Gan có tái tạo lại không?

Gan là cơ quan tham gia vào nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể như tổng hợp, chuyển hóa, giải độc...Đây là tạng duy nhất trong cơ thể có khả năng tự tái tạo khi bị tổn thương hay bị mất đi một phần do hiến.

1. Cấu trúc và chức năng của gan

1.1 Cấu trúc của gan

Gan là nội tạng lớn nhất của cơ thể, nằm trong ổ bụng phía bên phải ngay dưới lồng ngực. Gan tiếp giáp với nhiều bộ phận khác của cơ thể. Khối lượng của gan từ 1,4 đến 1,8 kg đối với nam và 1,2 đến 1,4 kg đối với nữ, cộng thêm lượng máu trong gan là 800 đến 900 ml thì gan sẽ nặng trung bình 2,3 đến 2,4 kg.

Gan có chiều dài từ 25 đến 28cm, bề rộng 16 đến 20 cm và dày 6 đến 8cm.

Cơ quan này được chia thành gan phải và gan trái. Tuy nhiên dựa theo sự phân bố cung cấp máu cho gan thì người ta chia gan thành 8 hạ phân thùy đánh số từ 1 đến 8. Sự phân chia như vậy giúp cho việc chẩn đoán chính xác vị trí tổn thương và hỗ trợ trong điều trị phẫu thuật gan.

Gan được cấu tạo bởi các thành phần bao gồm: Bao gan, mô gan.

  • Bao gan: Gồm bao thanh mạc và bao xơ. Bao thanh mạc là lá tạng lớp phúc mạc bọc ở phía bên ngoài gan; Bao xơ dính chặt vào bao thanh mạc ở ngoài và tiếp xúc với nhu mô gan ở trong.
  • Mô gan: Được cấu tạo chủ yếu bởi các tế bào gan, ngoài ra còn các mạch máu và đường mật trong gan đi kèm.

1.2 Chức năng của gan

Gan đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, nó tham gia vào nhiều hoạt động tổng hợp, chuyển hóa, giai độc...

  • Chức năng tổng hợp: Gan là cơ quan tham gia vào quá trình tổng hợp glucose từ một số thành phần như lactate, amino acid...Là cơ quan duy nhất tổng hợp albumin - một loại protein rất quan trọng của cơ thể; tham gia tổng hợp các yếu tố đông máu....
  • Chức năng chuyển hóa: Gan tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng cho cơ thể bao gồm chuyển hóa glucid, chuyển hóa lipid, chuyển hóa protid.
  • Chức năng giải độc: Gan tham gia vào việc chuyển hóa giúp cơ thể tránh được các tác nhân gây độc nội sinh hay ngoại sinh. Các chất độc vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các chất không độc hay ít độc cho cơ thể rồi thải ra bên ngoài qua đường thận hay đường tiêu hóa.
  • Chức năng bài tiết mật: Các tế bào gan sản xuất ra mật, rồi đổ vào đường dẫn mật giúp cơ thể hấp thu lipid và một số loại vitamin tan trong dầu.
  • Chức năng dự trữ: Gan là nơi dự trữ các vitamin và khoáng chất như vitamin A, B, C, D, E, chất sắt và đồng cho cơ thể.

Gan có tái tạo lại không là thắc mắc của nhiều người hiên nay
Gan có tái tạo lại không là thắc mắc của nhiều người hiên nay

2. Gan có tái tạo lại không?

Một khả năng tuyệt vời của gan đó là chúng có khả năng tự tái tạo. Nếu như trường hợp gan bị tổn thương dưới 25% thì nó có thể tái tạo hoàn toàn. Trường hợp gan bị tổn thương lớn hơn thì vẫn có khả năng tái tạo nhưng không đạt được kích thước như ban đầu. Do vậy, nếu như chúng ta hiến tặng một phần gan khỏe mạnh cho người thân hoặc trường hợp tổn thương một phần gan thì cơ quan này vẫn có thể tái tạo lại.

Vì khả năng tái tạo của gan nên những người mắc bệnh về gan như ung thư gan cần loại bỏ vùng gan tổn thương tránh tế bào ung thư lan sang các cơ quan khác. Vùng còn lại vẫn tái tạo để đảm bảo chức năng gan. Trong trường hợp phải loại bỏ phần lớn mô gan thì có thể tiến hành ghép gan từ gan của người phù hợp.

Như vậy, nếu như hỏi gan có tái tạo lại không? thì câu trả lời là có. Gan được coi là cơ quan duy nhất có thể tái sinh nếu như bị mất đi một phần.

Tóm lại, gan có rất nhiều chức năng quan trọng với cơ thể nhưng nó cũng rất dễ bị tổn thương do các tác nhân từ bên ngoài như rượu, bia, virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, các độc tố từ thức ăn hay nước uống đưa vào cơ thể...Tuy khả năng tự tái tạo của gan rất tốt nhưng nếu số lượng mô gan tổn thương lớn thì không thể phục hồi hoàn toàn. Nếu cứ tiếp tục đưa những chất có hại cho gan vào cơ thể thì dần dần gan sẽ không còn khả năng tái tạo để đảm bảo chức năng nữa, thay thế các mô gan thành các mô xơ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe