Tại sao suy nghĩ nhiều có thể gây đau dạ dày?

Hiện nay có rất nhiều bệnh nhân mắc phải các vấn đề về đau dạ dày dù vẫn tuân thủ chế độ dinh dưỡng điều độ. Một trong những nguyên nhân có thể gây đau dạ dày phổ biến mà ít người biết đến đó là căng thẳng, suy nghĩ nhiều. Do đó, tránh căng thẳng, stress có thể giúp người bệnh phòng ngừa tình trạng đau dạ dày.

1. Tại sao suy nghĩ nhiều có thể gây đau dạ dày?

Đa số bệnh nhân rối loạn chức năng tiêu hóa cần phải điều trị trong thời gian gần đây đều có những yếu tố nguy cơ gây bệnh giống nhau như chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nhiều thực phẩm và thức uống chứa chất kích thích, stress hay căng thẳng trong công việc hoặc do sử dụng các thuốc điều trị bệnh lý khác như đái tháo đường, tăng huyết áp... Đặc biệt, trong số đó có một yếu tố chiếm tỉ lệ rất cao đó là căng thẳng, stress hay phải suy nghĩ nhiều dẫn đến đau dạ dày.

Thần kinh chi phối cho hoạt động của dạ dày bao gồm 2 hệ thống khác nhau là thần kinh thực vật và thần kinh động vật. Ở điều kiện bình thường, hệ thần kinh thực vật sẽ tự hoạt động và điều phối cho các chức năng của dạ dày. Tuy nhiên, dưới sự tác động của những yếu tố thúc đẩy khác (như hoạt động tinh thần quá tải, lo lắng, suy nghĩ nhiều, căng thẳng, stress kéo dài...) sẽ dẫn đến hệ thần kinh động vật hoạt động quá mức theo. Hệ quả sau cùng đó là kích thích luôn cả hệ thần kinh thực vật, từ đó kích thích dạ dày tăng bài tiết dịch tiêu hóa, trong đó quan trọng nhất là dịch vị chứa nhiều axit.

Chính vì nguồn axit dư thừa kết hợp với việc bệnh nhân để bụng đói, dạ dày rỗng sẽ làm tăng nguy viêm loét, trào ngược dạ dày thực quản với biểu hiện bên ngoài là dấu hiệu đau dạ dày.

Ống tiêu hóa của con người được chi phối, điều khiển chủ yếu bởi dây thần kinh phế vị hay dây thần kinh số X. Hệ thống này được cấu tạo từ vô số dây thần kinh để trao đổi tín hiệu với hệ thần kinh trung ương. Việc căng thẳng hay suy nghĩ nhiều sẽ kích thích hệ thần kinh trung ương, từ đó dẫn đến tình trạng giảm lưu lượng tưới máu đến các cơ quan tiêu hóa (trong đó có dạ dày), ảnh hưởng đến các cơn co thắt của ống tiêu hóa và giảm bài tiết các dịch tiêu hóa cần thiết. Hậu quả cuối cùng là hoạt động ống tiêu hóa bị ngưng trệ, người bệnh có thể bị đau dạ dày, ăn khó tiêu hoặc buồn nôn, nôn ói. Bên cạnh đó, căng thẳng hay stress kéo dài gây đau dạ dày vì khả năng kích hoạt phản ứng viêm của hệ tiêu hóa và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt nhiễm vi khuẩn HP.

Đau dạ dày do căng thẳng còn có thể đi kèm các bất thường ở những bộ phận khác của ống tiêu hóa sau đây:

  • Stress làm tăng co thắt các cơ trơn của thực quản;
  • Stress gây ảnh hưởng đến chức năng đại tràng với các dấu hiệu bất thường như tiêu chảy hoặc táo bón.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp căng thẳng, lo lắng hay suy nghĩ nhiều đều sẽ dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng hay viêm đại tràng. Nhưng nhìn chung những rối loạn tinh thần trên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, đặc biệt nếu để stress kéo dài thì tình trạng viêm đau dạ dày chắc chắn sẽ xảy ra.


Đau dạ dày do căng thẳng, suy nghĩ nhiều thường gặp trong cuộc sống hiện nay
Đau dạ dày do căng thẳng, suy nghĩ nhiều thường gặp trong cuộc sống hiện nay

2. Dấu hiệu viêm đau dạ dày do căng thẳng

Các dấu hiệu viêm đau dạ dày do căng thẳng, stress, suy nghĩ nhiều thường khởi phát với các dấu hiệu thoáng qua và nhanh chóng tiến triển nghiêm trọng dần:

  • Người bệnh thường khởi phát với triệu chứng khó tiêu sau khi ăn uống;
  • Xuất hiện triệu chứng ợ chua, ợ nóng với tần suất ngày càng nhiều;
  • Bệnh nhân thường có những cơn đau dạ dày thoáng qua;
  • Cảm giác nóng rát vùng thượng vị.

Các bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản hay viêm loét dạ dày tá tràng... có tỷ lệ bắt gặp rất cao trong dân số hiện nay. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh thường không điển hình như ợ chua, ợ nóng, ăn khó tiêu, buồn nôn, đau bụng, khó nuốt hay ho kéo dài... nên rất dễ khiến người bệnh chủ quan và bỏ sót.

Giai đoạn đầu biểu hiện bệnh còn nhẹ nên người bệnh cho rằng đây chỉ là một rối loạn tiêu hóa bình thường và không tự ý thức để thay đổi thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống hay có các biện pháp giảm căng thẳng, stress... Lúc này, đa số trường hợp cơ thể người bệnh sẽ tự điều chỉnh được các rối loạn, bệnh chỉ thoáng qua và tự khỏi. Tuy nhiên khi những thói quen sinh hoạt hay áp lực cuộc sống, stress, suy nghĩ nhiều kéo dài dẫn đến đau dạ dày thường xuyên mà không được chẩn đoán, điều trị có thể dẫn đến các tổn thương thực thể, gây khó khăn trong việc điều trị dứt điểm.

Cụ thể, khi những rối loạn tiêu hóa không được điều trị lâu ngày sẽ trở thành một vòng xoáy bệnh lý, người bệnh đau dạ dày do căng thẳng sẽ ngày càng stress, căng thẳng nhiều hơn, từ đó mức độ đau dạ dày cũng càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó đau dạ dày do căng thẳng còn có những ảnh hưởng khác như:

  • Trào ngược dịch vị lên khoang miệng gây mòn men răng, cảm giác ê buốt răng hay viêm họng mãn tính;
  • Tổn thương viêm trợt ở thực quản kéo dài không được điều trị có thể chuyển sang loạn sản và đôi khi xuất hiện tổn thương tiền ung thư;
  • Viêm đau dạ dày cấp tính điều trị hiệu quả nhưng khi chuyển giai đoạn mãn tính việc điều trị trở nên khó khăn.

Đau dạ dày do căng thẳng suy nghĩ nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh
Đau dạ dày do căng thẳng suy nghĩ nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh

3. Phòng tránh stress kéo dài gây đau dạ dày

Theo các chuyên gia, chức năng dạ dày sẽ khỏe mạnh và hoạt động trơn tru khi những yếu tố như căng thẳng, suy nghĩ nhiều được loại bỏ. Người bệnh có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây:

  • Biện pháp phòng ngừa đau dạ dày do căng thẳng tốt nhất được đề xuất là tập thể dục. Các hoạt động thể chất có khả năng giảm căng thẳng, đồng thời còn kích thích bài tiết chất Endorphins, một hoạt chất có khả năng giảm stress và cải thiện tâm trạng hiệu quả;
  • Liệu pháp thư giãn: Các trường hợp stress kéo dài gây đau dạ dày hưởng lợi rất nhiều từ các liệu pháp thư giãn như tập yoga, thôi miên, ngồi thiền, thư giãn cơ bắp và sử dụng âm nhạc. Một nghiên cứu tin cậy cho thấy những người đau dạ dày do căng thẳng kéo dài sẽ giảm đáng kể các triệu chứng nhờ liệu pháp thư giãn;
  • Trò chuyện với bác sĩ chuyên khoa: Bác sĩ đã được đào tạo chuyên khoa có thể giúp người bệnh có các biện pháp đối phó với sự căng thẳng hiệu quả. Trong đó biện pháp sử dụng liệu pháp hành vi giúp người bệnh nhận thức, dạy cho họ những kỹ năng mới để ứng phó với căng thẳng;
  • Thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế các loại thực phẩm có hại cho dạ dày. Tuyệt đối không đối phó với stress bằng cách ăn vô tội vạ hoặc tập thói quen ăn vặt. Hệ thống tiêu hóa và dạ dày sẽ rất thích thú với một chế độ dinh dưỡng cân bằng, nhiều rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế chất béo, rượu bia và các chất kích thích.

Ngoài việc có chế độ dinh dưỡng hợp lý, việc tránh căng thẳng, stress có thể giúp bạn phòng ngừa tình trạng đau dạ dày. Trong trường hợp người bệnh đã thực hiện các phương pháp này nhưng tình trạng đau dạ dày không thuyên giảm và có dấu hiệu nghiêm trọng hơn thì tốt nhất nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe