Tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh mà còn cảnh báo về khả năng bệnh đang trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ cũng như gặp bác sĩ để được chẩn đoán và sớm phát hiện bệnh, từ đó áp dụng các mẹo chữa trào ngược dạ dày khó thở phù hợp.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
1. Trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày (GERD) hay trào ngược axit dạ dày là tình trạng dịch vị dạ dày, pepsin hoặc thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Bệnh lý này xảy ra khi dạ dày tiết ra quá nhiều axit dẫn đến dư thừa axit trong dịch vị và làm cho axit có xu hướng trào ngược lên thực quản.
Chứng bệnh này chủ yếu do suy yếu cơ thắt dưới thực quản, thoát vị cơ hoành, áp lực tăng trong ổ bụng hoặc tình trạng thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày gây ra.
Nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày cũng tăng lên bởi một số yếu tố như béo phì, mang thai, hút thuốc lá, mắc hen suyễn, ăn uống không đúng cách, tiểu đường và sử dụng nhiều thức uống chứa cồn.
2. Bệnh trào ngược dạ dày có những triệu chứng gì?
Những triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày bao gồm:
- Ợ chua, ợ nóng: Một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh trào ngược dạ dày là ợ hơi. Cảm giác chua trong miệng thường xuất hiện khi người bệnh ợ hơi, ợ nóng kèm ợ chua.
- Đau tức vùng thượng vị: Axit trào ngược lên và tác động lên các mút thần kinh dẫn đến cảm giác đau thắt, đè ép ở vùng thượng vị xảy ra.
- Tiết nước bọt quá nhiều.
- Miệng bị đắng: Trào ngược dạ dày thường xảy ra cùng với tình trạng tiết ra nhiều dịch mật gây đắng miệng.
- Hen suyễn, khó nuốt, ho, khan tiếng.

3. Trào ngược dạ dày gây khó thở
Khi gặp tình trạng khó thở, chúng ta thường nghĩ ngay đến các vấn đề về hô hấp. Tuy nhiên, khó thở lại là triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân bị trào ngược dạ dày. Thực tế, khó thở được xem là một trong những dấu hiệu nghiêm trọng của bệnh trào ngược dạ dày. Trong đó, khoảng 45% người bệnh trào ngược dạ dày sẽ trải qua triệu chứng này.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở là do dư thừa axit trong dạ dày tác động lên ống dẫn thở. Thông thường, cơ thể sẽ tự điều chỉnh để sản xuất một lượng bazo giúp trung hòa lượng axit thừa.
Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân mắc bệnh, lượng axit được sản xuất quá mức khiến cho bazo không đủ khả năng trung hòa dẫn đến tình trạng dư thừa axit. Điều này làm cho thực quản bị giãn và không thể đóng kín gây ra các vấn đề về khó thở.
Khó thở có thể do các cơ chế sau gây ra:
- Khi lượng acid dư thừa từ dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản, niêm mạc thực quản sẽ bị kích thích. Áp lực từ thành thực quản tạo ra sự chèn ép lên khí quản khiến bệnh nhân bắt đầu cảm thấy khó thở.
- Cảm giác khó thở và tức ngực xảy ra khi thức ăn bị đẩy lên vòm họng, đồng thời làm tắc nghẽn đường thông khí.
- Axit trào ngược lên thực quản không chỉ làm tắc nghẽn mà còn gây ra tình trạng viêm. Điều này khiến hệ thống thần kinh ở niêm mạc thực quản tác động lên các cơ trong lồng ngực, gây ra phản xạ co rút và tạo áp lực lên đường thở dẫn đến khó thở.
- Khi bệnh nhân nằm ngủ, axit dạ dày có thể trào ngược vào thực quản, xâm nhập vào phổi dẫn đến sưng đường thở.

4. Trào ngược dạ dày gây khó thở có nguy hiểm không?
Triệu chứng khó thở ở bệnh nhân trào ngược dạ dày chính là một dấu hiệu cảnh báo mức độ bệnh đang dần nghiêm trọng hơn. Nếu không được can thiệp điều trị đúng lúc, các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
- Các vấn đề hô hấp: Viêm loét xảy ra khi axit trào ngược lên dạ dày nhiều lần. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến đường thở mà còn gây ra các bệnh như viêm thanh quản, viêm họng, viêm phế quản, và viêm phổi. Các vấn đề này khó điều trị và tiến triển theo chiều hướng phức tạp.
- Barrett thực quản: Khi dịch vị từ dạ dày trào lên thực quản trong một thời gian dài, thực quản sẽ bị biến đổi màu sắc dẫn đến tình trạng Barrett thực quản. Khoảng 5% bệnh nhân có nguy cơ phát triển ung thư thực quản cao gấp 30 đến 125 lần so với người không mắc bệnh.
- Hẹp thực quản: Tổn thương không thể phục hồi sẽ xảy ra trên thực quản khi hiện tượng trào ngược axit lên thực quản tái diễn nhiều lần, dẫn đến sự hình thành mô sẹo và làm cho thực quản bị hẹp lại.
- Viêm loét thực quản: Bệnh trào ngược dạ dày thường dẫn đến biến chứng viêm loét thực quản, trong đó các lớp niêm mạc bị bào mòn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ dẫn đến sự hình thành các vết loét.
- Ung thư thực quản: Biến chứng ung thư thực quản không phải là hiện tượng phổ biến nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Khi bệnh nhân gặp phải biến chứng này, tình trạng bệnh sẽ xấu đi nhanh chóng và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

5. Cách khắc phục tình trạng trào ngược dạ dày dẫn đến khó thở
Cảm giác khó thở kéo dài là một tình trạng rất nguy hiểm và khó chịu. Vì vậy, việc đi khám bác sĩ định kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh để tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở trở nên nghiêm trọng mới đi khám. Nếu để lâu, các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Dưới đây là một số lời khuyên, mẹo chữa trào ngược dạ dày khó thở mà bệnh nhân cần lưu ý:
- Thay đổi lối sống về trạng thái lành mạnh: Để giảm triệu chứng khó chịu do trào ngược dạ dày gây khó thở, bệnh nhân nên thực hiện một số mẹo chữa trào ngược dạ dày khó thở như điều chỉnh thói quen ăn uống, tránh ăn quá nhiều trước khi đi ngủ hay ăn nhiều trong mỗi bữa ăn. Việc tập thể dục thường xuyên và từ bỏ các thói quen xấu như uống rượu bia, hút thuốc và giảm căng thẳng cũng rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc bổ sung thực phẩm tốt cho sức khỏe như sữa chua, bánh mì, táo, gừng, yến mạch và rau xanh cũng rất quan trọng.
- Dùng thuốc Tây để điều trị: Các loại thuốc được bác sĩ đề xuất bao gồm: thuốc ức chế H2 (Cimetidin, famotidin), thuốc ức chế bơm proton (lansoprazole, omeprazole...), thuốc tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới (metoclopramide, domperidone) và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày (alginat, dimeticol, misoprostol...).
- Mẹo chữa trào ngược dạ dày khó thở bằng các loại thảo mộc thiên nhiên: Cúc la mã, cam thảo, thương truật, curmanano, hoàng liên, hậu phác, bán hạ bắc, ngô thù du và gừng là 9 loại thảo mộc được khuyên dùng trong mẹo chữa trào ngược dạ dày khó thở.

Trên đây là tất cả các thông tin về tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở cũng như mẹo chữa trào ngược dạ dày khó thở. Nhìn chung, mọi người nên thực hiện lịch kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh và kiểm soát tình trạng bệnh. Nếu đang mắc bệnh, người bệnh nên áp dụng một số cách điều trị, tuy nhiên mọi bệnh nhân đều cần có sự hướng dẫn từ bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.