Ăn không tiêu là bệnh gì? Nguyên nhân và triệu chứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Khoa Khám bệnh & Nội khoa , Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Bệnh ăn không tiêu thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày khiến người bệnh mệt mỏi. Trong trường hợp hiện tượng này lặp lại nhiều lần thì có thể bạn đang mắc phải căn bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Vì vậy, không nên chủ quan mà cần thăm khám và điều trị sớm.

1. Ăn không tiêu là bệnh gì?

Ăn không tiêu là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ hiện tượng rối loạn tiêu hóa dẫn đến các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn do thức ăn trong dạ dày không được tiêu hóa, từ đó dẫn đến tình trạng ăn không tiêu.

Bệnh ăn không tiêu thường không nguy hiểm cho người bệnh nhưng nó gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày khiến người bệnh mệt mỏi. Tuy nhiên, trong trường hợp hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần thì có thể bạn đang mắc phải căn bệnh nào đó liên quan đến đường tiêu hóa. Vì vậy, không nên chủ quan khi mắc bệnh ăn không tiêu, cần thăm khám và điều trị sớm.

2. Nguyên nhân ăn không tiêu

Nguyên nhân ăn không tiêu thông thường là do thói quen sinh hoạt hoặc do một số bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Cụ thể:

Nguyên nhân do thói quen sinh hoạt, ăn uống:

  • Thói quen ăn uống: Ăn nhanh, nhai không kỹ hoặc vừa ăn vừa nói chuyện, xem tivi sẽ gây mất tập trung, nuốt nhiều không khí khiến hệ tiêu hóa hoạt động chậm gây khó tiêu. Việc ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo sẽ khiến dạ dày quá tải và gây khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn
  • Thường xuyên căng thẳng, stress: Stress và căng thẳng có thể khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn và gây ăn không tiêu.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau, kháng sinh gây nên hiện tượng đầy bụng, đầy hơi và khó tiêu.
  • Sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia thường xuyên; hút thuốc lá nhiều.

Nguyên nhân bệnh lý như:

  • Sỏi mật: Sỏi mật là những mảnh vật chất rắn hình thành trong túi mật. Nếu bệnh xảy ra, mật sẽ không còn khả năng tiết ra các chất để tiêu hóa thức ăn trong ruột non dẫn đến bệnh ăn không tiêu.
  • Rối loạn đường ruột IBS: Các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa như viêm đại tràng, Crohn, ung thư ruột kết,.. do các biểu hiện như táo bón, tiêu chảy, đau bụng, chướng bụng thường xuyên.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Axit dịch vị trong dạ dày di chuyển ngược lên ống thực quản, gây cảm giác nóng rát, ợ nóng,khó tiêu.
  • Viêm loét dạ dày tá tràng: Do axit trong dạ dày sản xuất quá nhiều dẫn đến ăn mòn lớp niêm mạc dạ dày - tá tràng.
  • Không dung nạp lactose: Ăn không tiêu cũng có thể do hệ tiêu hóa không dung nạp được đường lactose chứa trong sữa.
khong-tieu-la-benh-gi-nguyen-nhan-va-trieu-chung-2
Trào ngược thực quản dạ dày có thể gây ra ăn không tiêu

3. Triệu chứng ăn không tiêu

Các triệu chứng ăn không tiêu có thể xuất hiện từng đợt hoặc thường xuyên như:

  • Sau khi ăn khoảng 30 phút hoặc 1 tiếng đồng hồ có biểu hiện đầy bụng.
  • Dạ dày co thắt bất thường, nóng bụng; ợ hơi, xì hơi nhiều.
  • Đau bụng âm ỉ kéo dài và có xu hướng nặng hơn.
  • Nhức đầu: Do lượng khí dư trong dạ dày tăng cao, đặc biệt là carbon dioxide gây nên tình trạng đau đầu (có thể một bên hoặc cả hai bên).
  • Khó thở: Xảy ra vì axit dịch vị chảy vào thực quản, xâm nhập phổi và gây phù nề đường dẫn khí

Trong trường hợp nếu thấy một số triệu chứng ăn không tiêu bất thường như: giảm cân đột ngột, nôn và đi vệ sinh ra máu... thì người bệnh cần đến bệnh viện để kiểm tra chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

4. Điều trị và phòng ngừa bệnh ăn không tiêu

4.1 Điều trị bệnh ăn không tiêu

Việc điều trị bệnh ăn không tiêu gồm:

  • Sử dụng thuốc: Bác sĩ sẽ kê các nhóm thuốc như thuốc điều hòa co bóp dạ dày; thuốc tiêu hóa; thuốc chống đầy hơi.
  • Ăn uống, sinh hoạt điều độ. Luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng nhằm nâng cao sức đề kháng.
khong-tieu-la-benh-gi-nguyen-nhan-va-trieu-chung-3
Ăn uống điều độ để điều trị bệnh ăn không tiêu

4.2. Phòng ngừa bệnh ăn không tiêu

Để phòng bệnh ăn không tiêu, mọi người cần thực hiện theo các phương pháp sau đây:

  • Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày: Bổ sung đủ nước cho cơ thể sẽ giúp tăng sức đề kháng, giảm triệu chứng có tính acid của dạ dày và giúp cơ thể đào thải chất độc ra ngoài.
  • Ăn các thực phẩm có chứa chất xơ và vitamin như trái cây, rau xanh: Chất xơ và vitamin có lợi cho sức khỏe đường tiêu hóa.
  • Ăn chậm, nhai kỹ, chia khẩu phần ăn bữa nhỏ: Người bệnh nên ăn chậm, nhai kỹ, đồng thời chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ và cách 2 – 3 giờ ăn lại để loại bỏ tình trạng acid dạ dày dư thừa gây nên tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
  • Tránh thực phẩm không tốt cho hệ tiêu hóa: Thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào, cay nóng,... chứa nhiều chất béo thường gây khó khăn trong việc tiêu hóa.
  • Hạn chế đồ uống có gas hoặc cồn: Đồ uống có gas, cồn khiến bụng căng tức và khó chịu, làm tăng nồng độ acid trong dạ dày gây trào ngược, ợ nóng.
  • Không ăn trước khi đi ngủ: Nếu hệ thống tiêu hóa làm việc quá tải sẽ dẫn đến triệu chứng khó tiêu và đầy bụng.
  • Ngủ đủ giấc, tăng cường vận động: Giúp cơ thể thư giãn và tái tạo năng lượng sẽ giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hơn, hỗ trợ điều trị bệnh ăn không tiêu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

290.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan