ít hơn ba lần một tuần, phân cứng, căng thẳng quá mức trong các lần đi tiêu và có cảm giác tắc nghẽn trực tràng, cảm giác đi tiêu xong vẫn còn phân trong ruột, bệnh nhân có thể nghĩ tới táo bón thực thể khi có các biểu hiện sau:
- Hậu môn và vùng quanh hậu môn có bất thường.
- Khám vùng cột sống, cùng cụt, cơ mông có bất cân xứng, hố lõm trung tâm, vẹo cột sống,...
- Các dấu hiệu bất thường thần kinh cơ không giải thích được.
- Phản xạ thần kinh cơ chi dưới bất thường.
- Có máu trong phân không kèm nứt hậu môn.
4. Các phương pháp điều trị táo bón thực thể
Trong hầu hết các trường hợp thì thay đổi chế độ ăn uống và lối sống sẽ giúp giảm triệu chứng và tình trạng bệnh. Bệnh nhân nên:
- Xây dựng chế độ ăn uống nhiều chất xơ giúp phân mềm mại hơn.
- Thường xuyên tập thể dục giúp kích thích hoạt động đường ruột.
- Uống nhiều nước và các dạng chất lỏng khác sẽ giúp làm mềm phân.
Thuốc nhuận tràng có thể được xem xét như là phương pháp cuối cùng vì có thể khiến bệnh nhân lệ thuộc vào thuốc. Có một số loại thuốc nhuận tràng phổ biến như: chất kích thích gây co thắt nhịp nhàng trong ruột, dầu mỡ bôi trơn, thuốc làm mềm phân, làm ẩm ngăn mất nước,...
Nếu bệnh nhân mắc táo bón thực thể do một trong những nguyên nhân đã đề cập thì cần phải điều trị nguyên nhân chính gây ra bệnh cộng với chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Bệnh nhân mắc táo bón thực thể nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.