Sự bài tiết và hoạt động của axit dạ dày

Axit dạ dày được bài tiết bởi tế bào viền ở lớp niêm mạc dạ dày, đồng thời axit dạ dày có tính axit cao để phân hủy và tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn. Vậy sự bài tiết axit dạ dày và cách chúng hoạt động trong cơ thể là như thế nào?

1. Tổng quan về axit dạ dày

Axit dạ dày là thành phần chính của dịch vị - một chất lỏng không màu. Axit dạ dày chính là axit clohydric (HCl), ngoài ra còn một số thành phần khác là KCl (kali clorua) và NaCl (natri clorua).

Axit dạ dày có tính axit rất cao, với độ pH nằm trong khoảng từ 1 - 2, chỉ thấp hơn axit trong bình acquy. Với tính axit cao, axit dạ dày có khả năng phân hủy tất cả các loại thực phẩm trong dạ dày, từ những thực phẩm mềm đến xơ cứng, nhưng vẫn đảm bảo hệ tiêu hóa vẫn hoạt động bình thường và an toàn đối với sức khỏe.

2. Sự bài tiết axit dạ dày

Để tìm hiểu sự bài tiết axit dạ dày, trước tiên cần biết cấu tạo của dạ dày. Dạ dày được chia làm 3 phần, gồm phần đáy, phần thân và phần hang. Bên trong dạ dày là lớp niêm mạc, khi thức ăn vào hệ tiêu hóa sẽ tiếp xúc với niêm mạc dạ dày. Dịch vị do các tuyến niêm mạc dạ dày bài tiết và axit dạ dày được bài tiết bởi tế bào viền ở phần thân của dạ dày. Quá trình bài tiết axit dạ dày gồm 3 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn đầu (diễn ra ở hệ thần kinh): Khi đồ ăn vào miệng và xuống hệ tiêu hóa, mùi vị thức ăn kích thích dây thần kinh phế vị ở tiểu não và cuống não để truyền tín hiệu gửi về hệ thần kinh trung ương, não bộ chỉ đạo hệ tiêu hóa bài tiết khoảng 30% lượng axit dạ dày, bắt đầu tham gia vào quá trình phân hủy và tiêu hóa thức ăn.
  • Giai đoạn thứ hai (diễn ra ở dạ dày): Dạ dày co bóp và nghiền nhỏ thức ăn, đồng thời tiếp tục bài tiết 60% lượng axit dạ dày còn lại.
  • Giai đoạn thứ ba (diễn ra ở ruột): Khi thức ăn đã được nghiền hết và đưa xuống ruột, dạ dày bài tiết 10% lượng axit còn lại.

Trong suốt quá trình tiêu hóa thức ăn, axit dạ dày được bài tiết liên tục, nhưng với lượng vừa đủ để hệ tiêu hóa hoạt động và đảm bảo cân bằng dịch vị. Từ khi sinh ra, cơ thể đã xuất hiện cơ chế bài tiết axit dạ dày này và đến khi 2 tuổi thì cơ chế được hoàn thiện tương đương ở người trưởng thành bình thường.

axit dạ dày
Hình ảnh cơ chế bài tiết axit dạ dày

3. Axit dạ dày hoạt động thế nào?

Cùng với enzym và cơ chế co bóp, axit dạ dày giúp quá trình tiêu hóa thức ăn được diễn ra nhưng vẫn bảo vệ dạ dày. Với độ pH tối ưu, axit dạ dày là chất xúc tác, tạo môi trường để pepsin (một loại enzym tiêu hóa do tế bào chính ở vùng thân dạ dày sản xuất) hoạt động, đồng thời hoạt hóa pepsin và phá vỡ các mô liên kết bao quanh để giải phóng pepsin, phân giải protid và cắt chuỗi protein để phá vỡ sự liên kết thức ăn, giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất từ thức ăn.

Bên cạnh đó, axit dạ dày cũng trung hòa các loại muối khó tan và là chất xúc tác cho những phản ứng thủy phân để chuyển hóa đạm, tinh bột, đường cho cơ thể hấp thụ. Lượng axit dạ dày cũng giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn theo thức ăn đi vào dạ dày để bảo vệ hệ tiêu hóa không bị vi khuẩn tấn công.

4. Nếu nồng độ axit dạ dày quá cao hoặc quá thấp thì như thế nào? Cách xử lý

Theo thời gian, nồng độ axit dạ dày trong cơ thể thay đổi. Nó cũng phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý dạ dày, việc dùng thuốc hoặc tinh thần bị căng thẳng. Tuy nhiên, cơ thể vẫn duy trì cơ chế bài tiết axit dạ dày trong suốt cuộc đời.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng đối với hệ tiêu hóa nói riêng và cơ thể nói chung nhưng khi nồng độ axit dạ dày tăng lên hoặc giảm xuống, sẽ ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày. Cụ thể:

  • Nồng độ axit dạ dày thấp: Căng thẳng thần kinh, chế độ ăn uống không đủ chất có thể khiến nồng độ axit dạ dày thấp, khi đó sẽ gây ra những triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng, buồn nôn, rụng tóc. Tình trạng này nếu kéo dài có thể làm khả năng tiêu hóa và dẫn đến giảm hấp thụ dinh dưỡng, tăng nguy cơ nhiễm trùng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc bổ sung axit dạ dày hoặc men pepsin để làm tăng nồng độ axit dạ dày.
  • Nồng độ axit dạ dày cao: Đau bụng (đặc biệt là khi bụng đói), đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, chán ăn, giảm cân không rõ nguyên nhân là những biểu hiện của nồng độ axit dạ dày cao. Tình trạng này nếu không được điều trị có thể gây ra biến chứng là viêm loét dạ dày, trào ngược axit dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Cũng tùy vào nguyên nhân, cách thức điều trị sẽ khác nhau, nhưng chủ yếu là dùng thuốc ức chế bơm proton để giảm bài tiết axit dạ dày.

Bài tiết axit dạ dày do phần thân của dạ dày đảm nhiệm. Cùng với các hoạt chất khác bao gồm enzym và chất nhầy, axit dạ dày giúp phân hủy và tiêu hóa thức ăn. Nồng độ axit dạ dày cao hoặc thấp đều ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khi đó, người bệnh cần được thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan