Bệnh Celiac (không dung nạp Gluten) là gì? Triệu chứng và nguyên nhân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bệnh không dung nạp gluten là bệnh lý đường ruột gây ra do tình trạng dị ứng với gluten, với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1%, tương tự nhau ở cả hai giới và bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi. Bệnh gây ra tình trạng viêm và bất sản ruột non làm giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

1. Bệnh Celiac (không dung nạp Gluten) là gì?

Bệnh celiac hay còn gọi là bệnh không dung nạp Gluten, đây là bệnh gây ra do phản ứng với gluten, không cho cơ thể hấp thu các thực phẩm có chứa gluten. Gluten là các protein khác nhau được tìm thấy trong lúa mì và trong các loại ngũ cốc khác như lúa mạch và lúa mạch đen.

Bệnh Celiac dẫn đến tình trạng viêm và bất sản niêm mạc ruột non gây ra hàng loạt các rối loạn tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng tại ruột non.

Bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi hay có thể xuất hiện sớm khi còn nhỏ và thường liên quan đến các bệnh lý tự miễn khác như tiểu đường type 1, viêm tuyến giáp tự miễn...

Thông thường việc điều trị bệnh chủ yếu là thay đổi chế độ ăn uống. Bệnh có thể kiểm soát bệnh này bằng cách tuân thủ một chế độ ăn không có gluten, nghĩa là bạn không ăn bất kỳ thực phẩm nào chứa gluten. Việc áp dụng chế độ ăn này có thể gây phiền toái, tuy nhiên nếu không tuân thủ bệnh có thể quay lại và người bệnh ngay tại thời điểm đó chưa thể phát hiện được.

2. Nguyên nhân gây bệnh


Căng thẳng cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh Celiac
Căng thẳng cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh Celiac

Đây là bệnh lý liên quan đến yếu tố di truyền, nên nếu một thành viên trong gia đình mắc bệnh Celiac, thì khoảng 1 người trong số 10 thành viên khác trong gia đình của bạn cũng có khả năng mắc bệnh này.

Bệnh Celiac thường sẽ không biểu hiện triệu chứng nếu không có yếu tố gây bệnh, bệnh sẽ phát triển khi gặp các yếu tố sau:

  • Khi ăn các thức ăn có chứa gluten như lúa mì, lúa mạch, yến mạch. Thì hệ thống miễn dịch sẽ tấn công và gây tổn thương những tại ruột non.
  • Quá căng thẳng
  • Nhiễm trùng đường ruột
  • Sinh con hay làm phẫu thuật

3. Triệu chứng bệnh Celiac như thế nào?

  • Ở trẻ em: Trẻ thường biểu hiện các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, phân có mùi hôi bất thường và nhờn như có dầu mỡ. Trẻ có thể kém phát triển, không hoặc kém tăng cân, cáu bẳn, hay quấy khóc, ít chơi đùa. Nặng hơn trẻ xuất hiện các dấu hiệu suy dinh dưỡng như bụng lớn, cơ đùi teo nhỏ và mông lép,...
  • Người lớn: Thường ít thấy các biểu hiện trên đường tiêu hóa, đa phân là thấy sức khỏe kém, bao gồm mệt mỏi, đau xương hoặc đau khớp, dễ cáu, lo lắng và trầm cảm, ở phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt.
  • Bệnh gây tình trạng kém hấp thu các chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin
  • Không có khả năng hấp thụ carbohydrate và chất béo có thể gây giảm cân và chậm tăng trưởng ở trẻ em và mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng.
  • Thiếu máu có thể do: Giảm hấp thu các chất tham gia vào quá trình tạo hồng cầu như sắt, acid folic, vitamin B12. Kém hấp thu sắt có thể gây thiếu máu do thiếu sắt, acid folic và vitamin B12 kém hấp thu có thể dẫn đến thiếu máu megaloblastic.
  • Kém hấp thu canxi và vitamin D có thể gây giảm hàm lượng khoáng chất của xương hoặc loãng xương ( suy yếu xương và nguy cơ gãy xương dễ vỡ).
  • Selenium kém hấp thu trong bệnh celiac, kết hợp với hàm lượng selen thấp trong nhiều loại thực phẩm không chứa gluten, gây nguy cơ thiếu hụt selen
  • Một tỷ lệ nhỏ có đông máu bất thường do thiếu vitamin K và có nguy cơ chảy máu bất thường.
  • Không dung nạp lactose (giảm tiêu hóa các sản phẩm sữa) là triệu chứng khá phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh Celiac ở bất cứ lứa tuổi nào.
  • Viêm da dạng herpes (nổi mụn nước) và loét niêm mạc miệng cũng là dấu hiệu thường gặp ở những người bị bệnh Celiac.

4. Bệnh celiac có nguy hiểm không?


Bệnh có thể kiểm soát bệnh này bằng cách tuân thủ một chế độ ăn không có gluten
Bệnh có thể kiểm soát bệnh này bằng cách tuân thủ một chế độ ăn không có gluten

Bệnh Celiac có thể gây ra những hậu quả nghiêm trong nếu như không phát hiện và cải thiện tình trạng bệnh sớm. Một số nguy cơ gây ra do bệnh Celiac như:

  • Gluten gây tổn thương niêm mạc ruột non ở người bị bệnh Celiac. Tình trạng này sẽ ngăn cơ thể bạn không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng từ thực phẩm dẫn đến cơ thể mệt mỏi, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và hàng loạt các rối loạn khác như rối loạn đông máu....
  • Bệnh celiac dẫn đến tăng nguy cơ của cả hai ung thư hạch và ung thư biểu mô của ruột non
  • Bệnh lâu ngày và không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng khác, chẳng hạn như viêm loét ruột non và co hẹp ruột non do sẹo.

Vì vậy khi nghi ngờ bị bệnh hay trong gia đình có người mắc bệnh Celiac nên đến khám và làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh sớm.

Bệnh Celiac không điều trị lâu ngày có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên bệnh có thể kiểm soát bệnh này bằng cách tuân thủ một chế độ ăn không có gluten, nghĩa là không ăn bất kỳ thực phẩm nào chứa gluten. Bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống đúng, những tổn thương do bệnh Celiac gây ra có thể phục hồi và cảm thấy cơ thể khỏe hơn. Điều cần làm đó là bạn cần được phát hiện sớm bệnh qua khám bệnh và xét nghiệm chẩn đoán.

Với gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi tiêu hóa, Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương đã thực hiện thành công nhiều trường hợp can thiệp nội soi phức tạp, phát hiện nhiều tổn thương ung thư tiêu hóa ở giai đoạn sớm, đem lại sức khỏe và sự an tâm cho nhiều bệnh nhân.
Bác sĩ Phương chuyên chẩn đoán ung thư sớm ở dạ dày và đại tràng, kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng trong điều trị sỏi đường mật tụy, hẹp đường mật, u đường mật, rò mật và điều trị co thắt tâm vị bằng kỹ thuật mở cơ qua đường miệng điều trị co thắt tâm vị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe